'Xã hội hoá y tế và giáo dục đã xa rời mục tiêu ban đầu'
Anh Hùng -
26/10/2022 08:32 (GMT+7)
(VNF) - Về vấn đề tăng lương cơ sở, theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, có thể ưu tiên cho những trường hợp có mức lương quá thấp, không đủ sống, đặc biệt là đối với những ngành như giáo dục, y tế.
Đãi ngộ cho y tế và giáo dục chưa xứng đáng
Thông tin về vấn đề tăng lương cơ sở và tình hình công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua, báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết tính từ thời điểm từ 1/1/2020 đến 30/6/2022 theo thống kê của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành cho thấy số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người.
Trong đó, số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu rơi vào 2 ngành giáo dục và y tế. Với giáo dục 2,5 năm qua số người xin thôi việc có 16.427 người, chiếm 41,53%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40 chiếm 60%.
Trong khi đó, y tế có 12.198 người xin thôi việc, chiếm tỷ lệ trong tổng số viên chức là 30,84%. Trong đó độ tuổi dưới 40 trở xuống là 74,72% và có trình độ đại học trở lên là 56,27%.
Bình luận về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội đoàn TP. HCM, cho rằng đây là một thực trạng hết sức đáng lo ngại. "Việc cán bộ công chức trong ngành giáo dục và y tế xin nghỉ việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân bởi vì những ngành khác còn có thể tìm được người thay thế, nhưng đối với hai ngành này thì ảnh hưởng đến học sinh và người bệnh. Như vậy, vô hình trung chất lượng của việc điều trị chăm sóc sức khoẻ cũng như giáo dục sẽ có vấn đề", bà Lan nói.
Theo bà Lan, chuyện này cũng có nguyên do và không phải là ngày một, ngày hai mà là các cán bộ công chức đã gặp rất nhiều khó khăn trong cả quá trình. "Dịch Covid vừa rồi là giọt nước tràn ly, người ta chịu đựng hết nổi rồi mới xin nghỉ", bà Lan nhấn mạnh.
Vị đại biểu đoàn TP. HCM chia sẻ những người đã chọn nghề nghiệp là giáo viên hay nhân viên y tế thì mục tiêu cao nhất không phải kiếm tiền mà là đóng góp cho xã hội để lo cho người bệnh, học trò. "Phải yêu nghề đó thì mới có thể làm được và người ta cũng không trông mong là làm giàu được thật nhiều ở nghề này đâu. Chúng ta cũng phải nhận thấy đãi ngộ của ngành y tế và giáo dục đều chưa xứng đáng", bà Lan cho hay.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng việc xã hội hoá y tế và giáo dục đã xa rời mục tiêu ban đầu. Theo vị đại biểu này, mục tiêu chính của việc xã hội hoá và tự chủ trong y tế cũng như giáo dục không phải là huy động nguồn vốn góp từ người dân mà phải làm sao giải phóng được chất xám, năng lực trong mỗi giáo viên hay nhân viên y tế để phát huy những sáng kiến, năng lực của bản thân. Sau đó mới đến mục tiêu thứ hai mới là chuyện huy động các nguồn lực xã hội nhân dân cùng đóng góp.
"Phải nói là chúng ta chưa có một quy định, một định hướng cụ thể. Bao nhiêu năm làm chuyện xã hội hóa rồi nhưng chưa có bất kỳ một tổng kết đánh giá nào đứng về góc độ vĩ mô, về góc độ toàn cục để thấy chúng ta được những gì và mất những gì", bà Lan nêu vấn đề.
Ưu tiên tăng lương cho cán bộ công chức thu nhập thấp
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Về vấn đề này, theo đại biểu đoàn TP. HCM Phạm Khánh Phong Lan, nếu Nhà nước tăng lương được thì đã tăng lương lâu rồi nhưng vì khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn nên mới phải chờ mãi.
Tuy nhiên, theo bà Lan, cũng cần phải thông cảm với bên hệ thống tài chính bởi dịch bệnh xong, ai cũng khó khăn. "Nguồn thu ngân sách chắc chắn bị ảnh hưởng và chúng ta cũng đang phải chịu hệ lụy của rất nhiều vấn đề", bà Lan nói.
Đáng chú ý, bà Lan cho rằng nếu tăng lương đại trà, đối với một người có hệ số lương cao được tăng có thể bằng tăng cho 4-5 người lao động khác. Mặc dù nhận định những người hệ số lương cao thực ra cũng khó khăn, tuy nhiên chưa đến mức tận cùng khó khăn như người lao động lương thấp. Vì vậy, bà Lan đưa ra ý kiến trong trường hợp khó về việc tăng lương thì có thể ưu tiên cho những trường hợp mức lương quá thấp, không đủ sống.
"Đặc biệt là đối với những ngành như giáo dục, y tế để giữ chân người lao động rồi tính tiếp", bà Lan nhấn mạnh.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone