Bancassurance bất ngờ tăng mạnh: Khi niềm tin đã trở lại
(VNF) - Lỗ hổng trong quản lý kênh bancassurance đã dần được khắc phục, niềm tin đối với bảo hiểm đã dần được khôi phục. Khi pháp lý dần hoàn thiện, bảo hiểm và ngân hàng kinh doanh minh bạch và trách nhiệm đã giúp thị trường tăng trưởng trở lại
- Bancassurance: Làm gì để không “lợi trước mắt, hại sau lưng”? 30/10/2024 03:00
Bancassurance tại nhiều ngân hàng tăng
Sau khoảng 2 năm bancassurance sụt giảm vì vướng phải lùm xùm về việc hô biến khoản gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm, khách hàng vay vốn “tố” ngân hàng ép mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay, kênh bán chéo này bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực, tăng trưởng doanh thu trở lại từ một số nhà băng.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của VPBank, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm trong 9 tháng năm 2024 đạt hơn 2.820 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ.
Một “ông lớn” ngân hàng khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong kênh bancassurance đó là Techcombank. Báo cáo tài chính quý III cho thấy, thu từ phí dịch vụ bảo hiểm mang về cho Techcombank 594 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Báo cáo của Ngân hàng MBBank cũng ghi nhận, nhà băng này duy trì “phong độ”, sau 9 tháng thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 5.989 tỷ đồng, bằng với con số của cùng kỳ năm 2023.
KienlongBank cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao từ mảng kinh doanh bảo hiểm khi doanh thu đạt gần 40 tỷ đồng, tăng gần 73% cùng kỳ.
Ngoài việc doanh thu bancassurance tại một số ngân hàng tăng trưởng trở lại, trong 9 tháng năm 2024 cũng ghi nhận sự sôi động của mối quan hệ “anh em” giữa ngân hàng và bảo hiểm.
Đáng lưu ý là việc ra đời công ty bảo hiểm phi nhân thọ Techcom với sự góp vốn của “ông lớn” Techcombank, số tiền vốn góp 55 tỷ đồng. Trước đó, sau hơn 10 năm hợp tác bán chéo bảo hiểm, Techcombank và Manulife Việt Nam đã thông báo chấm dứt mối lương duyên này. Hay như ngân hàng LPBank chính thức tiếp nhận Bảo hiểm Xuân Thành từ tháng 2/2024 và đổi tên thành Bảo hiểm LPBank. Cuối năm 2022, VPBank cũng đã hoàn tất thâu tóm Bảo hiểm OPES (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ) thông qua việc sở hữu 98% vốn điều lệ...
Theo số liệu của Cục quản lý, giám sát Bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 10 tháng năm 2024 ước đạt 184.231 tỷ đồng (giảm 0.3 % so với cùng kỳ năm trước).
Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.027 tỷ đồng (tăng 12.6 % so với cùng kỳ năm trước), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 119.204 tỷ đồng (giảm 6.17% so với cùng kỳ năm trước).
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, trong quý III/2024, riêng doanh thu khai thác mới khối bảo hiểm nhân thọ đạt hơn 5.934 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (5.874 tỷ đồng). Đây là tín hiệu mừng sau nhiều quý liên tiếp, bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng âm.
Cơ hội cho cả nhà băng và bảo hiểm
Trao đổi với VietnamFinance, TS Lê Bá Chí Nhân nêu một thực trạng trước đây, để được giải ngân khoản vay, người đi vay buộc phải tham gia một hợp đồng bảo hiểm, mặc dù họ không hề có nhu cầu. Tình trạng “bán bia, kèm lạc” này phổ biến suốt một thời gian dài.
Về ngắn hạn, việc này mang lại doanh thu ngay cho ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), nhưng xét về lâu về dài, điều này lại kìm hãm sự tăng trưởng bởi việc tham gia là không có nhu cầu thực sự. Vì lý do đó, tỷ lệ hủy hợp đồng qua kênh ngân hàng rất cao, có nhà băng lên đến hơn 70%.
“Nguyên tắc ở đây là không cấm kênh bán chéo này, vì đây là kênh phân phối rất phát triển trên thế giới, nếu làm rõ ràng, minh bạch, tách biệt giữa hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, tham gia đúng theo nhu cầu của khách hàng thì thực sự nó tốt cho tất cả các bên tham gia”, TS Nhân nói thêm.
Cũng theo ông Nhân, đối với bancassurance pháp lý điều chỉnh về vấn đề này đã có, nhưng thực sự chưa bao hàm hết. Trong quá trình gần 10 năm, chúng ta áp dụng và thực hiện, nhưng cùng với đó phát hiện được những bất cập của kênh bán chéo này.
Chính vì vậy, việc Luật các tổ chức tín dụng 2024 nghiêm cấm việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức và Thông tư số 67 có quy định tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
“Đây là lúc cơ quan quản lý hiệu chỉnh lại, tăng thêm các yếu tố kiểm tra, giám sát”, TS Nhân nói thêm.
Đồng thời, TS Nhân nêu quan điểm, đây cũng là cơ hội cho các DNBH và phía ngân hàng xem xét lại mối quan hệ hợp tác, điều chỉnh điều khoản, đưa ra các sản phẩm mới phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Đầu tiên, pháp lý đã đầy đủ và ổn định, các lỗ hổng trong thị trường cũ đã được “bịt” lại, đồng thời mở thêm ra những cái mới. Từ yêu cầu của Luật và đòi hỏi của thị trường khiến các DNBH và ngân hàng phải minh bạch, rõ ràng hơn giúp cho thị trường bắt đầu có tín hiệu tăng trưởng trở lại.
Kế đến, nền kinh tế tăng trưởng tốt, tín dụng khả quan, xuất nhập khẩu được dự báo đến hết năm 2024 ước đạt 800 tỷ USD, thu hút vốn FDI dồi dào… Từ những yếu tố vĩ mô nêu trên, dẫn đến nhu cầu bảo hiểm, bảo vệ là rất lớn.
“Pháp lý đầy đủ là cơ hội giúp cho kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng phát triển lành mạnh, bền vững”, TS Lê Bá Chí Nhân khẳng định.
Techcombank sẽ trả Manulife 1.800 tỷ vì chấm dứt hợp tác bancassurance
- Phục hồi doanh số bằng mọi giá: Đẩy bancassurance vào khủng hoảng mới 04/09/2024 11:30
- Bancassurance: Lúng túng với luật mới, hiểu sao cho đúng? 03/09/2024 12:30
- Bancassurance: 'Xóa bài làm lại', muốn phục hồi phải làm đúng 02/09/2024 11:30
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.