Bị ung thư được bảo hiểm chi trả 6,2 tỷ: 'Cả gia đình không bị quật ngã bởi bạo bệnh'

Xuân Thạch - 15/12/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Một người bị bạo bệnh như ung thư, điều đầu tiên quật ngã họ không phải là sức khỏe suy giảm, mà là nỗi lo thiếu tiền chữa bệnh, nỗi lo để lại gánh nặng cho người thân, tiêu tốn tài sản gia đình ảnh hưởng đến tương lai cả gia đình. Trong trường hợp gặp rủi ro lớn như bạo bệnh, bảo hiểm sẽ là “tấm khiên” lấp đầy khoảng trống thiếu hụt tài chính

“Mua là vì nhận ra được nhu cầu và sự cần thiết”

Đó là chia sẻ của chị Võ.T. S (39 tuổi) sống tại Bình Dương về quyết định tham gia bảo hiểm của mình và không may mắn khi mắc bệnh hiểm nghèo. Chị S kể, tháng 6/2024, chị được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn cuối. Trong giây phút bàng hoàng và lo lắng, chị nhận ra rằng những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc.

Được sự hỗ trợ tận tình của đại lý bảo hiểm Lê Thị Lan và đội ngũ Manulife Việt Nam, chị đã nhận được số tiền chi trả gần 6,2 tỷ đồng vào ngày 03/12/2024.

“Số tiền này không chỉ giúp tôi an tâm điều trị mà còn là minh chứng cho giá trị thiết thực của bảo hiểm nhân thọ. Nhờ có khoản tiền này mà tôi và cả gia đình tôi không bị quật ngã bởi bạo bệnh”, chị S khẳng định.

Số tiền gần 6,2 tỷ đồng từ quyền lợi bảo hiểm giúp chị Võ.T.S tại Bình Dương nhẹ gánh tài chính, an tâm điều trị bệnh ung thư. Ảnh: NVCC

Trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Bảo Khánh (38 tuổi), ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, đầu năm 2024 phát hiện mắc u não thể lành. Chị và gia đình đã vô cùng lo lắng vì vừa bệnh lại thêm chi phí chữa trị. Rất may, chị Khánh có tham gia hợp đồng bảo hiểm với số tiền hơn 16 triệu đồng từ năm 2019, trong đó có quyền lợi bệnh hiểm nghèo 300 triệu đồng.

“Khoản bù đắp này vừa giúp tôi chi phí điều trị, lại có tiền bồi bổ sau phẫu thuật. Giờ mong muốn mua thêm bảo hiểm nhưng không thể. Tôi đã chia sẻ để gia đình chị gái tham gia bảo hiểm”, chị Khánh tâm sự.

Không có được may mắn, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (43 tuổi), người gốc Quảng Ngãi, hiện đang sống ở TP. Hồ Chí Minh kể câu chuyện, năm 2005 chị kết hôn với anh Kim Anh Tuấn.

Đến năm 2020, chị Hạnh như “sụp đổ” hoàn toàn khi chồng đi khám và phát hiện bị ung thư máu dạng đột biến gen. Trong gần một năm sau đó, cuộc sống của Hạnh là những chuỗi ngày chạy đôn chạy đáo giữa bệnh viện và nhà, vừa chăm chồng, vừa lo cho con, vừa duy trì công việc. Tuy nhiên, nỗi đau đã đến khi tháng 8/2021 sau hơn một năm chống chọi với bệnh tật, anh Tuấn ra đi mãi mãi.

“Thời điểm đó, AIA Việt Nam đã giải quyết quyền lợi cho chồng tôi với hơn 2 tỷ đồng, số tiền đó đủ để trang trải phần nào kế hoạch học tập lâu dài của con gái và 2 mẹ con vẫn được đi về trong căn hộ ở một khu đô thị tại quận Tân Phú”, chị Hạnh ngậm ngùi nói.

Trao đổi với đại diện AIA, chị Hạnh vẫn nhớ mãi câu nói cuối cùng của chồng:“Nếu em thấy câu chuyện của anh có giá trị, hãy lan tỏa nó”. Ảnh: NVCC

Theo số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN, số ca mắc ung thư mới tại Việt Nam đã tăng vọt từ 68.000 người vào năm 2000 lên 126.000 người vào năm 2010. Trong năm 2022, số lượng đã tăng đến 180.480 ca mắc mới và 120.184 người tử vong vì ung thư. Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư gan, phổi, và dạ dày, còn đối với nữ là ung thư vú, phổi, và đại trực tràng. Đa số các loại ung thư này tiến triển nhanh, điều trị tốn kém và có tỉ lệ tử vong cao.

