Vay tiêu dùng hồi phục: Công ty tài chính lãi lớn, NH thêm tham vọng

Khánh Tú - 15/08/2024 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Trải qua năm 2023 ảm đạm, thị trường tài chính tiêu dùng đang dần khởi sắc trở lại khi tình hình kinh doanh của các công ty tài chính "phấn khởi" hơn trong 6 tháng đầu năm 2024. Cùng với đó, khối ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ góp phần vào tăng trưởng của thị trường này với nhiều chính sách mới.

Công ty tài chính “phấn khởi”

Theo báo cáo tài chính mới công bố, trong quý II/2024, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) ghi nhận mức lãi thuần là 385,2 tỷ đồng, tăng khoảng 5,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh

nghiệp của EVNFinance cũng tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 117,8 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lãi thuần và lợi nhuận sau thuế của EVNFinance lần lượt đạt 760,7 tỷ đồng và 249 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 444% và 56% so với 6 tháng đầu năm 2023.

EVNFinance cũng ghi nhận tín hiệu vui khi dư nợ cho vay tăng 13% so với đầu năm. Đáng nói, tính đến hết quý II/2024, nợ xấu của EVNFinance đạt 270,5 tỷ đồng, giảm 164,6 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương mức giảm 38%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của EVNFinance cũng giảm từ 1,3% vào cuối năm 2023 xuống còn 0,71% vào cuối quý II/2024.

Tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Công ty Tài chính HD Saison cho biết, dư nợ cho vay của công ty trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 16.939 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của HD Saison đạt hơn 601 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và gần bằng mức lợi nhuận 660 tỷ đồng của cả năm 2023.

Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của HD Saison tính đến cuối quý II/2024 đã giảm nhẹ, xuống còn 7,5%. Với kết quả tích cực này, lãnh đạo HD Saison tự tin rằng việc đạt hoặc vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong năm 2024 và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng là hết sức khả thi.

Trong khi đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh số giải ngân của FE Credit cũng tăng tới 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II/2024, tín dụng cốt lõi từ mảng tài chính tiêu dùng của công ty này tăng 3,5% so với quý IV/20243.

Theo báo cáo kết quả hoạt động quý II và 6 tháng năm 2024 của VPBank, nỗ lực trong việc kiểm soát chất lượng danh mục từ quý I cùng với đà phục hồi của cầu tiêu dùng đã mang lại kết quả tích cực trong hoạt động kịnh doanh của FE Credit trong quý vừa qua.

Tình hình kinh doanh của các công ty tài chính được dự đoán sẽ tiếp tục “sáng sủa” trong nửa còn lại của năm 2024. Theo báo cáo mới nhất của VCSC, lãi suất giảm và sự phục hồi của nền kinh tế sẽ giúp cải thiện nhu cầu của khách hàng và khả năng trả nợ, từ đó hỗ trợ biên lãi cho vay của các công ty tài chính trong năm 2024.

VCSC kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ được cải thiện vào năm 2024, nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian còn lại của năm 2024. Ngoài ra, việc nâng cao quy trình thẩm định tín dụng và hoạt động kinh tế cải thiện và lãi suất giảm cũng được cho là sẽ sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ của khách hàng tài chính tiêu dùng.

Khối ngân hàng thêm tham vọng mới

Trái với sự khởi sắc trở lại của các công ty tài chính, phân khúc cho vay tiêu dùng của khối ngân hàng thương mại lại khá ảm đạm trong nửa đầu năm 2024.

Theo báo cáo tài chính quý II/2024, nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay tiêu dùng cá nhân cao như ACB, VPBank… đều có sự thay đổi trong cơ cấu tín dụng. Đơn cử như ACB, tính đến ngày 30/6/2024, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 12,7% so với đầu năm và đồng thời cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong gần một thập niên qua. Song, góp phần lớn vào mức tăng trưởng tín dụng của ACB lại là mảng doanh nghiệp khi tăng tới 37,6% còn mảng khách hàng cá nhân tăng 12,3%.

Tương tự, VPBank ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 10,24% trong nhóm ngân hàng bán lẻ với động lực chính đến từ việc mở rộng cho vay doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ trọng cho vay doanh nghiệp kinh doanh bất động sản của VPBank đã tăng lên 22,48%.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, những chính sách mới ban hành sẽ là động lực thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ vào thị trường tài chính tiêu dùng của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Thông tư 12 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại.

Đáng chú ý, vào tháng 7/2024, NHNN đã ban hành Thông tư 12 sửa đổi bổ sung một số nội dung của Thông tư 39, trong đó cho phép các tổ chức tín dụng cho vay các khoản dưới 100 triệu đồng không phải bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Thông tư 12 không phải là quy định lỏng lẻo mà mục đích đẩy mạnh tài chính tiêu dùng, tạo thuận lợi thực sự cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp, từ đó góp phần kích thích sự phát triển của tài chính tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cho vay tiêu dùng sẽ được các ngân hàng chú trọng đẩy mạnh trong giai đoạn cuối năm 2024 trong bối cảnh lực cầu tín dụng nhìn chung chưa khởi sắc. Hiện tại, một số nhà băng cũng đang dồn lực cho các chương trình cho vay tiêu dùng kỳ hạn ngắn, lấy đó làm mũi nhọn giúp ngân hàng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024.

Cùng chuyên mục
Tin khác