Tài chính tiêu dùng

Ví điện tử: Khi 'trăm hoa đua nở'

Sự phát triển về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Fintech đang giúp tối ưu hoá cấu trúc chi phí trong ngành tài chính, biến đổi cách vận hành của các dịch vụ tài chính. Đồng thời mang lại nhiều cơ hội mở rộng hợp tác hơn cho các định chế tài chính truyền thống.

Ví điện tử: Khi 'trăm hoa đua nở'

Hiện NHNN đã cấp phép cho 27 tổ chức trung gian thanh toán, trong đó có 23 tổ chức cung ứng Ví điện tử.

Ngân hàng Nhà nước vừa có các quyết định bổ sung nội dung hoạt động vào giấy phép hoạt động của HDBank, PVCombank, ACB, SeABank, VIB. Điểm chung là các nhà băng trên đều được chấp thuận bổ sung nội dung hoạt động “Ví điện tử”.

Sức hút lớn từ thị trường thanh toán di động đã kéo nhiều ngân hàng tham gia vào cuộc đua cung ứng dịch vụ thanh toán. Hàng loạt các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV... cũng đã có thêm tính năng ví điện tử. Mới đây, VPBank cũng đã ra mắt ứng dụng YOLO kết hợp các dịch vụ ngân hàng với dịch vụ thanh toán giải trí, gọi xe, đặt chỗ trước tại nhà hàng, du lịch...

Theo chuyên gia chia sẻ, có thể nhận thấy sự phát triển về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Fintech đang giúp tối ưu hoá cấu trúc chi phí trong ngành tài chính, biến đổi cách vận hành của các dịch vụ tài chính. Đồng thời mang lại nhiều cơ hội mở rộng hợp tác hơn cho các định chế tài chính truyền thống.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia ngân hàng cho hay trong xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, chính phủ của nhiều quốc gia cũng như các tổ chức đang quan tâm đến khái niệm hệ sinh thái. Hệ sinh thái là môi trường nuôi dưỡng và phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới ngày nay, thanh toán qua di động cũng không nằm ngoài xu hướng này.

“Vai trò lãnh đạo do các công ty chủ chốt nắm giữ có thể thay đổi theo thời gian, nhưng chức năng lãnh đạo hệ sinh thái luôn được đánh giá cao bởi cộng đồng. Vì nó cho phép các thành viên có tầm nhìn chung, bảo đảm tương xứng với các khoản đầu tư họ bỏ ra và giúp họ tìm được sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng”, vị chuyên gia này cho hay.

Đứng trên giác độ ngân hàng, CEO của một ngân hàng cũng cho rằng muốn đẩy mạnh thanh toán trong thời đại công nghệ hiện nay, ngân hàng không thể đứng một mình mà cần hệ sinh thái kết nối giữa ngân hàng với các đơn vị cung cấp dịch vụ: du lịch, y tế, viễn thông... Khi ngân hàng thâm nhập sâu hơn vào hệ sinh thái sẽ cải thiện được nguồn thu phí dịch vụ...

Như vậy, thiết lập một hệ sinh thái là một trong những điều vô cùng quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh giữa các đơn vị, tổ chức trong triển khai thanh toán di động.

Tháng 8/2018, MoMo - một trong những ví điện tử “đời đầu” của Việt Nam bắt tay với công ty tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam. Sự hợp tác này sẽ mang tới cho MoMo nhiều lợi ích, khi nhiều khách hàng của Home Credit sẽ chuyển từ thanh toán trực tiếp tại điểm thu hộ sang thanh toán trực tiếp trên ứng dụng. MoMo mới đây cũng đã liên kết với 28 đối tác tiêu dùng khác nhau cho phép người tiêu dùng mua sản phẩm, dịch vụ với giá chỉ từ 1 đồng.

Hay như ABBank hợp tác với Công ty Cổ phần 1Pay triển khai TrueMoney. Để sử dụng ví điện tử TrueMoney, khách hàng cần có tài khoản thanh toán tại ABBank, đăng ký sử dụng SMS Banking hoặc online banking của ABBank...

Kể cả với những ứng dụng cung cấp dịch vụ vận tải, có thể thấy ngay là các doanh nghiệp đang sở hữu ứng dụng này không bỏ qua việc tận dụng lợi thế sẵn có để triển khai đa dịch vụ.

Như trường hợp Grab hợp tác với Moca sẽ giúp cho cả hai bên tận dụng được công nghệ và mạng lưới đối tác của nhau để cung cấp các dịch vụ thanh toán đến hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hay FastGo - ứng dụng gọi xe công nghệ ra mắt hồi tháng 6 cũng thông tin sẽ phát triển hệ sinh thái gồm Fast Proctection (bảo hiểm cho tài xế và taxi tham gia di chuyển cùng FastGo) và Fast Pay (ví điện tử).

CEO Go-Viet cho hay sau khi triển khai thí điểm dịch vụ gọi xe hai bánh, sắp tới sẽ triển khai nền tảng gọi xe ô tô Go-Car, Go-Food (giao đồ ăn), Go-Pay (ví điện tử)...

Song ở mặt khác, giới chuyên môn cũng nhận thấy “phần lớn hệ sinh thái của ví điện tử hiện nay đang na ná giống nhau và ít ví có thể mở rộng hệ sinh thái để thu hút người dùng, nâng cao lợi nhuận. Ví phải tạo ra tiện ích nổi trội cho người dùng, tận dụng ưu thế vốn có, nếu không thì sẽ khó tồn tại lâu dài”.

Việc ví điện tử trực thuộc ngân hàng cũng được xem là một lợi thế. Ví dụ như trường hợp của Ví Việt (LienVietPostBank), từ tháng 9/2018, Ví Việt phát hành thẻ trả trước quốc tế vô danh phi vật lý (Thẻ Pre-paid) với mức phí 0 đồng.

Theo đó người dùng sở hữu thẻ Pre-paid mà không cần mở tài khoản tại ngân hàng, không cần thực hiện ký quỹ và được tín chấp. Thẻ được dùng để thanh toán trực tuyến trên các website thương mại điện tử tại Việt Nam và nước ngoài với giá cả thấp hơn, người sử dụng không mất phí thanh toán.

Nạp/rút tiền dễ dàng và thuận tiện ở mọi nơi là lợi thế mà Ví Việt, MoMo, Viettel Pay... đang triệt để khai thác. Tháng 2/2018, MoMo liên kết với Agribank mở rộng kênh phân phối tiếp cận tới thị trường nông thôn, miền núi.

Viettel Pay có mặt tới các xã, phường nhờ tận dụng lợi thế hệ thống phân phối của Viettel; Viettel hợp tác với Quỹ Phát triển và Bảo vệ môi trường rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để chi trả tiền cho các hộ trồng rừng thông qua Viettel Pay, kết hợp với Bảo hiểm xã hội (khách hàng nộp/nhận tiền chi trả bảo hiểm xã hội) trên sản phẩm Viettel Pay...

Tin mới lên