TS Lê Duy Bình: 'Tăng trưởng 6,0- 6,5% GDP trong năm nay là hoàn toàn khả thi'

Đỗ Trang - 30/05/2022 12:10 (GMT+7)

(VNF) - Nhìn lại kết quả đã đạt được trong 4 tháng đầu năm, TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,0- 6,5% GDP trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

VNF
TS Lê Duy Bình

Ông Bình cũng nhấn mạnh gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, tương đương 4,3% GDP, sẽ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể phục hồi nhanh và bền vững.

NỀN KINH TẾ PHỤC HỒI MẠNH MẼ

- Ông đánh giá như thế nào về tốc độ phục hồi kinh tế ở thời điểm hiện tại?

TS Lê Duy Bình: Từ quan sát cá nhân, tôi cho rằng nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ với nhiều tín hiệu tích cực. Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp nối đà phát triển của quý I/2022, tình hình kinh tế tháng 4/2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc. Thậm chí, nhiều ngành đạt kết quả tốt hơn những năm trước đại dịch, trong đó nổi bật là lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Bốn tháng đầu năm 2022 kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 tăng thấp nhất trong mức tăng của tháng 4 giai đoạn 2017 - 2022; vấn đề an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%.

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tháng 4 ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Đây sẽ là tiền đề quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và bứt phá trong tương lai.

Với tốc độ phục hồi như vậy, theo quan điểm của ông, liệu mục tiêu tăng trưởng từ 6.0-6.5% GDP đề ra có đạt được không?

Tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% năm nay như nghị quyết của Chính phủ đề ra là có cơ sở, không phải là quá lạc quan khi tính đến sức bật trong nước và nhu cầu hàng hóa của thế giới. Đặc biệt là việc triển khai các chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới được ban hành sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ phục hồi.

THẬN TRỌNG KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

- Trong bối cảnh đó, việc thực thi gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng của nhà nước sẽ có ý nghĩa như thế nào?

Quản trị vận hành chương trình phục hồi là yếu tố quyết định thành công của gói hỗ trợ nói chung và của chương trình phục hồi kinh tế nói riêng. Với chương trình phục hồi kinh tế lần này, một lần nữa Chính phủ đã cho thấy quyết tâm hành động với một số điểm nhấn trọng tâm, trọng điểm trong chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững, như thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trên thực tế, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng của nhà nước đã đi vào thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình (Nghị quyết 11/NQ-CP).

Đáng nói chương trình cũng đã bước đầu cho thấy các tác động trực tiếp và gián tiếp tích cực đối với nền kinh tế. Trực tiếp nhất là việc các bộ, ngành đã rất khẩn trương xây dựng các văn bản pháp luật, bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của chương trình, chẳng hạn như điều chỉnh thuế suất VAT từ 10% xuống còn 8% ngay từ đầu tháng 2/2022…

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nền kinh tế còn được thực hiện khẩn trương thông qua những chính sách mới ngoài Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (như việc tích cực xây dựng đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có hiệu lực từ 1/4/2022, điều chỉnh giới hạn giờ làm thêm…) hay chuẩn bị nền tảng thể chế cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Cộng đồng doanh nghiệp đã có tâm lý và kỳ vọng tích cực, kể cả ngay trước và sau khi ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP: số doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm đã tăng tới 11,9% so với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 102,5%...

- Nhưng, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, việc triển khai gói kích thích cũng có những rủi ro như lạm phát, vốn rẻ chảy vào một số lĩnh vực nóng, không khuyến khích. Chúng ta rút kinh nghiệm từ các gói kích thích như năm 2008?

Đúng là chúng ta có bài học mới đây thôi là giai đoạn 2008 - 2010, thời điểm nền kinh tế chịu một khủng hoảng nặng nề, do tác động từ bên ngoài. Khi đó, chúng ta có gói cứu trợ lớn so với quy mô kinh tế thời điểm đó. Một trong những biện pháp thực hiện là cấp bù lãi suất, điều này tạo ra nhiều méo mó thị trường. Với gói cấp bù, bơm lượng tiền rất lớn ra thị trường.

Năm 2009 - 2010, lạm phát có thời điểm lên tới 15% - 18%, doanh nghiệp phải trả lãi suất vay vốn ngân hàng tới 21% - 22%, rõ ràng không một doanh nghiệp nào mong muốn. Như vậy, có thể một số bộ phận doanh nghiệp được hưởng lãi suất cấp bù trong thời gian ngắn nhưng để lại hệ luỵ lớn là rất nhiều doanh nghiệp khác, có cả những doanh nghiệp đang khoẻ mạnh, hay chính những doanh nghiệp đang được hưởng cấp bù lãi suất bị tác động tiêu cực khi phải vay vốn với lãi suất cao. Đây là hệ luỵ chúng ta đã nhìn thấy, chứ không quá xa.

Bên cạnh đó việc thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp vô tình tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với người tiếp cận nguồn vốn này. Để sản xuất kinh doanh, không loại trừ nhiều doanh nghiệp vay đảo nợ, trả nợ cũ, không đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Thậm chí nhiều trường hợp, doanh nghiệp vay vốn dù không có nhu cầu, người biết cách tiếp cận nguồn vốn hưởng lợi chứ không phải người cần vốn thực sự, vay rồi họ cho vay lại để hưởng chênh lệch...

