Tín dụng tiêu dùng: 2024 hồi phục, 2025 bùng nổ

Minh Dũng - 27/12/2024 12:41 (GMT+7)

(VNF) - Tín dụng tiêu dùng có những bước phục hồi rõ nét trong năm 2024. Sang năm 2025, tín dụng tiêu dùng được dự báo sẽ bứt phá do nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ.

Tín dụng tiêu dùng khởi sắc

Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, tín dụng tiêu dùng đang khởi sắc trở lại, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng GDP.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 29/11, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 11,9% và tiếp tục tăng lên 12,5% vào ngày 7/12. Tổng dư nợ của toàn nền kinh tế là 15,3 triệu tỷ đồng, huy động vốn đạt 14,8 triệu tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng khởi sắc là minh chứng cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế đang dần vững chắc hơn, với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn triển vọng hơn, cầu tín dụng có thể được lan tỏa rộng hơn.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, sức mua của người dân dần tăng trở lại. Theo Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi nhanh chóng. 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước…

Tại các thành phố lớn, dư nợ cho vay tín dụng tiêu dùng tăng mạnh. Điển hình, tính đến cuối tháng 10, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và 12% so với cùng kỳ.

Theo NHNN chi nhánh TPHCM, nhóm tín dụng phục vụ đời sống, bao gồm vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt hơn 145.000 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tín dụng tiêu dùng, tăng 25% so với cuối năm ngoái và tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngân hàng và công ty tài chính đang đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn nhu cầu sử dụng vốn cao hơn.

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, SHB, VIB, HDBank... đều đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất thấp, phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng. Việc này cũng tạo cuộc đua mới trong chiến lược tiếp cận, khai thác dữ liệu khách hàng với bán lẻ, tiêu dùng.

Sự phục hồi của tín dụng tiêu dùng cũng được thể hiện qua báo cáo tài chính từ các công ty tài chính tiêu dùng như FE Credit, HD SAISON, EVN Finance, VietCredit.

Đơn cử, tại HD SAISON, mảng tài chính tiêu dùng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm nay, với dư nợ tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 906 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ,

EVN Finance cũng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 226,6 tỷ đồng, tăng 58,2% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đạt 537,3 tỷ đồng, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2023, thực hiện được hơn 91% kế hoạch năm (585 tỷ đồng).

VietCredit cũng công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với nhiều thông tin lạc quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2025, tín dụng tiêu dùng sẽ bứt phá?

Theo các chuyên gia, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là hướng đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của tín dụng ngân hàng.

Hiện dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế Việt Nam, trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ này cao gấp 3 lần. Do đó, tín dụng tiêu dùng được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển, qua đó hạn chế tình trạng tín dụng đen, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất, kinh doanh.

Tín dụng tiêu dùng cũng được hỗ trợ khi NHNN mới có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục chủ động tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung và lĩnh vực cho vay đời sống, tiêu dùng hiệu quả, thực chất.

Ngoài những khoản vay lớn như mua, sửa nhà, mua xe, người dân cũng có nhu cầu vay những khoản nhỏ từ vài chục đến 100 triệu đồng. Hiện nay, khi vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần phải có phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ. Đây là một cú hích quan trọng để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay thấp cũng tạo lực hấp dẫn kích thích nhu cầu vay tiêu dùng. Theo số liệu của NHNN, mặt bằng lãi suất đến nay giảm 0,96%/năm so với cuối năm 2023.

Lãi suất cho vay tại các công ty tài chính cũng có xu hướng giảm. Chẳng hạn, lãi suất cho vay tại EVN Finance hồi tháng 6 được niêm yết ở mức 11,97%, đến tháng 11 giảm xuống còn 10,44%.

Một thuận lợi nữa đối với các tổ chức tín dụng là việc NHNN cho phép chủ động điều chỉnh nới room tín dụng. Các nhà băng đã có tăng trưởng tín dụng như LPBank, Techcombank, ACB, và HDBank có cơ sở để khai thác hết dư địa trong tệp khách hàng chất lượng ở thị phần hiện hữu và tiếp cận mới. Nhóm này đều có điều kiện mở rộng cho vay tiêu dùng.

Dựa trên nhiều động lực hỗ trợ, giới phân tích dự báo, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2025, được dẫn dắt bởi cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô. Theo đó, cho vay mua nhà dự kiến tiếp tục hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 15% cho năm 2025, ở cả phân khúc bất động sản sơ cấp và thứ cấp khi nguồn cung tiếp tục được bổ sung mạnh.

Còn thị trường vay tiêu dùng giá trị nhỏ hoặc mua trước trả sau ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 40%, đạt quy mô gần 2 tỷ USD trong năm nay. Dự báo quy mô này sẽ tăng gấp 4 - 5 lần trong vòng 5 năm tới.

Các chuyên gia cũng đánh giá, nhu cầu và tiềm năng của phân khúc cho vay mua nhà còn rất lớn nhưng cần thêm thời gian để các chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tăng nguồn cung giúp kéo giảm mặt bằng giá nhà và kích thích nhu cầu vay mua nhà quay trở lại mức tăng trưởng trung bình trên 20%/năm như giai đoạn trước 2022.

Báo cáo của Fiin Group đánh giá thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô như sự hồi phục của các ngành sản xuất và xuất khẩu. Song tình trạng nợ xấu ở khối tiêu dùng vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện rào cản lớn nhất với cho vay tiêu dùng - ngoài vấn đề sức cầu - chính là khả năng thu hồi nợ. Việc tích hợp định danh điện tử đang hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng, công ty tài chính trong chấm điểm tín dụng với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức trả nợ của người vay.

Còn bà Trần Kiều Oanh, Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn, FiinGroup nhận định, bước sang năm 2025, tín dụng bán lẻ và phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn, dòng vốn hướng vào sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng để giảm rủi ro hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng đồng đều.

Đón đầu chu kỳ mới, ngân hàng số dấn sâu vào cho vay tiêu dùng

Đón đầu chu kỳ mới, ngân hàng số dấn sâu vào cho vay tiêu dùng

Tiêu điểm
(VNF) - Bước vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng, các ngân hàng thuần số không chỉ tận dụng lợi thế công nghệ mà còn đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới. Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm quyết định để các nhà băng này mở rộng thị phần và khẳng định vị thế trong bức tranh tài chính số hóa.
Cùng chuyên mục
Tin khác