Tìm động lực mới cho doanh nghiệp nhà nước

Vân Trang - 04/08/2024 06:30 (GMT+7)

(VNF) - Ông Hoàng Văn Cường - ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, khẳng định doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy hết vai trò của mình trong nền kinh tế.

Doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy hết vai trò

- Nhiều ý kiến cho rằng trong những năm qua động lực tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp nhà nước dường như “im ắng”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Hoàng Văn Cường: Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang là khu vực nắm giữ những nguồn lực như vốn, cơ sở vật chất và đặc biệt là thị phần ở các ngành, các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước còn có lợi thế về thương hiệu rất tốt, do vậy khu vực này luôn luôn được xác định phải là động lực chính, là trụ cột cho phát triển.

Trên thực tế, vai trò này đã được phát huy ở một số lĩnh vực. Ví dụ đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng, hiện nay, nền kinh tế phải dựa vào các ngân hàng có vôn nhà nước để duy trì một hệ thống ổn định. Hay như trong lĩnh vực viễn thông, doanh nghiệp nhà nước cũng phát triển rất bứt phá, không thua kém quốc gia nào trên thế giới.

Song, các doanh nghiệp nhà nước cũng chưa phát huy hết vai trò của mình, bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý theo các quy định về doanh nghiệp nhà nước, không được tự do quyết định, tự do hành động như các doanh nghiệp tư nhân. Cũng vì lí do này, tính năng động, sáng tạo của khu vực này bao giờ cũng bị giới hạn.

Ông Hoàng Văn Cường

Đặc biệt, với những yếu tố đang cần hiện nay như đầu tư mang tính chất mạo hiểm, doanh nghiệp nhà nước hầu như không dám đặt chân vào. Bởi theo quy định, khi đầu tư vào có thể lãi, 10 lần lãi thì không sao, nhưng chỉ cần 1 lần thất bát thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, với các doanh nghiệp tư nhân, họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để lấy lợi ích lớn hơn.

- Vậy làm thế nào để giải quyết những bất cập trên, thưa ông?

Cần có sự thay đổi cho cơ chế quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, Luật số 69 về quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh cũng bắt đầu khởi động việc lấy ý kiến, sửa đổi. Theo tôi, nên sửa đổi theo phương thức quản trị, không phải vốn tài sản doanh nghiệp nhà nước giống với vốn cho ngân sách.

Cụ thể hơn, khi đầu tư vào doanh nghiệp, chúng ta phải chấp nhận khả năng rủi ro, bởi song song là có thể thu hồi kết quả tốt. Chúng ta phải quản lý kết quả cuối cùng, không nên kiểm soát hành vi như hiện nay, vì sẽ làm mất đi tính năng động.

Tại thời điểm này, doanh nghiệp nhà nước đang có nhiều cơ hội và sứ mệnh rất lớn đối với quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế. Các nước muốn có được nền kinh tế phát triển, độc lập tự chủ hay nói cách khác là trở thành một nền kinh tế mở, bao giờ cũng có những tập đoàn, doanh nghiệp làm trụ cột. Chúng ta không nên chỉ trông chờ vào doanh nghiệp tư nhân đứng ra “trụ cột”, vì đây chưa phải thế mạnh của Việt Nam. Có nhiều doanh nghiệp nhà nước với quy mô lớn, tiềm lực mạnh, nếu có cơ chế cởi mở, có thể biến các doanh nghiệp nhà nước thành những tập đoàn mạnh.

Trong quá trình chuyển đổi hiện nay, rất nhiều lĩnh vực cần có sự đầu tư mạo hiểm như chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi xanh. Trong vấn đề này, nhiều doanh nghiệp tư nhân có nguồn lực còn hạn chế, do đó nhà nước phải đứng ra thành lập một quỹ đầu tư, chấp nhận mạo hiểm để “đặt hàng” cho các doanh nghiệp nhà nước, qua đó tạo ra được xương sống cho sự phát triển.

Song song với đó, cũng cần phải thay đổi cơ chế về đầu tư công. Đầu tư công hiện nay là phải đầu tư cả về hạ tầng trong các lĩnh vực phát triển, ví dụ như hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng đổi mới thông qua cơ chế đặt hàng cho các tập đoàn, cho các doanh nghiệp. Nếu có những cơ chế đặt hàng tốt, đây sẽ là yếu tố tạo ra sự bứt phá cho các doanh nghiệp.

Trên thực tế, có rất nhiều địa phương hiện nay xin cơ chế đặc thù đã đặt ra vấn đề đầu tư mạo hiểm, ngay cả Hà Nội với Luật Thủ đô cũng đã đề ra vấn đề này, như vậy nhà nước phải chấp nhận cho việc đầu tư mạo hiểm. Khi đưa ra một cơ chế mới chấp nhận cho đầu tư mạo hiểm, có thể tạo ra những lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhằm tiếp cận các xu hướng tiên tiến hiện nay, đây sẽ là một động lực quan trọng cho sự phát triển.

Doanh nghiệp nhà nước sinh ra không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận

- Hiện nay, cơ hội không hề nhỏ, kể cả trong lĩnh vực đầu tư truyền thống hay lĩnh vực đầu tư mới. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra, doanh nghiệp nhà nước có được làm không, hay có được đa ngành không khi phần kinh doanh không nằm trong phần trụ cột. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp tư nhân có muốn làm không, bởi họ có nhìn ra được 10 năm sau, kết quả của họ sẽ được bảo vệ như thế nào trong bối cảnh thể chế hiện nay?

Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp nhà nước muốn làm gì cũng phải xin phép, phải xây dựng kế hoạch để quyết định đầu tư giống như một dự án đầu tư công. Như vậy, rõ ràng sẽ rất khó để nói doanh nghiệp nhà nước có được làm đa ngành, đa lĩnh vực hay nhảy vào những lĩnh vực đang có cơ hội tốt hay không, trong khi đó khu vực tư nhân chỉ cần thấy có cơ hội tốt là sẽ quyết định rất nhanh.

Vấn đề nằm ở việc doanh nghiệp nhà nước sinh ra không chỉ nhằm mục đích lợi nhuận mà còn phải giải quyết một loạt vấn đề về trụ cột nền kinh tế. Ví dụ, đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, ngân hàng có vốn nhà nước phải giúp nhà nước trong quá trình điều hành các chính sách tiền tệ. Như vậy, sẽ có những thời điểm, các ngân hàng phải chấp nhận một số hoạt động hi sinh lợi nhuận để đạt mục tiêu nhà nước đề ra, điều này khác hoàn toàn với các doanh nghiệp tư nhân.

Ảnh minh họa

Bài toán đặt ra là cần phải đổi mới cách quản lý, không phải tự do hoạt động như khu vực tư nhân, không phải làm gì cũng phải xin phép mà nhà nước phải đặt ra những kế hoạch, mục tiêu chiến lược, còn làm như thế nào là vấn đề của doanh nghiệp nhà nước, nhà nước chỉ quản lý về mục tiêu.

Khi đó, quyền năng động sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng lên. Và để làm được điều đó, Quốc hội phải sửa Luật số 69, thay đổi căn bản quan điểm về quản lý vốn tài sản tại doanh nghiệp. Không chỉ riêng doanh nghiệp nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân cũng cần được cởi trói trong vấn đề này.

Theo một số đánh giá của VCCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, có 51,5% số doanh nghiệp cho rằng các cơ quan nhà nước hiện nay không thực hiện các nhiệm vụ, các tư tưởng chỉ đạo của trung ương về việc giải quyết các thủ tục pháp lý vì lí do “ngại” và “sợ”. Khi doanh nghiệp muốn xin, muốn giải quyết vấn đề gì cũng mất nhiều thời gian giải quyết, thậm chí không được đáp ứng. Do vậy, phải đặt ra việc thay đổi cơ chế quản lý hiện nay, để tháo gỡ những rào cản về thể chế cho cả nền kinh tế cũng như khó khăn chung của các doanh nghiệp.

- Theo đúng lịch trình phải đến năm 2025 Luật 69 mới được thông qua. Vậy, trong giai đoạn chờ đợi, ông có kiến nghị để khơi thông nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước?

Để khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước, tôi cho rằng cần có một nghị quyết của Quốc hội về việc trao quyền cho những người cán bộ quản lý các cấp trong việc vận dụng các quy định pháp luật và vận dụng làm sao để đạt được mục tiêu với kết quả tốt nhất cho xã hội.

Điều này sẽ khuyến khích bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, đồng thời sẽ tạo động lực mới về việc thay đổi cơ chế quản lý, tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

TP HCM đề xuất thành lập doanh nghiệp nhà nước đầu tư nhà ở xã hội

TP HCM đề xuất thành lập doanh nghiệp nhà nước đầu tư nhà ở xã hội

Bất động sản
(VNF) - Trong báo cáo mới đây về thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2025., Sở Xây dựng TP HCM đề xuất, thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn. 
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.