Bảo hiểm năm 2024: 10 dấu ấn nổi bật trong 1 năm biến động
(VNF) - Cơn bão số 3 (Yagi), doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ ghi âm tư vấn, PVN thoái vốn và biến động cổ đông ngoại tại PVI, DB Insurance thâu tóm BSH và VNI, phạt 500 triệu nếu ép khách vay mua bảo hiểm …đều là những sự kiện nổi bật của ngành bảo hiểm trong năm 2024
- Trục lợi tiền tỷ: Cán bộ y tế và nhân viên bảo hiểm bị khởi tố 16/12/2024 09:45
Cơn bão Yagi “càn quét” các DNBH phi nhân thọ
Báo cáo của Chính phủ nêu, bão số 3 (Yagi) dị thường, có sức tàn phá rất lớn, với các đặc điểm chưa có trong tiền lệ, gây thiệt hại kinh tế hơn 81.700 tỉ đồng. Trong đó, các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Quảng Ninh gần 25.000 tỷ đồng, Hải Phòng hơn 12.000 tỉ đồng, Lào Cai khoảng 6.800 tỉ đồng, Yên Bái 5.738 tỉ đồng...
Theo số liệu ước tính của Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), ngành bảo hiểm đã gánh chịu khoảng 17% thiệt hại do bão Yagi gây ra, tương đương khoảng gần 14.000 tỷ đồng. Chủ yếu thiệt hại đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ với các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hoá, bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm sức khoẻ…
Mặc dù theo báo cáo tính đến hết quý III/2024, doanh thu của 9/13 DN bảo hiểm phi nhân thọ nhìn chung có xu hướng tăng trưởng, nhưng bức tranh lợi nhuận lại cho thấy một gam màu kém tích cực với sự sụt giảm đồng loạt, thậm chí là thua lỗ tại nhiều doanh nghiệp. Có thể kể đến như bảo hiểm BSH, bảo hiểm hàng không AIC, bảo hiểm Bảo Long...
Một số DN ghi nhận lợi nhuận dương nhưng đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ như Bảo hiểm Bảo Minh giảm 52%, bảo hiểm MIC giảm 42%, bảo hiểm PVI cũng giảm 46%. Mức sụt giảm thấp nhất thuộc về PJICO, khi lợi nhuận sau thuế đạt 37,5 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, quý III/2024 không phải giai đoạn duy nhất ngành bảo hiểm chịu áp lực từ chi phí bồi thường do bão Yagi. Thông thường, chi phí bồi thường có độ trễ, phụ thuộc vào quá trình giám định hiện trường và ghi nhận tổn thất. Do đó, trong quý IV và thậm chí cả đầu năm 2025, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Bảo hiểm nhân thọ đồng loạt ghi âm khi tư vấn
Theo quy định tại Thông tư số 67/2023 của Bộ Tài chính, tất cả các DN bảo hiểm nhân thọ phải triển khai bắt buộc việc ghi âm trong tư vấn các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư từ ngày 2/11/2024.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Bảo hiểm Việt nam (IAV) cho biết, đây là quy định các DN bảo hiểm nhân thọ bắt buộc phải triển khai. Các công ty BHNT cũng đã có sự chuẩn bị cho việc này, bởi trong quá trình xây dựng thông tư, họ đã nắm được tinh thần, nên có kế hoạch chủ động chuẩn bị, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo việc triển khai vừa đúng quy định, nhưng phải mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
“Cả 3 bên bao gồm DN bảo hiểm, tư vấn viên/đại lý và khách hàng đều sẽ nhận được lợi ích lâu dài từ việc tuân thủ quy định của Luật”, ông Dũng nhấn mạnh.
Phạt đến 500 triệu nếu ép khách vay mua bảo hiểm
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng liên quan đến sản phẩm bảo hiểm.
Theo đó, quy định mức phạt tiền từ 400-500 triệu đồng nếu các ngân hàng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Mức phạt này được bổ sung nhằm tương thích với Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7-2024.
Mức này được đưa ra trong bối cảnh 5 năm triển khai xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, các đơn vị gặp một số khó khăn, vướng mắc. Hiện các quy định của ngành ngân hàng không đề cập hình thức bảo hiểm nào là bắt buộc tham gia với người đi vay.
Theo chuyên gia, quy định này được cho là sẽ giúp kênh bán bancassurance tăng trưởng bền vững trở lại.
