Diễn đàn VNF

GS Đặng Hùng Võ: 'Cần mở rộng hoặc thậm chí xóa bỏ hạn điền'

Chuyên gia giàu kinh nghiệm về đất đai nói so với thực tế hiện nay, các mức hạn điền như gấp 10 lần hạn mức đất nông nghiệp, vẫn là không đủ.

GS Đặng Hùng Võ: 'Cần mở rộng hoặc thậm chí xóa bỏ hạn điền'

GS Đặng Hùng Võ

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng đã nêu rõ chủ trương phải tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Thủ tướng cũng giao các bộ gồm Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp phải nghiên cứu chính sách, hoàn thành ngay trong quý III tới.

Phát biểu tại bàn tròn: "Mở rộng hạn điền: Cuộc cách mạng mới của nông nghiệp Việt Nam" mới đây, GS Đặng Hùng Võ đã nêu quan điểm ủng hộ xu hướng này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

GS Đặng Hùng Võ nói:

"Chúng ta đều biết rằng, nông nghiệp Việt Nam chính là một điểm đầu tiên để quyết định Đổi mới. Bởi ở giai đoạn đó, nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho đời sống không đủ, chúng ra đã rơi vào tình trạng thiếu ăn.

Tôi cho rằng, thời điểm đó, chúng ta đã quyết định một chính sách mà đến bây giờ nhìn lại, đó là một quyết định hoàn toàn chính xác. Đó là việc giao đất của Hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài (Luật Đất đai 1993 và Nghị định 64 của Chính phủ ngày 27/9/1993). Bản chất của chính sách này chính là việc chúng ta đã giải phóng lực lượng sản xuất.

Đến bây giờ, chắc chắn cách thức này (giải phóng lực lượng sản xuất bằng việc thể chế hoá giao đất của HTX cho hộ dân - PV) hết động lực rồi, không còn động lực để chúng ta phát triển tiếp.

Vậy, lúc này, chúng ta phải nghĩ đến chuyện tiếp tục giải phóng tư liệu sản xuất. Tư liệu sản xuất ở đây chính là đất đai. Một trong những bước cản lại đất đai là hạn điền, tức là làm cho mỗi người chỉ được một diện tích đất nhất định, nhận chuyển nhượng cũng được một diện tích đất nhất định.

Tuy nhiên theo tôi, sự thật là chúng ta cũng đã cơi nới hạn điền rồi chứ không phải là đến nay hạn điền vẫn như cũ. Chỉ có điều, so với thực tế hiện nay, các mức hạn điền như gấp 10 lần hạn mức đất nông nghiệp, vẫn là không đủ (Luật Đất đai 2013 cho phép các hộ gia đình được tích tụ đất đai không quá 10 lần hạn mức đất nông nghiệp (3ha)- PV).

Trên thực tế, chúng ta cũng đã biết một ví dụ rất điển hình là trường hợp ông Năm Chuối ở Long An. Ông ấy đã sử dụng tới 1.000 ha. Nhưng theo quy định, hộ dân chỉ được tích tụ đất đai gấp 10 lần hạn mức 3ha đất nông nghiệp cho trồng cây hàng năm tại Đồng bằng sông Cửu Long, nghĩa là, cũng chỉ được 30 ha thôi. So với 1.000ha kia thì thực tế, hạn điền đã vượt quá rất nhiều.

Chính vì vậy, tôi cho rằng chúng ta dùng từ "mở rộng nữa hạn điền" cũng được. Hoặc cao hơn nữa chúng ta nên xem xét có nên bỏ hạn điền đó hay không?

Bởi vì, hạn điền là gì? Hạn điền thứ nhất là cách thức để chúng ta quản lý đảm bảo công bằng giữa mọi nông dân với nhau, thứ hai là để không được hình thành "địa chủ mới", tức những người nhiều ruộng đất chỉ thực hiện việc phát canh thu tô, không trực tiếp lao động mà chỉ dùng đất để thu lợi.

Trước đây, chúng ta ngăn hiện tượng này bằng hạn điền. Nhưng nếu chúng ta không nới rộng nữa hoặc bỏ hạn điền thì chúng ta cần phải thay bằng một chính sách khác.

Trên thực tế, hiện nay chúng ta có quản lý được hạn điền đâu! Bởi vì khi phân cấp quản lý, mỗi một tỉnh là riêng nhau. Thế thì, có lúc nào chúng ta khớp cộng lại rằng, ông Nguyễn Văn A ở tỉnh này có bao nhiêu đất, ở tỉnh kia có bao nhiêu đất đâu?

Chúng ta không thể làm được việc đó. Thành ra việc quản lý đất đai làm sao không cho hình thành "địa chủ mới" và tạo sự công bằng giữa các hộ gia đình với nhau thì phải thay bằng một chính sách khác. Thắt chặt sự quản lý, thay chính sách hạn điền bằng chính sách khác, tôi cho đó là điều quan trọng nhất lúc này".

Tin mới lên