Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
- TS đánh giá thế nào về vai trò báo chí Việt Nam hiện nay trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
TS. Nguyễn Thế Kỷ: Với vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, báo chí cả nước đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin sinh động về công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương các nhân tố mới.
Báo chí còn tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy công cuộc đổi mới, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Không những thế, báo chí cách mạng còn góp phần tích cực giúp nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đúng đắn và những thành tựu đổi mới to lớn của Việt Nam.
- Theo TS, trong quá trình phát triển, bằng sứ mệnh của mình, báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ thế nào?
Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ mật thiết, tương duyên và những doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp hiểu báo chí, chia sẻ với báo chí và ngược lại, phía nhà báo cũng phải hiểu được đời sống xã hội, trong đó doanh nghiệp là mắt xích, là thành tố hết sức quan trọng. Mối quan hệ này không phải là nhà báo và doanh nghiệp nhìn vào nhau thuần túy mà cùng nhìn về phía trước.
Nếu báo chí phát triển lành mạnh, nếu doanh nghiệp phát triển vững vàng và cùng nhìn về phía trước thì chúng ta sẽ có bệ đỡ hết sức quan trọng về mặt thông tin, về tính công khai, sự rành mạch trong đường ray phát triển cũng như là trụ đỡ của nền kinh tế thực sự mạnh mẽ, thực sự tạo cho xã hội phát triển về mặt vật chất và tinh thần để vững vàng đi về phía trước.
Tuy nhiên, trong dòng chảy chung, báo chí cũng có những khó khăn, doanh nghiệp cũng có những rào cản của cơ chế, tâm lý, của nền tảng khác trong sự phát triển của mình. Để giải bài toán này cần có sự nỗ lực của các bên đặc biệt là báo chí và doanh nghiệp không những giải bài toán cho chính mình mà còn giúp khơi thông nguồn lực, dòng chảy của xã hội được phát triển tiến về phía trước, trọng trách ấy rất lớn.
Thực tế, báo chí không chỉ gắn bó với doanh nghiệp trong khai thác, quảng bá sản phẩm, sự phát triển của doanh nghiệp mà còn cùng doanh nghiệp phát triển và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Từ thực tiễn quản lý, TS nhìn nhận mối quan hệ tương tác này thế nào?
Người ta thường nói báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp với xã hội và người tiêu dùng, nhưng cũng nói báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước, với cơ quan chức năng. Tôi nghĩ rằng điều đó rất đúng nhưng không chỉ như vậy, báo chí còn là người thầy, người bạn.
Trên thực tế thì xã hội và người tiêu dùng tìm đến với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu về đầu tư, đáp ứng yêu cầu về giải quyết việc làm, đáp ứng cả nhu cầu về tiêu dùng mua sắm và những nhu cầu khác, ngược lại thì doanh nghiệp cũng gắn kết với xã hội và người tiêu dùng để quảng bá hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm của mình, từ đó có thêm động lực để phát triển.
Rõ ràng từ mối quan hệ hỗ trợ hai chiều như vậy, báo chí với vai trò là cầu nối, là người bạn, là người dẫn dắt, người góp phần định hướng đóng góp vào sự phát triển của cả doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định rằng, trong bất cứ giai đoạn nào, báo chí luôn luôn giữ vai trò quan trọng, song hành cùng doanh nghiệp để góp phần thúc đẩy sự phát triển chung như: bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
- Như vậy rõ ràng mối quan hệ mật thiết giữa doanh nghiệp và báo chí là một đòi hỏi tất yếu, nó thể hiện qua tính xác thực và độ tin cậy của thông tin, là sự tương hỗ hai chiều thưa TS?
Mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tự nhiên và đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế chúng ta ngày càng phát triển và nền kinh tế thị trường được phát triển. Sở dĩ mối quan hệ này là tự nhiên và tương hỗ hai chiều vì doanh nghiệp cần báo chí và báo chí cũng cần doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đến báo chí để cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, xây dựng thương hiệu, giới thiệu dịch vụ của mình.
Đồng thời, báo chí cũng cần đến doanh nghiệp vì doanh nghiệp là nơi để báo chí tác nghiệp, để phản biện các vấn đề mà xã hội cần. Từ đó, ta thấy đây là mối quan hệ thực sự khăng khít và thân thiết.
Ở một góc độ khác, hoặc là góc độ về sản xuất có thể nói báo chí cũng là một lực lượng sản xuất tin cậy đi cùng với sản phẩm, đồng hành với thành công cũng như thất bại của doanh nghiệp. Chúng ta có thể nói rằng, thời gian qua báo chí đóng góp tích cực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong quá trình tái tạo lao động, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Như vậy, mối quan hệ này rất mật thiết, nếu thiếu đi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng thì sẽ có tác động lớn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nói chung và ảnh hưởng đến doanh nghiệp nói riêng.
- Vậy theo TS, để thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp chúng ta cần làm gì?
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, báo chí và doanh nghiệp luôn đồng thành và có mối quan hệ khăng khít trong quá trình phát triển. Một đất nước càng dân chủ bao nhiêu thì thông tin càng công khai, minh bạch, và tiếng nói của báo chí ngày càng trở nên quan trọng. Đó chính là sức mạnh của báo chí. Sức mạnh của báo chí ngày càng phát huy thúc đẩy cho xã hội phát triển, giúp cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển hùng mạnh.
Tôi thấy rằng, báo chí trong bất kỳ của giai đoạn phát triển nào cũng phải làm tốt vai trò hết sức quan trọng đó là cổ vũ, động viên các doanh nghiệp và doanh nhân phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, đưa ra cho xã hội những sản phẩm tốt, phục vụ cho nhu cầu của xã hội.
Một điểm quan trọng nữa là báo chí phải tích cực truyền thông về những điển hình tiên tiến, những cách làm hay để từ đó làm gương cho các doanh nghiệp khác. Thông qua báo chí, các doanh nghiệp học hỏi rất nhiều từ các cách làm hay và mô hình tốt. Báo chí phải trở thành một công cụ truyền thông hữu hiệu giúp doanh nghiệp có thể xử lý được khủng hoảng truyền thông. Trong thực tiễn hiện nay, khủng hoảng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nếu doanh nghiệp có mối quan hệ tốt với báo chí, thì không chỉ giúp cho doanh nghiệp phát triển mà còn giúp cho doanh nghiệp khi xảy ra vấn đề mà thông tin chưa được rõ ràng báo chí sẽ giúp cho doanh nghiệp xử lý khủng hoảng đó.
Bên cạnh đó, cần có sự trao đổi ngược trở lại. Doanh nghiệp phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, tránh hiện tượng “né tránh”. Nếu né tránh, báo chí lại càng đi sâu tìm hiểu nguyên nhân tại sao doanh nghiệp lại né tránh. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải xây dựng một cơ chế phát ngôn trong doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, báo chí luôn luôn sát cánh cùng doanh nghiệp thì ngược lại, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ thông tin cho báo chí. Trong bất kỳ bối cảnh nào thì hai bên đều cần nhau, theo một nguyên tắc chung là win - win (hai bên cùng thắng).
- Xin cảm ơn TS!
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.