PVN lên kế hoạch thoái vốn, biến động cổ đông ngoại tại bảo hiểm PVI
Theo thông tin chia sẻ tại cuộc gặp nhà đầu tư chiều 12/12/2024, ông Nguyễn Tuấn Tú, Tổng giám đốc PVI Holdings cho biết, PVN sẽ triển khai thoái vốn tại PVI, muộn nhất 31/1/2025 theo quyết định của Thủ tướng chính phủ.
Hiện PVN sở hữu 35% vốn tại PVI, dự kiến sẽ thoái toàn bộ cổ phần trong một lần.
Với câu chuyện nhà đầu tư ngoại, IFC đã hoàn thành mục tiêu kinh doanh và thoái vốn tại PVI một cách nhanh chóng. Tổ chức này dự kiến mất tới 2 năm để hoàn thành việc bán vốn tại PVI nhưng với mức độ quan tâm của nhiều nhà đầu tư, IFC đã thoái vốn trong khoảng thời gian rất ngắn.
Trong khi đó, HDI Global SE, cổ đông lớn của PVI cũng đã mua thêm cổ phần, nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu. Hiện HDI và FLL (Funderburk Lighthouse Limited), tổ chức có liên quan sở hữu xấp xỉ 55% cổ phần tại PVI.
Techcombank tham gia thị trường BH phi nhân thọ
Bộ Tài chính đã cấp giấy phép thành lập số 99/GP/KDBH cho CTCP Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom, đây là DNBH phi nhân thọ thứ 32 tại thị trường Việt Nam. Vốn điều lệ của công ty là 500 tỷ đồng, trong đó Techcombank góp vốn 11%, tương đương 55 tỷ đồng.
Trước đó, sau quá trình cân nhắc và thảo luận kỹ lưỡng, Manulife Việt Nam và Techcombank đã quyết định ngừng mối quan hệ đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền, kể từ ngày 14/10/2024.
Tại hội nghị nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2024, Giám đốc Tài chính Techcombank, ông Alexandre Macaire cho biết, để chấm dứt hợp đồng, ngân hàng sẽ trả lại cho Manulife số tiền lên tới 1.800 tỷ đồng. Được biết, hợp tác giữa 2 bên được ký kết vào năm 2013 và chính thức độc quyền vào năm 2017.
Tasco đổ vốn vào cuộc chơi bảo hiểm
Tháng 10/2024, Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT) đã thông qua việc tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco (TIC), với số vốn tăng thêm là 800 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 405 tỷ đồng lên 1.205 tỷ đồng.
Được biết, Tasco sẽ sử dụng vốn huy động được từ cổ đông hiện hữu thông qua việc phát hành hơn 178 triệu cổ phiếu. Với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu (bằng mệnh giá), Tasco dự kiến huy động được hơn 1.785 tỷ đồng.
Phương án sử dụng vốn được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 là dành 1.000 tỷ đồng góp vốn vào TIC và hơn 785 tỷ đồng còn lại góp vốn vào Công ty Cổ phần VETC.
Bảo hiểm Tasco nhanh chóng trở thành một trong những thành viên quan trọng trong chiến lược phát triển của Tasco, nhằm cung cấp sản phẩm bảo hiểm được cá nhân hoá cho xe và chủ xe, với kênh phân phối hiện đại dựa trên hạ tầng 73 showroom của Savico (công ty con của Tasco), phục vụ nhu cầu của khách hàng VETC.
DB Insurance thâu tóm thành công BSH và VNI
Đầu năm 2024, Công ty DB Insurance chính thức thông báo đã hoàn tất việc mua vào 75 triệu cổ phiếu AIC của Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không VNI, tương ứng 75% vốn điều lệ và chính thức trở thành công ty mẹ của Bảo hiểm Hàng không. Cùng với đó, DBI cũng trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài chiếm 75% vốn điều lệ của BSH, tương đương 75 triệu cổ phiếu.
Trước đó, năm 2015 DB Insurance đã mua lại 37,32% cổ phần của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI).
Việc DB cùng lúc thâu tóm cả BSH và VNI, trong khi đó lại đang nắm quyền phủ quyết tại PTI khiến cho các cổ đông của PTI lo lắng. Bà Phạm Minh Hương, chủ tịch HĐQT PTI cho biết, đơn vị đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông.
Theo các chuyên gia, trong khoảng 20 năm trở lại đây việc các cổ đông nước ngoài nắm cổ phần của các DN bảo hiểm phi nhân thọ trong nước không hiếm, nhưng gần như các đối tác chiến lược này không thể hiện được nhiều vai trò bởi nguyên nhân liên quan đến sự khác biệt về “văn hoá” kinh doanh. Chủ yếu, các cổ đông nước ngoài “nằm im” và hưởng lợi khi chấp nhận xu hướng 'khoản đầu tư tài chính'.
