Quá nửa số công ty bị lỗ, ngành bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng không trọn vẹn

Ngọc Lan - 22/05/2019 07:49 (GMT+7)

Năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng trên 30%, nhưng thực tế đó chỉ là tăng trưởng phí, chứ không phải lợi nhuận.

VNF
Ảnh minh hoạ.

10/18 DNBH nhân thọ báo lỗ trong 2018

Báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy trong năm 2018, mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu đầu tư, doanh thu khai thác mới nhưng do chi phí trích lập dự phòng tăng, nên toàn thị trường ghi nhận mức lỗ gần 3.000 tỷ đồng.

Thống kê sơ bộ từ 18 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ đang hoạt động cũng cho thấy có 10 DNBH ghi nhận lỗ, bao gồm cả những DNBH đã có lãi ở những năm trước, có thể ra một số tên tuổi như Manulife, Generali, Hanwha Life Việt Nam, Sun Life, BIDV MetLife, Aviva, MB Ageas, Phú Hưng Life, FWD…

Lý giải nguyên nhân gây lỗ, về yếu tố khách quan, đó là việc lãi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống mức thấp hơn dự kiến trong thời gian qua, kéo theo sự sụt giảm mạnh của lãi suất chiết khấu áp dụng để tính dự phòng kỹ thuật.

Cùng với đó, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhiều DNBH nhân thọ đã phải trích lập dự phòng lớn trong năm qua. Cụ thể, tổng dự phòng nghiệp vụ năm 2017 được toàn khối trích lập là 20.258 tỷ đồng, tăng 30,07% so với năm 2017.

Ðược biết, tháng 2/2019, Bộ Tài chính đã cho phép các DNBH nhân thọ thực hiện một số thay đổi liên quan đến lãi suất được sử dụng để lập dự phòng nghiệp vụ. Với sự điều chỉnh này, dự phòng nghiệp vụ sẽ giảm (trong trường hợp lãi suất trái phiếu chính phủ không giảm đáng kể trong năm 2019) và khoản giảm này sẽ được ghi nhận vào lợi nhuận hoạt động của DNBH trong năm nay.

Về mặt chủ quan, bản thân DNBH nhân thọ sẽ khó tránh "lỗ kỹ thuật" trong thời gian hoạt động. Thực tế tại thị trường Việt Nam cho thấy, phải sau 5-7 năm hoạt động, một DNBH nhân thọ mới có thể ghi nhận lãi và lợi nhuận tăng trưởng bền vững hay không phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng DNBH.

"Trong những năm đầu hoạt động, DNBH nhân thọ sẽ khó tránh bị lỗ kỹ thuật, nhưng cần kiểm soát được mức lỗ. Nếu mức lỗ hàng năm và mức lỗ lũy kế quá lớn so với mức vốn pháp định 600 tỷ đồng thì phải xem xét điều chỉnh chiến lược kinh doanh, từ phát triển sản phẩm đến đầu tư mở rộng thị trường… Chỉ khi DNBH có chiến lược đúng đắn và quản trị tốt thì mới kỳ vọng sớm có lãi và tăng trưởng ổn định", một chuyên gia trong ngành nói.

Lãi, lỗ do đâu?

Trong hoạt động kinh doanh, các DNBH nhân thọ đều đưa ra sản phẩm có mức phí bảo hiểm cạnh trạnh để vừa thu hút được khách hàng, vừa đảm bảo có lợi nhuận để duy trì hoạt động. Chính vì thế, việc tính phí bảo hiểm cao hơn dễ khiến lợi nhuận bị bào mòn.

Lãi (lỗ) của hoạt động bảo hiểm nhân thọ phát sinh từ sự khác biệt giữa việc tính phí trên thực tế so với lúc thiết kế sản phẩm. Ngoài ra, không giống như các doanh nghiệp hàng tiêu dùng khác, các DNBH nhân thọ có biên chi phí rất thấp, nếu đẩy các chi phí tốn kém như chi phí quảng cáo vào giá (tính phí bảo hiểm ), dẫn đến giá sản phẩm cao, thì sẽ khó cạnh tranh. Còn nếu hạch toán riêng thì chi phí sẽ tăng cao, dẫn đến tính trạng lỗ hoạt động kinh doanh.

Tương tự là với các khoản chi phí khác, DNBH đều phải thận trọng. Nếu DNBH tăng trưởng được doanh thu, thị phần mà vẫn giữ được kỷ luật chi tiêu, thì hiệu quả kinh doanh sẽ cao, đồng nghĩa với việc có lợi nhuận tốt. Ngược lại, nếu DNBH chạy theo chiến lược tăng trưởng doanh thu nóng, giành giật thị phần bằng cách gia tăng chi tiêu ở tất cả các khoản mục, dẫn đến gia tăng tỷ lệ chi phí trên mỗi hợp đồng cao hơn tỷ lệ chi phí kỹ thuật, thì sẽ bị lỗ...

“Ðối với một công ty hoạt động từ 7 năm trở lên, hiệu quả chi phí sẽ thể hiện rõ ở kết quả lợi nhuận tăng dần đều qua các năm tương ứng với quy mô phát triển”, một chuyên gia bảo hiểm chia sẻ.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác