Vụ vỡ nợ khiến một người tự tử tại Bắc Ninh: Cho vay bằng niềm tin

Duy Phan (TH) - 24/08/2018 11:21 (GMT+7)

(VNF) - "Nghĩ là người cùng thôn, trước nay lại chưa có điều tiếng gì nên tôi đã cho bà Khanh vay hơn 3 tỷ đồng, chia làm hai lần", chị T. kể và cho biết các giao dịch vay tiền đều được bà Khanh viết giấy, ký xác nhận. Người phụ nữ chia sẻ ở địa phương, bà Khanh là người tử tế. Trước đây, hai bên đã từng có giao dịch vay tiền qua lại, do đó, chị tin tưởng.

VNF
Bà Sơn cho PV xem tờ giấy vay nợ giữa bà và bà Khanh. (Ảnh: ĐSPL)

Vỡ hụi hơn trăm tỷ, chồng tự tử

Ngày 23/8, Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh xác nhận đang thu thập tài liệu để điều tra vụ án cho vay tài chính dẫn đến vỡ nợ khiến một người tự tử, gây bức xúc trong dư luận.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Khanh (sinh năm 1961, tại thôn Phấn Động, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được bà Trần Thị Bích (sinh năm 1971, ở thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đặt vấn đề vay tiền để kinh doanh gỗ công nghiệp với lãi suất cao nên bà Khanh đồng ý.

Vợ chồng bà Khanh đứng ra làm chủ “hụi”, huy động tiền, từ vài chục triệu đến hơn 5 tỷ đồng/người của anh em, họ hàng và những người quen trên địa bàn xã Tam Đa, huyện Yên Phong để cho vay lãi.

Cụ thể, bà Khanh vay tiền của mọi người với lãi suất từ 1.000 đến 1.500 đồng/triệu/ngày và cho bà Bích vay tiền với mức lãi suất khoảng 2.000 đồng/triệu/ngày. Theo bà Khanh, từ đó đến nay, bà Bích đang nợ gia đình bà 120 tỷ đồng.
 Sau đó, bà Khanh nhiều lần đòi nợ nhưng bà Bích không trả khiến bà Khanh lâm vào tình trạng phá sản, tuyên bố vỡ nợ, mất khả năng thanh toán.

Ngay sau đó, một số đối tượng đã đến nhà bà Khanh gây sức ép, đòi tiền nợ. Không có khả năng chi trả, cộng với sức ép lớn của các chủ nợ, ngày 21/8, ông Trần Văn Tr (sinh năm 1959, chồng của bà Khanh) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Dù đã được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng đến sáng 22/8, ông Tr qua đời.



Cho vay vì lòng tin

Cũng từ thời điểm bà Khanh tuyên bố mất khả năng thanh toán, có nhiều người đến nhà bà gây sức ép. Những người cho bà Khanh vay tiền hiện cũng lâm cảnh khốn đốn.

Bà Trần Thị Sơn (53 tuổi, ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết bà Khanh là người cùng làng, lại anh em họ Mạc. Từ năm 2017, bà Khanh vay tiền của bà Sơn dưới hình thức huy động vốn, hứa trả tiền lãi 20% mỗi tháng. Bà Sơn đồng ý.

Ngày 10/8 vừa qua đến hạn trả cả tiền lãi và gốc nhưng bà Khanh tuyên bố vỡ nợ, số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Sang đòi thì bà Khanh xin khất vì làm ăn thua lỗ, hứa tháng 12 tới sẽ trả.

"Tôi cho bà Khanh vay 650 triệu đồng theo 2 đợt, đợt 1 là 450 triệu đồng, đợt 2 là 200 triệu đồng. Số tiền đó con gái lớn của tôi cho vay để bố mẹ sửa nhà, nhưng bà Khanh ngỏ lời mượn tiền. Giờ bà Khanh vỡ nợ, tôi không biết phải làm sao nữa, mất hết rồi", bà Sơn nói.

Cũng cho bà Khanh vay tiền dưới dạng huy động vốn, bà Nguyễn Thị Bình (đối diện nhà bà Khanh) cho biết: "Tôi cho bà Khanh vay 500 triệu đồng. Đó là tiền mồ hôi, xương máu của gia đình tôi tích cóp bao năm trời. Giờ bà Khanh tuyên bố vỡ nợ như vậy, tôi không biết xoay sở thế nào".

