Những điểm mới của Luật Nhà ở 2023 mới được Quốc hội thông qua

LS. Nguyễn Hoàng Nhật Thi và TTLS. Lê Thị Kim Dung - Công ty Luật TNHH T&P - 20/12/2023 15:06 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) (“Luật Nhà ở 2023”) với nhiều quy định mới về quản lý, phát triển nhà ở, siết chặt quản lý chung cư mini, đẩy mạnh phát triển NOXH (“NOXH”), nhà ở cho công nhân.

VNF
Những điểm mới của Luật Nhà ở 2023 mới được Quốc hội thông qua

Luật Nhà ở (sửa đổi) 2023 sẽ thay thế cho Luật Nhà ở 2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) 2023 đã được Quốc hội thông qua cũng như thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua và có hiệu lực. Dưới đây là một số nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý của Luật Nhà ở 2023.

Đẩy mạnh phát triển nhà chung cư, hạn chế phân lô bán nền

Luật Nhà ở 2023 khẳng định Nhà nước cần có chính sách phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người đều có chỗ ở phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Trên cơ sở đó, từ góc độ định hướng, Nhà nước thực hiện quyền quản lý về nhà ở thông qua Chiến lược nhà ở quốc gia, Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh. Nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được phê duyệt sẽ phải được công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương nhằm tạo sự minh bạch, phổ biến rộng rãi việc quản lý nhà ở của Nhà nước tới các đối tượng có liên quan.

Về loại hình nhà ở được khuyến khích phát triển, Luật Nhà ở 2023 quy định tại đô thị loại I và các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt chủ yếu phát triển nhà chung cư mà không khuyến khích phát triển nhà ở riêng lẻ.

Hoạt động kinh doanh “phân lô bán nền” (người dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở) cũng đã bị thu hẹp khi chủ đầu tư buộc phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê tại các khu vực thuộc phường, quận, thành phố thuộc đô thị đặc biệt, loại I, loại II, loại III hoặc trường hợp chủ đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất đề đầu tư dự án xây dựng nhà ở mà không được “phân lô bán nền” tại các khu vực này theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Luật Nhà ở sửa đổi.

Chưa thông qua việc chủ đầu tư được phát triển dự án nhà ở thương mại trên đất không có yếu tố ở

Quy định của Luật Đất đai 2013 hiện hành không yêu cầu chủ đầu tư buộc phải có đất ở mới được phép thực hiện dự án nhà ở thương mại (Luật Đất đai 2013 cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng các loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật). Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2014 (được sửa đổi bởi Luật Đầu tư 2020, tiếp tục được sửa đổi bởi Luật sửa đổi 9 Luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh năm 2022) quy định nhà đầu tư được thực hiện dự án nhà ở trong trường hợp có quyền sử dụng hợp pháp đất ở hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đất ở và đất khác không phải là đất ở và đáp ứng các điều kiện theo quy định được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Đây là quy định xung đột trong hệ thống pháp luật và gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất không có yếu tố ở thì không thể chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở mặc dù dự án phù hợp với các quy hoạch có liên quan.

Luật Nhà ở 2023 chưa giải quyết triệt để tình huống chủ đầu tư có quyền sử dụng đất không có yếu tố “đất ở” thì có được chấp thuận chủ trương đầu tư để làm nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại hay không. Cụ thể, khoản 3 Điều 36 chỉ quy định điều kiện để được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại khi “nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đất đai”.

Trong khi đó, theo phiên bản dự thảo Luật Đất Đai gần nhất liên quan đến nội dung khi chủ đầu tư thoả thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, hiện có hai phương án: (1) phải có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác, hoặc (2) không quy định phải có quyền sử dụng đất ở.

Do đó, để xem xét khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành có thể khơi thông cho các dự án nhà ở thương mại đang vướng mắc do chủ đầu tư không có phần diện tích đất ở nào hay không sẽ vẫn phải chờ đến khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi (đang được trình cấp có thẩm quyền cho phép để Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2024 để xem xét thông qua).

Quy định rõ hơn về nguồn vốn phát triển nhà ở thương mại

Về cơ bản, các nguồn vốn cho phát triển nhà ở thương mại tại Luật Nhà ở sửa đổi không có sự điều chỉnh, thay đổi lớn so với Luật Nhà ở 2014. Luật Nhà ở 2023 chỉ luật hoá hình thức chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được huy động vốn thông qua “phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ theo quy định của pháp luật” (trước đây nguồn vốn chủ đầu tư thu được từ phát hành trái phiếu để thực hiện dự án nhà ở mới chỉ được quy định gián tiếp ở cấp nghị định hướng dẫn thi hành).  

