TS. Nguyễn Đức Thành: ‘Chính sách tỷ giá phù hợp sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại'

Lệ Chi - 10/01/2019 18:23 (GMT+7)

(VNF) - Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của nhân dân tệ (CNY) so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nếu có chính sách tỷ giá phù hợp, thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc chiến này.

VNF
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Phụ thuộc quá lớn vào FDI chính là điểm yếu 

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018", TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam quý IV/2018 tăng trưởng ở mức 7,31%. Tính chung cả năm 2018, GDP ước tăng 7,08%, mức tăng cao nhất sau khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.

Cụ thể, ngành bán buôn và bán lẻ trong năm 2018 tiếp tục là ngành tăng trưởng nhanh nhất khu vực (8,51%) và đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (0,92%). Các ngành khác như hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động kinh doanh bất động sản cũng đóng góp đáng kể.

Đáng chú ý, du lịch tiếp tục là điểm sáng với lượng khách quốc tế tới Việt Nam năm 2018 đã vượt qua con số 15 triệu, tăng gần 20% so với năm 2017, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch.

Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chứng kiến sự phục hồi vững chắc với những yếu tố thuận lợi từ thời tiết và thị trường thế giới. Mức tăng trưởng 3,76% là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018. Trong đó, ngành thuỷ sản, đặc biệt là nuôi cá tra, vẫn tiếp tục là điểm sáng của khu vực này nhờ thị trường tiêu thụ tăng trưởng mạnh.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2018 có mức tăng khá 8,85%, cao hơn tương đối nhiều so với cùng kỳ các năm trước (2016: 7,57%; 2017: 8,00%).

“Đây cũng là khu vực đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế tác với đầu tàu Samsung tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng cao 12,98%”, Viện trưởng VEPR nhấn mạnh.

Vẫn theo TS. Nguyễn Đức Thành, thương mại quý IV tiếp tục có những bước tiến tích cực, tuy không còn ghi nhận mức tăng trưởng cao như cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 9,2% và 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là quý thứ sáu liên tiếp Việt Nam có thặng dư thương mại và đạt 0,9 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2018 ước đạt 244,72 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu. Xuất khẩu từ khu vực này đạt 175,52 tỷ USD, chiếm 71,7% tổng kim ngạch và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu từ khu vực trong nước cũng có sự cải thiện đáng kể khi tăng đến 18,2%.

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2018 tăng trưởng khoảng 12,5% và ước đạt 237,51 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu của khu vực FDI chiếm 142,71 tỷ USD và khu vực trong nước là 94,80 tỷ USD. Điều này dẫn tới tình trạng xuất siêu 32,81 tỷ USD của khu vực vốn đầu tư nước ngoài và nhập siêu 25,60 tỷ USD của khu vực trong nước trong năm 2018.

“Việc Việt Nam nói chung và khu vực xuất khẩu nói riêng phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI cũng chính là điểm yếu của nền kinh tế”, ông Thành lưu ý.

Đặc biệt, theo ông Thành, thành tích xuất khẩu của khu vực FDI lại chịu chi phối bởi một số doanh nghiệp lớn như Samsung khi chỉ riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện ước chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Xét theo mặt hàng xuất khẩu năm 2018, ông Thành cho biết có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và chúng chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực có mức tăng trưởng tốt như: điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%; hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%; hay giày dép đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%. Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 21,2% về giá trị và 39,5% về lượng.

“Một năm đầy biến động của giá dầu đã mang lại bài học kinh nghiệm về giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên vì đây là hướng đi thiếu bền vững”, ông Thành nhấn mạnh.

Tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ đạt 6,9%

Cũng tại tọa đàm hôm nay, TS. Nguyễn Đức Thành đã có những chia sẻ về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019. Theo TS. Thành, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ đạt 6,9%, tăng 0,1% so với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua.

Tuy nhiên, TS. Thành cũng lưu ý rằng việc sử dụng dự trữ ngoại hối để ổn định giá trị đồng VND như Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong thời gian qua không phải là giải pháp can thiệp lâu dài khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam trên thực tế còn nhỏ về quy mô.

Áp lực tỷ giá và lạm phát cùng với quy định hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã khiến lãi suất VND có xu hướng tăng đáng kể vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, giải pháp nâng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp khi đẩy chi phí vốn tăng do quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khiêm tốn nên chưa giảm được nhiều gánh nặng cho tín dụng ngân hàng.

VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ đạt 6,9%.

Theo ông Thành, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của nhân dân tệ (CNY) so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Viện trưởng VEPR cũng nhận định, nếu có chính sách tỷ giá phù hợp, thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc chiến này, bên cạnh việc tiếp nhận nhiều đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc.

"Về tác động lâu dài khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội này", TS. Thành nói.

Tuy nhiên, Viện trưởng VEPR cũng cho rằng thách thức đối với Việt Nam cũng không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất, cũng như bất lợi về lợi thế quy mô như Trung Quốc, Ấn Độ.

Cùng chuyên mục
Tin khác