Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: 'FPT sẽ là doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số'

Trần Lưu - 11/04/2019 18:13 (GMT+7)

(VNF) - Theo Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến, hiện tại FPT đang cùng các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để thực hiện chuyển đổi số. FPT cũng đã ký hàng loạt thỏa thuận với các tập đoàn lớn trên thế giới về việc thực hiện chuyển đổi số cho các đối tác này.

VNF
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software

Sáng 11/4, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) về chủ đề chuyển đổi số.

- Với mục tiêu trở thành tiên phong về chuyển đổi số, vậy FPT đang có những chiến lược gì để hiện thực hóa mục tiêu này?

Ông Hoàng Nam Tiến: Trên thực tế, chúng tôi đang cùng các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để thực hiện chuyển đổi số và hiện nay đã ký hàng loạt thỏa thuận với các tập đoàn rất lớn trên thế giới, đó là các tập đoàn tại Nhật Bản, các tập đoàn tại Đức và sắp tới đây là cả các tập đoàn tại Mỹ về việc thực hiện chuyển đổi số cho họ. Những hợp tác này của FPT với các đối tác cũng đã có những bước đi rất tích cực.

FPT cũng lấy chính bản thân Tập đoàn FPT với quy mô 35.000 người và doanh thu hàng tỷ USD, hoạt động ở hàng chục nước trên thế giới để tiến hành việc chuyển đổi số. Hiện nay 7 công ty thành viên của Tập đoàn FPT đang tiến hành một cách quyết liệt các bước đi trong việc thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu trở thành doanh nghiệp tiên phong và là công ty hàng đầu thế giới về chuyển đổi số.

Cũng bắt đầu từ năm 2019, FPT sẽ chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Tầm nhìn của FPT trong 10 năm tới là lọt TOP 50 các công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.

Trong giai đoạn 2019 – 2021, chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao giá trị và vị thế của công ty bằng việc cung cấp dịch vụ giá trị cao như tư vấn chuyển đổi số và chiến lược chuyển đổi số; tiếp cận các tập đoàn lớn quốc tế để cung cấp dịch vụ chuyển đổi số và các sản phẩm dịch vụ khác của FPT, có thêm 30 khách hàng lớn trong danh sách Fortune Global 500 mỗi năm; hoàn thiện gói/chuỗi danh mục về giải pháp, sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ số trong 2 năm tới.

- Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và một số doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin trong nước, trong đó có FPT, khảo sát về việc xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia, vậy FPT sẽ tham gia hỗ trợ chiến lược chuyển đổi số quốc gia như thế nào?

Chúng tôi cho rằng, có thể FPT là một trong vài doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam hiện nay có năng lực thực hiện chuyển đổi số. Tất nhiên, với kinh nghiệm và công nghệ mới nhất trong cách mạng 4.0 cùng đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới, tôi nhấn mạnh là các chuyên gia hàng đầu thế giới thì chúng tôi nghĩ rằng FPT sẽ đưa ra những tư vấn phù hợp trong quá trình chuyển đổi số của đất nước. 

Chúng tôi sẵn sàng tư vấn và đồng hành cùng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc để xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số. FPT cũng rất vui mừng khi được góp phần hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu này.

- Được biết, FPT đang hợp tác với các tập đoàn lớn như Airbus, General Electric..., vậy công ty đang làm gì với họ, thưa ông?

Thỏa thuận với Airbus quả thực là một niềm vui với FPT. Chỉ cách đây mấy hôm trước thôi, anh Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT của FPT - PV) đã cùng với Airbus mở văn phòng tại Thành phố Toulouse (Pháp), ngay cạnh nhà máy sản xuất máy bay Airbus.

Hiện nay chúng tôi có hơn 60 thành viên tập trung làm về nền tảng IoT Platform, tức là nền tảng về internet of Things cho Airbus và sắp tới sẽ tăng lên 100 người. Theo thỏa thuận thì chúng tôi sẽ có 300 người để triển khai nền tảng IoT của Airbus có tên là Skywise trên toàn cầu.

Với khả năng thu thập dữ liệu hàng không từ nhiều nguồn khác nhau, nền tảng Skywise mà chúng tôi hợp tác với Airbus sẽ giúp các hãng hàng không nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng việc giảm bớt sự gián đoạn của chuyến bay; giảm chi phí bảo trì thông qua chiến lược bảo trì dự báo; tối ưu hóa hoạt động bay cũng như việc quản lý đội tàu bay; ra quyết định nhanh hơn để đối phó với các sự cố bất ngờ.

Hơn nữa, bằng cách tích hợp dữ liệu vận hành, bảo dưỡng và dữ liệu về máy bay vào một nền tảng an toàn và mở, các hãng hàng không có thể lưu trữ, truy cập, quản lý và phân tích các dữ liệu này mà không cần phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời.

Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Chuyển đổi số khác với quá trình tin học hóa, tin học hóa đơn giản là quá trình tạo ra dữ liệu, còn chuyển đối số là quá trình xử lý dữ liệu đó ở mức độ tổng hợp cao, với tốc độ cực nhanh dựa trên ứng dụng công nghệ mới và khai thác dữ liệu đó để tạo ra những giá trị nhất định trong hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Tin khác