Thống kê của Bệnh viện K (Hà Nội) cho thấy chi phí điều trị trung bình của một bệnh nhân ung thư là gần 180 triệu đồng/năm, và có tới trên 33% bệnh nhân không đủ khả năng tài chính để chi trả tiền thuốc.

Các chuyên gia kinh tế xã hội đều nhận định rằng, với thực trạng nêu trên, khi xảy ra sự kiện rủi ro, ngành bảo hiểm chi trả số tiền lên tới vài chục nghìn tỷ đồng để bồi thường và cung cấp quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức mỗi năm, giúp làm giảm gánh nặng kinh tế Nhà nước... Bảo hiểm nhân thọ không chỉ có vai trò bảo vệ tài chính, tạo dựng quỹ tiết kiệm cho cá nhân, gia đình mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.

“Nếu không có nguồn tài chính từ bảo hiểm chi trả, những gia đình nên trên sẽ lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để điều trị bệnh và tiếp tục trang trải cho cuộc sống”, một vị chuyên gia đặt câu hỏi.

“Tấm khiên” bảo đảm tài chính và an sinh xã hội

Số liệu của Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong 11 tháng năm 2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng ước đạt hơn 86.368 tỷ đồng (gần 3,5 tỷ USD), tăng trên 17% so với cùng kỳ.

Trước đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã thực hiện giải quyết quyền lợi bảo hiểm ước đạt gần 81.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 57.000 tỷ đồng.

Theo bà Lê Thị Lan, nhà sáng lập VinaF, đồng thời là tư vấn viên bảo hiểm cho khách hàng Võ.T.S nêu trên, trong bảo hiểm xác suất người tham gia gặp bệnh nặng và tử vong không cao bằng các quyền lợi y tế thông thường, nhưng có điều một khi đã xảy ra thì mức độ ảnh hưởng về tài chính của gia đình rất nghiêm trọng.

Một người bị bệnh lý nghiêm trọng, ví dụ như ung thư, thứ đầu tiên quật ngã họ không phải là sức khỏe suy giảm, mà là nỗi lo thiếu tiền chữa bệnh, nỗi lo để lại gánh nặng cho người thân, tiêu tốn tài sản gia đình ảnh hưởng đến tương lai và chất lượng cuộc sống của người thân.

“Số tiền bảo hiểm không chỉ giúp giảm áp lực tài chính, đảm bảo an sinh xã hội, mà còn mang lại sự tự do: tự do chọn nơi điều trị tốt nhất, tự do chăm sóc bản thân theo cách tốt nhất, và tự do thoát khỏi gánh nặng cho người thân. Đây chính là sức mạnh của bảo hiểm”, bà Lan quả quyết.

Bức tâm thư chị Võ.T.S gửi đến toà soạn VietnamFinance với mong muốn lan toả giá trị tốt đẹp của bảo hiểm. Ảnh: Chụp từ bức thư

Trong tâm thư chia sẻ với VietnamFinance, chị Võ.T.S mong muốn rằng, qua câu chuyện của mình lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm. Đồng thời, nhấn mạnh rằng khi một người chọn mua bảo hiểm bởi họ nhận thức rõ nhu cầu và lợi ích của nó thay vì chỉ bị thuyết phục, khi đó người tham gia sẽ chủ động nâng cao ý thức tài chính, nỗ lực duy trì đóng phí bảo hiểm.

“Tôi hy vọng rằng những người làm bảo hiểm sẽ luôn giữ sự tận tâm, trung thực, và đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu. Chỉ khi tư vấn đúng, đủ và minh bạch, ngành bảo hiểm mới thực sự tạo dựng được niềm tin và giá trị nhân văn sâu sắc trong cộng đồng”, chị S nhấn mạnh thêm.

Chia sẻ về việc chi trả bồi thường, đại diện AIA Việt Nam cho biết, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra là lúc khách hàng đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, chi trả quyền lợi bảo hiểm một cách nhanh chóng, kịp thời để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, góp phần sẻ chia những khó khăn tài chính và giúp gia đình khách hàng sớm ổn định cuộc sống để tiếp tục hướng đến những điều tốt đẹp trong tương lai.

Con đi viện tốn hơn 110 triệu, bà mẹ trẻ 'thoát nợ' nhờ bảo hiểm

Con đi viện tốn hơn 110 triệu, bà mẹ trẻ 'thoát nợ' nhờ bảo hiểm

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Bảo hiểm đúng với nhu cầu của khách hàng luôn phát huy đúng sứ mệnh bảo vệ. Vì thế, người tham gia cần chia sẻ đầy đủ mong muốn của mình để có được giải pháp phù hợp cả về quyền lợi và tài chính
Cùng chuyên mục
Tin khác