Ngoài ra, đối với “nguồn vốn chủ sở hữu” trước đây chưa được quy định rõ là một trong các nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà ở theo Luật Nhà ở 2014 thì nay đã được quy định cụ thể là một trong các nguồn vốn để phát triển nhà ở tại khoản 1 Điều 112 Luật Nhà ở sửa đổi.

Liên quan đến quy định về nguồn vốn và hoạt động nhận đặt cọc, bán hàng trong quá trình triển khai dự án nhà ở, các chủ đầu tư dự án nhà ở cũng cần lưu ý rằng Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã có quy định mới giới hạn chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc mua nhà ở, công trình xây dựng không quá 5% giá bán, giá cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng khi đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định.

Duy trì quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư cho mục đích không phải để ở, ghi nhận quy định nhà ở được sử dụng vào mục đích không phải để ở trong trường hợp pháp luật không cấm.

Liên quan đến mục đích sử dụng của nhà ở, Luật Nhà ở 2014 quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, tuy nhiên không có quy định về việc có hay không cho phép sử dụng nhà ở không phải căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở (sử dụng để kinh doanh). Thực tế hiện nay các hoạt động sử dụng nhà ở riêng lẻ không phải căn hộ chung cư vào các mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ, thương mại, khách sạn, văn phòng vẫn được các chủ sở hữu nhà ở và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện phổ biến.

Vì vậy, việc Luật Nhà ở 2023 bổ sung khái niệm về nhà ở tại khoản 1 Điều 2, gián tiếp ghi nhận việc sử dụng nhà ở cho mục đích không phải để ở mà pháp luật không cấm, đã phần nào bổ sung căn cứ pháp lý cho các hoạt động sử dụng nhà ở cho mục đích không phải để ở như đối với trường hợp sử dụng nhà ở riêng lẻ để kinh doanh. Tuy nhiên, liên quan tới việc sử dụng căn hộ chung cư, Luật Nhà ở sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở tại khoản 8 Điều 3.

Nhà ở cho người nước ngoài

Tổ chức, cá nhân nước ngoài (“người nước ngoài”) theo quy định tại Luật Nhà ở sửa đổi vẫn là một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.  

Quy định liên quan đến nội dung nhà ở cho người nước ngoài tại Luật Nhà ở 2023 không có sự thay đổi quá lớn mà tiếp tục kế thừa và bổ sung, làm rõ các quy định liên quan tại Luật Nhà ở 2014.  

Theo đó, đối với khu vực người nước ngoài được sở hữu nhà ở, khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở 2023 quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thông báo các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh để UBND cấp tỉnh xác định và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở (Luật Nhà ở 2014 hiện chỉ quy định về việc người nước ngoài được sở hữu nhà ở trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ và quy định này được hướng dẫn và sửa đổi bởi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014). 

Như vậy, người nước ngoài quan tâm tới việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam có thể căn cứ quy định tại Luật Nhà ở sửa đổi để kiểm tra nhà ở, dự án mà mình quan tâm có nằm trong danh mục dự án được phép bán nhà ở cho người nước ngoài trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh hay không trước khi thực hiện giao dịch.

Phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ

Để khắc phục những hạn chế, bất cập của loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ hay còn được biết đến với tên gọi loại hình căn hộ “chung cư mini” hiện nay, Luật Nhà ở sửa đổi đã bổ sung thêm nhóm điều khoản quy định về việc phát triển loại hình nhà ở này tại Mục 5 Chương IV. Theo đó, về nguyên tắc vẫn cho phép phát triển và cấp giấy chứng nhận cho nhà ở theo loại hình này.

Tuy nhiên, việc thực hiện phải đi kèm các điều kiện, yêu cầu cụ thể với chủ thể thực hiện dự án, đặc biệt là đối với trường hợp cá nhân thực hiện phát triển loại hình nhà ở này.  Việc thực hiện phát triển nhà ở nhiều tầng trái quy định của Luật Nhà ở sửa đổi cũng được đưa vào là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 4 Điều 3.

Về điều kiện thực hiện phát triển nhà ở nhiều tầng, đối với trường hợp cá nhân phát triển nhà ở nhiều tầngsẽ phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở khi (1) đầu tư xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để bán, để cho thuê mua, để kết hợp bán, cho thuê mua, cho thuê căn hộ, hoặc (2) nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê, hoặc (3) nhà ở nhiều tầng có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để bán, cho thuê mua.  

Điều này có nghĩa rằng, cá nhân khi đầu tư xây dựng các loại nhà ở này phải đáp ứng các điều kiện tương tự như một doanh nghiệp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở (phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản, đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án, có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, có năng lực kinh nghiệm phù hợp để thực hiện dự án…).  