Bảo hiểm PTI bị hacker tấn công
Ngày 25/03/2024, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) trong thông cáo phát đi cho biết đã bị tấn công mạng. Cụ thể, hệ thống PTI bị tấn công từ 10h sáng Chủ nhật ngày 24/3/2024. Theo PTI, cho đến sáng nay (25/3) đội ngũ công nghệ đã xử lý khắc phục được toàn bộ và đang trong quá trình kết nối trở lại để kịp thời gian giao dịch.
Một chuyên gia trong ngành an ninh mạng cho biết, việc bị hacker tấn công không phải hiếm với các công ty bảo hiểm, dù việc cấp bảo hiểm/bồi thường vẫn có thể làm giấy trong thời gian khôi phục lại hệ thống nhưng hoạt động kết nối của công ty bảo hiểm sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, an ninh về dữ liệu khách hàng và bảo mật cũng có thể bị ảnh hưởng ít nhiều…
“Án điểm” trục lợi 19 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Tháng 8/2024, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải Quân đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo liên quan đến 19 hợp đồng bảo hiểm gian lận nhằm chiếm đoạt tiền bồi thường.
Kết quả, Toà án Quân sự Quân chủng Hải Quân tuyên án, bị cáo Vũ Thị Ngọc Hà cựu tư vấn viên của bảo hiểm Aviva Việt Nam (nay là MVI Life) sinh năm 1987 tại Hải Phòng, chịu mức án 10 năm tù; Nguyễn Văn Khánh (người được bảo hiểm) sinh năm 1987, tại Hải Phòng chịu mức án 7 năm tù; Phan Thị Trang (vợ Khánh) sinh năm 1987, chịu 3 năm án treo. Cả ba bị cáo nêu trên đều bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 174 - Bộ Luật hình sự.
Các bị hại gồm 5 công ty bảo hiểm là Dai-ichi Life, Hanwha Life, Prudential, FWD Việt Nam và Bảo việt Nhân thọ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án gồm 9 công ty bảo hiểm là Bảo hiểm nhân thọ MVI (trước đây là Aviva Việt Nam), Cathay Life, Liberty, Generali, Manulife, VBI (bảo hiểm Vietinbank), MB Ageas Life, Sunlife, Bảo hiểm Bảo Việt.
Bị cáo Khánh và Hà đã lập 27 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho Khánh tại 14 DBNH nêu trên, và có 19 hợp đồng bảo hiểm được cấp. Dự kiến số tiền chiếm đoạt (nếu trót lọt) sẽ là khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Bộ Tài chính chấn chỉnh tư vấn viên/đại lý bảo hiểm
Thông tư số 85/2024/TT-BTC sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2025, đặt ra yêu cầu minh bạch và nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động đào tạo và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm tại Việt Nam.
Cụ thể, trường hợp thí sinh sửa chữa, gian dối hoặc giả mạo giấy tờ về nhân thân (Thẻ Căn cước/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu) khi tham dự kỳ thi; cá nhân nhờ người khác thi hộ kỳ thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm sẽ bị thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Ngoài ra, việc thu hồi cũng được áp dụng với các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và cá nhân đã gian dối trong việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm.
Cá nhân bị thu hồi chứng chỉ trong các trường hợp quy trên sẽ không được dự thi các kỳ thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm trong thời gian 12 tháng kế tiếp kể từ ngày thu hồi chứng chỉ.
Theo các chuyên gia, với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung trong Thông tư, các tư vấn viên/đại lý bảo hiểm không chỉ tuân thủ Luật, học hỏi kiến thức chuyên môn về bảo hiểm, mà còn phải mở rộng các kiến thức về tài chính cá nhân, đầu tư, y khoa ... để có thể tư vấn đúng, đủ và phù hợp với nhu cầu bảo hiểm của người tham gia.
- Người dân chắc chắn không “quay lưng” với bảo hiểm nhân thọ 14/12/2024 03:30
- Tái bảo hiểm: Lá chắn tài chính, 'bệ đỡ' bền vững cho các dự án lớn 18/12/2024 12:30
- Bị ung thư được bảo hiểm chi trả 6,2 tỷ: 'Cả gia đình không bị quật ngã bởi bạo bệnh' 15/12/2024 02:30
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.