Thuế thu nhập cá nhân và việc thu hút nhân lực chất lượng cao

Khánh Tú - 09/05/2024 14:00 (GMT+7)

(VNF) - Theo kiến nghị của một số bộ ngành, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi về thuế, đơn cử như cắt, giảm thuế thu nhập cá nhân để thu hút thêm nhân lực chất lượng cao. Tuy vậy, theo TS Ngô Công Thành, ưu đãi về thuế chỉ là “một phần của chính sách thu hút nhân tài”.

Thuế gắn liền với thu hút nhân tài

Trong 3 tháng đầu năm 2024, dòng vốn FDI vào Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Theo thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2024, số vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Ngoài ra, vốn giải ngân trong 3 tháng đầu năm đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Bên cạnh những ngành “truyền thống” như công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản… Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều dự án liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn. Những tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn như Intel, Samsung, Qualcom, Amkor… đều đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, chứng minh vai trò quan trọng của nước ta trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách đột phá nhằm tạo ra những tác động tích cực lên tăng trưởng FDI. Một trong số đó là các chính sách thu hút nhân lực, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài, nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cao. Trong đó, chính sách giảm, miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho những chuyên gia nước ngoài, nhân lực chất lượng cao đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây đã có tờ trình đề xuất miễn thuế với các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao tại Đà Nẵng. Theo đó, những nhân lực kể trên sẽ được miễn thuế TNCN trong thời hạn 5 năm.

Lý giải về đề xuất trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhiều chuyên gia trong các ngành công nghệ cao tại Việt Nam đến nay vẫn “chưa nhận được bất kỳ ưu đãi nào từ nhà nước, đặc biệt là ưu đãi về thuế TNCN”. Việc miễn thuế TNCN sẽ góp phần thu hút ngày càng nhiều lực lượng lao động tay nghề cao, từ đó tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành công nghệ cao, các ngành thu hút vốn FDI nhiều tại Việt Nam.

Không riêng Đà Nẵng, TP. HCM cũng đã có cơ chế miễn thuế TNCN, thuế thu nhập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm tạo thêm nguồn lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố. Trưởng Ban Quản lý khu CNC TP. HCM, ông Nguyễn Anh Thi, cho rằng việc phát triển đội ngũ nhân lực, thu hút các chuyên gia, nhân tài phải gắn liền với chính sách thuế. “Sẽ rất nhiều nhân tài về làm việc nếu chúng ta kích hoạt chính sách miễn thuế TNCN trong vòng 5 năm cho họ”, ông Nguyễn Anh Thi nhận định.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng có đề xuất bổ sung quy định giảm 50% thuế TNCN đối với cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc tại các doanh nghiệp, dự án ứng dụng công nghệ cao nằm trong danh mục được ưu tiên, khuyến khích phát triển. Thực hiện quy định này sẽ góp phần thu hút nhân lực công nghệ cao vào làm việc trong các khu công nghệ cao theo quy hoạch của nhà nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của tiềm lực khoa học và công nghệ đất nước.

Mặc dù việc cắt, giảm thuế TNCN cho các đối tượng trên có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng mức giảm không lớn và có thể được bù đắp từ việc tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu...), Bộ Tài chính cho hay.

Ảnh minh hoạ

Miễn thuế không phải là tất cả

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng giảm, miễn TNCN không phải là điểm mấu chốt trong kế hoạch thu hút nhân lực chất lượng cao. Chia sẻ với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, TS Ngô Công Thành, Viện nghiên cứu ISC, nguyên Vụ phó Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định: “Chính sách thu hút nhân tài không phải là chỉ liên quan đến mỗi thuế. Từ trước đến nay, các chuyên gia giỏi, các nhân tài đến làm việc tại Việt Nam đều sẵn sàng đóng thuế thu nhập cá nhân để đóng góp cho xã hội”.

Mức lương của các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia trong ngành công nghệ cao tại Việt Nam vốn đang ở mức cao. Khi được trả thù lao đúng với đóng góp, công sức đã bỏ ra thì không cần đến miễn thuế, những lao động này vẫn sẵn sàng đến và làm việc tại Việt Nam. Chưa kể, mức thuế TNCN mà nước ta đang áp dụng không quá chênh lệch so với nhiều quốc gia khác và việc phải đóng thuế TNCN là “điều hoàn toàn bình thường, phù hợp với thông lệ chung của nhiều nước quốc tế”, ông nhận định.

Theo TS Ngô Công Thành, “dù có miễn, giảm thuế TNCN thì cũng chỉ tạo ra một phần ưu đãi. Vấn đề mấu chốt của thu hút nhân tài là chúng ta có trọng dụng nhân tài hay không, có tạo ra được một môi trường làm việc thoải mái, đầy đủ để họ có thể tự do phát huy được năng lực của mình hay không”.

Bà Vũ Thu Hà, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thu Hà, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, cho rằng “bảng thuế TNCN của nước ta được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố của nền kinh tế. Trong đó, mức thuế suất cao nhất hướng tới đối tượng cá nhân có thu nhập cao nhằm đảm bảo mức đóng góp của họ vào ngân sách nhà nước phù hợp với thu nhập và cân bằng gánh nặng thuế giữa các nhóm thu nhập khác nhau”. Chính vì vậy, việc điều chỉnh mức thuế TNCN nhằm mục đích thu hút lao động cần được cân nhắc kỹ càng, đối trọng với các ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Về giải pháp trước mắt, theo đại diện của Deloitte Việt Nam, thay vì cắt giảm mức thuế suất thuế TNCN, Bộ Tài chính có thể cân nhắc thực hiện điều chỉnh thông qua mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, cấu trúc các khoảng thu nhập hoặc các bậc thuế cho những nhóm thu nhập trung bình nhằm đảm bảo tính phù hợp và công bằng.

Dẫn chứng cho kiến nghị này, bà Hà cho biết một số quốc gia như Singapore, Ấn Độ,… đã điều chỉnh các mức thuế suất và bậc thu nhập cho thuế TNCN nhằm thu hút lao động nước ngoài. Cụ thể, Singapore đã tăng mức thuế suất cao nhất từ 22% lên 24% (áp dụng từ năm 2024), với ngưỡng thu nhập chịu thuế là 1 triệu đô la Singapore/năm nhưng cũng đồng thời điều chỉnh ngưỡng thu nhập của người phụ thuộc từ 4.000 đô la Singapore lên 8.000 đô la Singapore, mở rộng đối tượng được hưởng lợi ích thuế liên quan đến người phụ thuộc.

Hay như Ấn Độ đã nâng thu nhập khởi điểm chịu thuế từ 250.000 Rupee Ấn Độ lên 300.000 Rupee Ấn Độ, đồng thời thêm 2 bậc thuế mới cho nhóm có thu nhập trung bình, mở rộng cấu trúc thuế từ 4 lên 6 bậc, với khoảng cách thu nhập giữa các bậc được điều chỉnh.

Hơn nữa, để thu hút lao động có trình độ cao, không chỉ dựa vào chính sách thuế TNCN mà còn phải xem xét các yếu tố khác như môi trường pháp luật lao động, các chính sách ưu đãi của Chính phủ (nếu có), chính sách an sinh xã hội và các chế độ đãi ngộ của từng đơn vị... - bà Hà nhận định.

'Luật Thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời, sẽ sửa đổi vào năm 2025'

'Luật Thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời, sẽ sửa đổi vào năm 2025'

Tiêu điểm
(VNF) - Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu khi trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/3.
Cùng chuyên mục
Tin khác