Đồng thời, về đầu tư xây dựng dự án, phải thực hiện theo quy định pháp luật xây dựng và quy định có liên quan như thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt dự án, đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy…

Để thắt chặt quản lý hoạt động xây dựng, thanh tra, kiểm tra hoạt động của nhà ở nhiều tầng, Luật Nhà ở sửa đổi cũng quy định cho Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư sẽ áp dụng cho cả việc quản lý vận hành loại nhà ở này và UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu, điều kiện về việc đầu tư xây dựng nhà ở nhiều tầng.

Nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp

Về chính sách đối với NOXH, Luật Nhà ở 2023 có nhiều nội dung mới, được sửa đổi phù hợp với thực trạng thực hiện NOXH, nhu cầu NOXH hiện nay, làm cơ sở thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này trong thời gian tới.

Thứ nhất, liên quan đến việc hưởng ưu đãi của chủ đầu tư dự án NOXH, chủ đầu tư dự án NOXH được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án là một chính sách ưu đãi đã được thực thi từ xuyên suốt từ Luật Nhà ở 2014 đến Luật Nhà ở 2023.  

Tuy nhiên, quy định tại Luật Nhà ở 2023 đã giảm bớt các thủ tục hành chính liên quan đến xác định giá đất, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất… đối với trường hợp được hưởng ưu đãi này so với quy định trước đó.

Đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở đã thực hiện trong giai đoạn trước khi Luật Nhà ở sửa đổi được ban hành, để được hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất thì chủ đầu tư dự án vẫn phải thực hiện thủ tục để xác định giá đất, số tiền thuê đất, sử dụng đất phải nộp trước khi thực hiện thủ tục đề nghị miễn giảm theo quy định pháp luật đất đai. Chúng tôi cho rằng nội dung quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở sửa đổi sẽ là một điểm mới cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính cho các chủ đầu tư dự án NOXH.

Thứ hai là ưu đãi dành tối đa 20% trên tổng diện tích đất thực hiện dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại. Trước đây, nội dung này cũng đã được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, tuy nhiên ở phiên bản Luật Nhà ở sửa đổi, nội dung này đã luật hoá và quy định cụ thể nội dung này theo hướng chủ đầu tư được hạch toán riêng phần diện tích 20% thương mại, dịch vụ này và được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh các công trình này.

Thứ ba, liên quan đến việc kinh doanh NOXH, Luật Nhà ở sửa đổi đã bổ sung điều khoản quy định đối với NOXH để cho thuê thì chủ đầu tư được bán nhà ở này theo cơ chế thị trường sau 10 năm kể từ ngày nghiệm thu đưa vào sử dụng cho các đối tượng có nhu cầu nếu dự án phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy định pháp luật về đất đai. Đây không phải là một nội dung hoàn toàn mới bởi nội dung tương tự cũng đã từng được quy định tại Khoản 3 Điều 54 Luật Nhà ở 2014, tuy nhiên đối tượng được thực hiện theo nội dung này theo quy định hiện hành có phạm vi hẹp hơn và khác biệt về cách xác định thời gian được thực hiện (quy định hiện hành cho phép bán NOXH sau 5 năm cho thuê) so với quy định mới.

Về chính sách đối với nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, đây là một nội dung hoàn toàn mới so với Luật Nhà ở 2014, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các đối tượng công nhân làm việc trong khu công nghiệp. Với loại hình nhà lưu trú mới này, chủ đầu tư được triển khai là các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp được thuê đất từ doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân. Khi đầu tư xây dựng loại hình nhà lưu trú cho công nhân, ngoài một số ưu đãi tương tự như đối với đầu tư xây dựng NOXH, các chủ đầu tư nhà lưu trú cho công nhân cũng được hưởng những ưu đãi nhất định như tính chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhà lưu trú vào chi phí đầu tư xây dựng khu công nghiệp, chi phí xây dựng nhà lưu trú được tính là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp…

Nội dung về việc xây dựng công trình xây dựng phục vụ lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp cũng đã từng được quy định trước đó tại Nghị Định 35/2022/NĐ-CP, do đó việc luật hoá loại hình nhà lưu trú này sẽ củng cố cơ sở pháp lý cho các chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng loại hình nhà lưu trú này.

Không quy định thời hạn sở hữu căn hộ chung cư, sửa đổi bổ sung chính sách về cải tạo nhà chung cư

Một trong những nội dung đáng chú ý liên quan tới nhà chung cư là Luật Nhà ở 2023 không đưa ra quy định về thời hạn sở hữu căn hộ chung cư. Quy định thời hạn sở hữu căn hộ chung cư là một quy định gây nhiều tranh cãi trong suốt quá trình soạn thảo, lấy ý kiến Luật Nhà ở sửa đổi và cuối cùng đã được loại bỏ tại phiên bản Luật Nhà ở sửa đổi được Quốc hội thông qua.

