Trục lợi tiền tỷ: Cán bộ y tế và nhân viên bảo hiểm bị khởi tố

Hoàng Minh - 16/12/2024 09:45 (GMT+7)

(VNF) - Cơ quan CSĐT Công an huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 16 đối tượng để điều tra về hành vi lập khống bệnh án nhằm trục lợi bảo hiểm nhân thọ

Cụ thể, ngày 14/12 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân khởi tố 16 người về các tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Trong số 16 bị can, có 13 bị can bị khởi tố trong nhóm tội "Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm", 2 bị can bị khởi tố trong nhóm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" và 1 bị can bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

7 người trong số đó là cán bộ, nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện tuyến huyện ở tỉnh Thanh Hóa.

Các bị can còn lại là nhân viên thuộc các chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

2 đối tượng Nguyễn Thị Ngân (Trái) và Nguyễn Thị Loan

Công an xác định, hai nghi can cầm đầu đường dây trục lợi tiền bảo hiểm nhân thọ là Nguyễn Thị Ngân (37 tuổi, ở thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân) và Nguyễn Thị Loan (34 tuổi, ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương). Đây là 2 đại lý chính của Công ty bảo hiểm nhân thọ chi nhánh Thanh Hóa.

Chỉ tính từ năm 2021 đến năm 2023, hai đối tượng này đã câu kết với nhiều đại lý bên dưới và cán bộ của các Bệnh viện trong tỉnh để lập khống hồ sơ bệnh án chữa bệnh của các khách hàng để trục lợi tiền bảo hiểm, gây thiệt hại cho DN bảo hiểm nhân thọ chi nhánh Thanh Hóa gần 1 tỷ đồng.

Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.

Trao đổi với VietnamFinance, đại diện Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, trục lợi bảo hiểm đến từ nhiều phía, kể cả các quốc gia phát triển hiện nay trên thế giới vẫn đang tồn tại, vì vậy mà cơ quan quản lý nhà nước cũng đã và đang triển khai những giải pháp, có chế tài để xử lý, hạn chế việc này.

Hiện, quy định của pháp luật xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm đã rất chặt chẽ, gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là tội hình sự, trước đây chỉ xử lý dân sự theo quan hệ hợp đồng. Nay hình sự hoá hành vi gian lận bảo hiểm từ năm 2015 tại Điều 213 trong Bộ Luật hình sự, rất nghiêm minh.

“Quy định của pháp luật đã đầy đủ, nhưng từ quy định đến việc người dân tuân thủ là cả một quãng đường dài, thị trường bảo hiểm không thể đốt cháy giai đoạn được. Đất nước phát triển, dân trí dần được nâng cao, nhận thức chung của toàn xã hội về bảo hiểm chắc chắn tốt hơn”, đại diện Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm khẳng định.

Chặn trục lợi bảo hiểm: Luật chặt chẽ, thị trường sẽ dần tốt lên

Chặn trục lợi bảo hiểm: Luật chặt chẽ, thị trường sẽ dần tốt lên

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Gian lận, trục lợi trong bảo hiểm xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu hiểu biết pháp luật, kẽ hở pháp lý… Để giải quyết được thực trạng này, các chuyên gia lưu ý việc quan trọng cần phải tăng cường phổ biến pháp luật, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong bảo hiểm.
Cùng chuyên mục
Tin khác