Điều này làm phương hại, xói mòn nguyên tắc thương mại, phân bổ nguồn lực, tạo ra quyết định về tín dụng mang tính chất không khách quan dẫn tới sức khỏe của hệ thống ngân hàng thương mại bị suy yếu. Rõ ràng sau đó, dù không hoàn toàn do cấp bù lãi suất nhưng đây là một nguyên nhân khiến một số ngân hàng thời điểm đó rơi vào tình trạng khó khăn về sức khoẻ tài chính.

Điều này là rủi ro phải tính toán đến, bởi cấp bù lãi suất chỉ đem lại lợi ích trước mắt còn tác động lâu dài thì chưa lường hết được. Do vậy cần cân nhắc phương án hỗ trợ cần thiết, nếu không chính doanh nghiệp sẽ phải trả giá nếu rủi ro đó xảy ra. Đặc biệt, chúng ta cần phải tính đến sử dụng hết nguồn lực, dư địa hiện có, năng lực giải ngân. Nếu làm được điều này, gói kích thích theo tôi chỉ 300-400 nghìn tỷ đồng là vừa. Chúng ta luôn đặt vấn đề tìm kiếm nguồn lực nhưng sử dụng không hiệu quả thì không nên.

ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỂ CHẾ

- Ở góc độ chính sách vĩ mô, theo ông, cần làm gì để hỗ trợ cho quá trình phục hồi nền kinh tế nhanh và bền vững hơn?

Những chính sách hỗ trợ như vừa qua là kịp thời nhưng chỉ mang tính ngắn hạn. Quan trọng là những chính sách, luật pháp phải đặt nền tảng dài hạn hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp, thay vì “đánh cờ nước một”. Năm 2020, 2021 chúng ta đã “đánh cờ nước một” là năm nay hỗ trợ như thế này, như thế kia. Thời điểm này không nên làm vậy nữa mà phải tính 5, 10 năm tới sẽ thế nào, xác định tầm nhìn trung hạn thay vì giải quyết khó khăn trước mắt.

Thời gian qua, dù đã nhiều cải thiện trong các chính sách về đầu tư, đất đai, thủ tục hành chính song vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa mới bắt kịp được đà phát triển của thế giới. Các chính sách hỗ trợ quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp phải mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn. Dù doanh nghiệp đã có quyền tự do kinh doanh, nhưng sự hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn thiếu quyết liệt.

Chẳng hạn ở những lĩnh vực mới như fintech, ta vẫn còn rất nhiều hạn chế về tự do sáng tạo, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới, ngay như quy chế về sandbox đã bàn mãi nhiều năm giờ vẫn chưa có… Hay như cơ chế thu hút PPP, dù đã có luật nhưng vẫn rất khó khăn khi triển khai, không thu hút được dòng vốn xã hội như kỳ vọng.

Thực tế, thể chế chính sách vẫn là nút thắt lớn, mà đây là nền tảng để ta thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước thu nhập cao. Theo dõi chuyến đi công tác xuyên Việt đầu năm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến các công trình trọng điểm, có thể thấy rất nhiều vấn đề được ông nêu ra mà bản chất của nó là thể chế chính sách, từ những vấn đề rất cụ thể như đoạn đường chia làm bao nhiêu gói thầu, thủ tục triển khai, trách nhiệm của các địa phương, của nhà thầu thực hiện dự án…

Gần đây, chúng ta đã tích cực tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách trong hoạt động kinh doanh, đầu tư… Song những sửa đổi này chỉ mới tháo gỡ một hai điểm vướng mắc, chỉ giải quyết phần bề mặt mà chưa đụng đến được phần quan trọng là sửa đổi mang tính nguyên tắc chung, tạo triết lý cơ bản để hoạt động kinh tế vận hành bền vững, bài bản.

Chẳng hạn khi bàn về sửa Luật Đất đai, cần phải có xác định nguyên tắc cốt lõi để không chỉ tháo gỡ một vài thủ tục về đất đai, mà phải giải quyết được những vấn đề sâu xa, căn cơ như giá trị thặng dư của đất, phải xử lý sao cho hài hòa lợi ích của các bên, mang lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế.

- Vậy, ở góc độ doanh nghiệp, để tận dụng hiệu quả gói hỗ trợ của Chính phủ, bản thân doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu mô hình kinh doanh ra sao?

Khi có các quy định cụ thể về hỗ trợ lãi suất cho vay từ nguồn ngân sách nhà nước trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp cũng cần chủ động điều chỉnh mô hình kinh doanh để bảo đảm tận dụng hiệu quả. Một mặt, doanh nghiệp phải bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh sử dụng vốn vay đáp ứng quy định về đối tượng khách hàng vay vốn được hỗ trợ lãi suất.

Các hoạt động này không nhất thiết phải theo cách thức doanh nghiệp đã và đang thực hiện, mà có thể gắn với các mô hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, hay hoạt động dịch vụ thông tin gắn với chuyển đổi số… Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần đánh giá những cơ hội mới từ thị trường nước ngoài, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do mới (như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP), để bảo đảm đầu ra hiệu quả.

Cùng chuyên mục
Tin khác