Việc không quy định về thời hạn sở hữu căn hộ chung cư được đánh giá sẽ tác động tích cực tới giá trị căn hộ chung cư và ổn định tâm lý cho người mua căn hộ chung cư. Bên cạnh đó, Điều 58 Luật Nhà ở sửa đổi quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế của dự án và khi hết thời hạn sử dụng, nhà chung cư phải được phá dỡ, xây dựng lại theo quy định, trường hợp đó quyền lợi của các chủ sở hữu đối với căn hộ chung cư vẫn được bảo đảm theo quy định.

Về nội dung cải tạo nhà chung cư, liên quan đến việc thực hiện cải tạo nhà chung cư theo hình thức thoả thuận với các chủ sở hữu căn hộ của nhà chung cư cũng có những điểm mới cần lưu ý. Theo đó, để việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện hiệu quả, tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp tham gia, thay vì các doanh nghiệp tham gia lựa chọn làm chủ đầu tư dự án phải thông qua hai vòng kiểm duyệt lựa chọn (lần đầu nộp hồ sơ đăng ký và được CQNNCTQ kiểm tra năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, lần thứ hai phải được ít nhất 75% tổng số  các chủ sở hữu nhà chung cư, khu chung cư tham gia đồng ý theo quy định hiện hành) thì mới thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án thì nay thủ tục này được rút gọn.

Cụ thể, sau khi quy hoạch, kế hoạch cải tạo nhà chung cư được phê duyệt thì nhà đầu tư thực hiện thoả thuận về quyền sử dụng đất với các chủ sở hữu, được Hội nghị nhà chung cư lựa chọn làm chủ đầu tư dự án thì nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, thực hiện theo quy định này thì nhà đầu tư phải được toàn bộ chủ sở hữu nhà chung cư chấp thuận lựa chọn làm chủ đầu tư thay vì theo quy định tại Nghị Định 69/2015/NĐ-CP là chỉ cần ít nhất là 75% chủ sở hữu đồng ý.

Ngoài ra, Luật Nhà ở 2023 cũng quy định riêng về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, thực hiện theo quy định tại Điều 69 của Luật này. Theo đó, chỉ trừ trường hợp dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định pháp luật về đầu tư thì các trường hợp còn lại phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về nhà ở, theo đó cơ quan chủ quản tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị thực hiện dự án là cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (Sở Xây dựng) thay vì Sở Kế hoạch và Đầu tư và các nội dung thẩm định có thể sẽ được rút gọn hơn so với quy định của Luật Đầu tư 2020.

Quản lý nhà chung cư

Liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư và quyền của ban quản trị nhà chung cư, chủ sở hữu căn hộ chung cư, Luật Nhà ở sửa đổi đã bổ sung thêm các điều khoản ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc bàn giao hồ sơ, tài liệu cho chủ sở hữu, ban quản trị nhà chung cư.  

Cụ thể, về việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với chỗ để xe và bàn giao chỗ để xe ô tô cho chủ sở hữu, chủ đầu tư phải bàn giao bản vẽ, mặt bằng khu vực để xe trên cơ sở hồ sơ dự án, thiết kế đã được phê duyệt trong đó phân định rõ các khu vực để xe tương ứng.

Về bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư sau khi có quyết định công nhận ban quản trị nhà chung cư của CQNNCTQ, trường hợp không thực hiện bàn giao, chủ đầu tư có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế bàn giao khi ban quản trị nhà chung cư có yêu cầu CQNNCTQ xử lý, thậm chí trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm, chủ đầu tư có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Ngoài các nội dung mới tại Luật Nhà ở sửa đổi như được nêu trên đây, một số nội dung khác được điều chỉnh cũng đáng lưu ý như: bổ sung thêm trọng tài thương mại là cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến nhà ở; bổ sung quy định về việc chuyển đổi công năng nhà ở và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về việc chuyển đổi công năng nhà ở; bổ sung quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và UBND cấp tỉnh trong việc quản lý, sử dụng nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở; bổ sung quy định chủ đầu tư phải bố trí, xây dựng khu vực sạc điện cho xe động cơ điện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.

Với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, Luật Nhà ở 2023 được đánh giá là phù hợp với thực tiễn, nâng cao sự đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan, và khi có hiệu lực sẽ là một công cụ, động lực hiệu quả để thị trường nhà ở được quản lý, phát triển một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Cùng chuyên mục
Tin khác