Cũng theo bà Bình, mặc dù cho bà Khanh vay số tiền lớn nhưng chưa khi nào bà sang đòi tiền hay lời nặng tiếng nhẹ với gia đình bà Khanh. "Tiền mất, ai cũng xót. Nhưng chúng tôi là hàng xóm láng giềng còn tình còn nghĩa, mở cửa nhìn thấy nhau, chẳng nhẽ lại đối xử tệ bạc. Tôi tin bà Khanh sẽ trả đầy đủ tiền cho gia đình tôi cũng như những hộ cho bà vay tiền", bà Bình nói.

Gia đình anh N.N cho bà Khanh vay tới 1,7 tỷ đồng. Anh cho hay khi cho bà Khanh vay, hai bên đã thỏa thuận. Bà Khanh đã đưa sổ đỏ và giấy thế chấp nhà cho gia đình anh N để được vay tiền.

"Trước hôm tuyên bố vỡ nợ, anh Tr (chồng bà Khanh) sang nói chuyện với gia đình tôi. Anh Tr nói: 'Nhà anh vỡ nợ rồi N ạ. Em sang nhà anh cầm chìa khóa, rồi giữ nhà. Anh sang ở nhờ nhà anh trai, thỉnh thoảng phiền em mở cửa để anh thắp hương. Tôi nói anh cứ yên tâm, tạm thời để nhà thế đó, anh em tính sau. Không ngờ, hôm sau, anh nghĩ quẩn, uống thuốc cỏ tự tử", anh N cho biết.

Cho bà Khanh vay với số tiền 3 tỷ đồng, chị Hoàng Thị T. (40 tuổi, ngụ xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho hay từ ngày bà Khanh tuyên bố vỡ nợ đến nay, chị và người thân suy sụp, ăn không ngon bữa, ngủ chẳng trọn giấc.

Trước tình thế này, chị T. cũng như nhiều gia đình ở xã Tam Đa gửi đơn tố bà Khanh vay khoản tiền lớn rồi tuyên bố không có khả năng trả nợ.

Giấy biên nhận vay tiền có chữ ký của bà Khanh. (Ảnh: Zing)

Theo chị T., khoảng 2 tháng trước, bà Khanh đến tỷ tê trò chuyện, hỏi vay hơn 3 tỷ đồng để rút sổ từ ngân hàng. Người vay hứa sẽ hoàn trả trong vòng ít ngày.

"Nghĩ bà là người cùng thôn, trước nay lại chưa có điều tiếng gì nên tôi đã cho bà Khanh vay hơn 3 tỷ đồng, chia làm hai lần", chị T. kể và cho biết, các giao dịch vay tiền đều được bà Khanh viết giấy, ký xác nhận. Người phụ nữ chia sẻ ở địa phương, bà Khanh là người tử tế. Trước đây, hai bên đã từng có giao dịch vay tiền qua lại. Do đó, chị tin tưởng.

Đầu tháng 8, sau khi nghe bà Khanh tuyên bố vỡ nợ, chị T. và người thân bàng hoàng. Người phụ nữ tỏ rõ sự lo lắng và chia sẻ số tiền hơn 3 tỷ đồng quá lớn, lại còn là khoản góp vốn của nhiều người thân. 

Trung tá Phạm Văn Ngư, Phó trưởng Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết ngay trước khi xảy ra vụ việc, các lực lượng chức năng đã phát hiện, nắm bắt tình hình và đang điều tra việc vay nợ phức tạp ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương. 

Qua xác minh và làm việc với bà Bích, bước đầu, Công an huyện Yên Phong xác định bà Bích và bà Khanh có quan hệ vay mượn tiền nhau. Tuy nhiên, bà Bích xác nhận vay của bà Khanh 17 tỷ đồng, còn số nợ 120 tỷ đồng là do bà Khanh ghi, không có xác nhận của bà Bích.



Công an huyện Yên Phong cùng các cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra, xác minh và làm rõ vụ việc.

Cùng chuyên mục
Tin khác