Gen Z mua bảo hiểm sớm: Bảo vệ tức thời, 20 năm nhận tiền về
(VNF) - Tuổi còn trẻ, sức khoẻ tốt nên nhiều Gen Z nhận thấy chưa cần thiết phải tham gia bảo hiểm, nhưng ngược lại cũng nhiều quan điểm cho rằng, tham gia sớm để được bảo vệ sớm và đầy đủ, sau 20 năm nhận tiền về
- Bắt buộc ghi âm khi tư vấn, hãng bảo hiểm đồng loạt dùng AI bán hàng 03/12/2024 09:00
“Rủi ro luôn có xung quanh, tham gia sớm để bảo vệ sớm”
Đó là chia sẻ của Phạm Nguyễn Tiến Anh (26 tuổi), kỹ sư công nghệ tại Hà Nội khi được hỏi về lý do vì sao, 24 tuổi, vừa mới đi làm, chưa lập gia đình đã lựa chọn tham gia gói bảo hiểm hơn 20 triệu đồng cho bản thân. Tiến Anh kể, năm 2022 khi được một tư vấn viên của bảo hiểm Chubblife giới thiệu, chia sẻ ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, đã chủ động tìm hiểu để tham gia.
Theo Tiến Anh, tuy tuổi còn trẻ, vừa mới ra trường nhưng hiểu được bảo hiểm vừa là một kênh tiết kiệm kỷ luật, lại phòng cho mình những lúc có rủi ro ốm đau, bệnh tật nhằm bảo vệ tiền mình đã làm ra.
“Rủi ro thì luôn có ở xung quanh mình, tham gia sớm để được bảo vệ sớm và đầy đủ”, Tiến Anh nói thêm.
Chưa quyết định tham gia như Tiến Anh, nhưng Thuỷ Tiên (23 tuổi), ở Tây Hồ, Hà Nội cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây được hai người thân trong gia đình làm đại lý bảo hiểm tư vấn tham gia gói bảo hiểm của Bảo Việt và Dai – ichi Life. Sau đó, có tự mình tìm hiểu thêm về bảo hiểm nhưng đến nay chưa quyết định tham gia.
“Em thấy mình chưa có nhiều trách nhiệm, bố mẹ vẫn còn trẻ, cũng mới đi làm chưa tích luỹ được nhiều, để thêm 1 vài năm nữa xem sao”, Thuỷ Tiên tâm sự.
Khác với suy nghĩ của 2 bạn trẻ nêu trên, Nguyễn Xuân Thịnh (25 tuổi), người gốc Nghệ An đang làm kinh doanh tại Hà Nội lại quan niệm rằng, chưa quan tâm và chưa nghĩ đến việc tham gia bảo hiểm bởi còn trẻ, sức khoẻ tốt, ít ốm đau, tại nạn rủi ro lớn cũng có nhưng chưa chắc xảy đến với bản thân mình được.
“Sẽ tham gia nhưng là ở thời điểm lập gia đình, có thể sau 30 tuổi”, Xuân Thịnh khẳng định.
Trao đổi với VietnamFinance, bà Lê Thị Lan, nhà sáng lập VinaF – đơn vị chuyên đào tạo ứng dụng hoạch định tài chính cá nhân vào tư vấn bảo hiểm cho biết, thế hệ Gen Z hiện nay, nhiều người tìm hiểu bảo hiểm từ khá sớm, nhưng vì nhiều lý do đa phần đều chưa có cái nhìn đầy đủ về bảo hiểm nhân thọ.
Bà Lan nêu quan điểm, Gen Z thường mang những đặc điểm dễ nhận diện như mới bước vào thị trường lao động với thu nhập ở mức trung bình thấp, tiết kiệm khoảng 10-20% thu nhập và ưu tiên đầu tư vào việc học hỏi, nâng cao năng lực kiếm tiền. Đây là giai đoạn các bạn trẻ bắt đầu tự chủ, chi trả cho tiền thuê nhà, dành dụm cho những chuyến du lịch, hoặc thưởng cho bản thân sau quãng thời gian dài sống dưới sự hỗ trợ tài chính của cha mẹ.
Tuy nhiên, sự hào hứng với cảm giác độc lập và tự do tài chính này đôi khi dẫn đến lạm phát chi tiêu. Không ít người chi tiêu vượt quá khả năng, hậu quả là không có quỹ dự phòng, thậm chí rơi vào nợ nần, đặc biệt là nợ thẻ tín dụng.
