TS Võ Trí Thành: ‘Đừng nói dùng chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại’

Vĩnh Chi - 11/07/2019 10:29 (GMT+7)

(VNF) – TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho hay trong quan hệ kinh tế với Mỹ, Việt Nam đã, đang và sẽ phải rất nỗ lực giải trình, nỗ lực chống gian lận thương mại. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay không nên nói tới việc dùng chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại.

VNF
TS Võ Trí Thành

Theo TS Võ Trí Thành, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,3%, chủ yếu nhờ một số thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Nhưng với Mỹ, Việt Nam lại đang có hai vấn đề, một là thặng dư thương mại và hai là Việt Nam nằm trong danh sách các nước bị theo dõi thao túng tiền tệ.

“Điều tốt là chúng ta đã ứng xử rất kịp thời, chu đáo nên cho đến nay mọi việc vẫn tương đối ổn thỏa. Việt Nam không bị xếp vào nhóm thao túng tiền tệ. Dù ông Donald Trump nói gay gắt về thặng dư thương mại với Việt Nam nhưng chúng ta đã giải trình rõ ràng với Mỹ.

“Chúng ta sẽ còn phải nỗ lực giải trình, nỗ lực chống gian lận thương mại, vì thế cần hạn chế nói việc dùng chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại. Rất đáng buồn khi có nhiều kiến nghị về tỷ giá lại chỉ nhìn khía cạnh thương mại, cứ bảo phải phá giá đồng tiền bao nhiêu %. Tôi nhấn mạnh là chúng ta còn phải giải trình, không chỉ là câu chuyện tỷ giá mà kể cả những việc nhỏ như mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối”, ông Thành nói.

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2019 của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng nhấn mạnh tới vấn đề trên.

Theo VEPR, tiếp đà quý I/2019, tỷ giá trung tâm đã tăng trong quý II, dù mức tăng không lớn. Thực tế cho thấy từ năm 2018 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tuy không tuyên bố chính thức nhưng đã phá giá đồng VND theo mức độ hợp lý.

Tuy vậy, VEPR chỉ ra mức thay đổi tỷ giá đang ngày một thấp hơn dưới áp lực từ phía quốc tế: quý IV/2018 tăng 1,8%, quý I/2019 tăng 1%, quý II/2019 chỉ tăng 0,3%.

VEPR dự báo trong quý tới, tỷ giá sẽ không biến động đáng kể do 3 lý do: FED khả năng cao sẽ giảm lãi suất trong tháng 7, các đồng tiền châu Á đang được cho là bị đánh giá thấp so với USD, Việt Nam nằm trong danh sách bị giám sát tiền tệ do yếu tố thặng dư thương mại và cán cân vãng lai.

“Sức ép từ tiến trình bình thường hóa tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm bớt. Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất.

“Chúng tôi cho rằng hai biến số này sẽ không có sự biến động nhiều trong năm 2019 và có thể nằm trong mức mục tiêu đã đề ra.

“Việc Việt Nam nằm trong danh sách cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ vào tháng Năm đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Việc hạ thấp giá trị của đồng VND để tăng cường thương mại sẽ là quyết định không sáng suốt trong thời điểm này”, VEPR khuyến nghị.

Với mức tăng GDP quý II là 6,71% VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,6 – 6,8% của Quốc hội là khả thi. Tuy nhiên trước thương chiến Mỹ - Trung, tương lai của Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.

VEPR dự báo quý III sẽ tăng trưởng 7,06% (lạm phát 3,38%), quý IV tăng trưởng 7,17% (lạm phát 4,21%). Cả năm, dự báo tăng trưởng GDP là 6,96%.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.