May mắn thay, nhiều bạn trẻ nhanh chóng nhận ra những vấn đề trong cách quản lý tài chính của mình. Họ điều chỉnh lối sống, xây dựng thói quen chi tiêu có kế hoạch và học cách tích lũy, đầu tư hiệu quả từ những khoản tiền thặng dư. Đây chính là bước chuyển mình quan trọng giúp họ xây dựng nền tảng tài chính vững vàng cho tương lai.
Trong quá trình chuyển hóa tư duy tài chính, không ít bạn trẻ đã biết nghĩ đến việc dự phòng tài chính cho các vấn đề sức khỏe.
“Ý nghĩa đầu tiên khi GenZ tham gia bảo hiểm nhân thọ không phải để bảo vệ vợ/chồng hay con cái mà chính là cha mẹ,” bà Lan nhấn mạnh.
Bà Lan nêu ví dụ, một bạn trẻ có khả năng tạo ra thu nhập 15 triệu đồng/tháng, thì giá trị của tài sản vô hình này có thể lên đến 3,6 tỷ đồng (tương đương số tiền cần gửi ngân hàng lãi suất 5% để sinh lãi 15 triệu đồng/tháng). Giả sử một hợp đồng bảo hiểm sinh mệnh trị giá 1,5 tỷ đồng, phí 12 triệu đồng/năm, với người thụ hưởng là cha mẹ, sẽ bảo vệ 40% giá trị tài sản vô hình để tiếp tục báo hiếu cha mẹ thay cho con trong trường hợp xấu nhất về sức khỏe xảy ra với con.
Lợi ích khi tham gia bảo hiểm từ sớm
Cũng theo chuyên gia Lê Thị Lan, đầu tiên bảo hiểm giúp các bạn trẻ tự gánh lấy trách nhiệm tài chính nếu gặp biến cố về sức khỏe, tránh làm gánh nặng cho gia đình. Một căn bệnh nghiêm trọng hay tai nạn gây thương tật, người trẻ không còn khả năng lao động sẽ phải phụ thuộc vào cha mẹ hoặc anh chị em.
Nhưng với các gói bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, tai nạn và sức khỏe, họ có thể chuyển giao rủi ro tài chính này cho công ty bảo hiểm. Nhờ đó, họ vừa không tạo thêm gánh nặng cho người thân mà còn giữ được khoản tích lũy đã vất vả tạo dựng.
Tiếp theo, một số bạn trẻ tham gia bảo hiểm với mục tiêu tiết kiệm kỷ luật, nhưng theo bà Lan, điều này cần được hiểu đúng. Không ít người hiểu sai rằng bảo hiểm giống như gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng còn được thêm quyền lợi bảo vệ sức khỏe miễn phí. Trên thực tế, các khoản phí như phí quản lý hợp đồng, phí ban đầu, phí quản lý rủi ro sẽ được trừ thẳng từ phí đóng bảo hiểm hàng năm trước khi phần còn lại được đưa đi đầu tư. Vì vậy, để đạt kỳ vọng tích lũy, người tham gia cần duy trì hợp đồng trong thời gian dài, thường trên 15-20 năm.
Cuối cùng, ngoài những ý nghĩa đã nêu, việc tham gia bảo hiểm sớm còn giúp bạn trẻ hưởng lợi từ mức phí thấp, quyền lợi cao hơn và cơ hội bảo vệ toàn diện khi sức khỏe còn tốt. Bà Lan ví von, giống như người leo núi cần chuẩn bị đồ bảo hộ, các bạn trẻ cần xây dựng nền tảng tài chính gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và quỹ dự phòng khẩn cấp 3-6 tháng chi tiêu.
“Sự chuẩn bị này giúp bạn trẻ yên tâm phát triển sự nghiệp và tài sản bền vững, vừa leo núi vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp vì đã sẵn sàng cho mọi tình huống,” bà Lan kết luận.
Huỷ hợp đồng bảo hiểm trước hạn: DN và khách mua đều thiệt hại
- Rủi ro mua bảo hiểm: Hợp đồng khó hiểu, chưa có cơ chế bảo vệ khách hàng 27/11/2024 12:30
- Kiện hãng bảo hiểm ra toà: Cách để người mua nắm phần thắng 26/11/2024 12:30
- Bị khách kiện, hãng bảo hiểm liền 'quay xe', buộc phải chi tiền 25/11/2024 04:00
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.