Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Thua lỗ lớn, gánh nặng nợ lên cao
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Đầu tư Gia sản iWealth vừa công bố thông tin về tình hình tài chính doanh nghiệp năm 2023 với khoản lỗ hơn 193 tỷ đồng so với mức lãi gần 98,6 tỷ đồng trong năm trước đó.
Cú lỗ lớn trong năm qua khiến vốn chủ sở hữu của Đầu tư Gia sản iWealth âm hơn 94,8 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng tăng rất mạnh, tới cuối năm 2023 gấp hơn 3 lần năm 2022, lên gần 7.400 tỷ đồng cho dù trong năm 2023 đã sạch nợ trái phiếu.
Đầu tư Gia sản iWealth ghi nhận sức khỏe tài chính yếu kém từ cuối tháng 6/2023. Đây là doanh nghiệp có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao hàng đầu trong số các đơn vị phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán.
Đầu tư Gia sản iWealth từng phát hành hai lô trái phiếu trong năm 2021 với “ba không”: không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản đảm bảo và được một công ty chứng khoán và một tổ chức tín dụng mua trọn, dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).
Đến tháng 8/2023, Đầu tư Gia sản iWealth đã mua lại toàn bộ 300 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành.
Hoạt động chính trong lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ tài chính, tiền thân của Đầu tư Gia sản iWealth là Công ty TNHH Mua bán nợ Hòa Bình (HBDC), được thành lập năm 2012 tại Long An. Đến năm 2021, công ty đổi tên thành Đầu tư Gia sản iWealth và chuyển trụ sở ra quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nhiều công ty tài chính lớn trên thị trường cũng vừa báo cáo lợi nhuận năm 2023 lao dốc trong bối cảnh nợ xấu và khó đòi gia tăng.
Theo HNX, Công ty Tài chính Mirae Asset Việt Nam - công ty tài chính tiêu dùng có vốn Hàn Quốc, thuộc tập đoàn Mirae Asset - báo lỗ 963 tỷ đồng năm 2023, trong khi lãi 127 tỷ đồng trong năm 2022.
Trước đó, FE Credit, Home Credit, Shinhan Finance, Mcredit... cũng là các công ty tài chính hoạt động ở Việt Nam báo lợi nhuận tụt giảm hoặc thua lỗ trong năm 2023.
Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) - thành viên của Shinhan Card - đến từ Hàn Quốc năm 2023 còn lỗ đậm 462 tỷ đồng, qua đó kéo tỷ lệ an toàn vốn giảm mạnh từ trên 26% hồi đầu năm xuống còn hơn 21,4%. Đây là khoản lỗ kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam.
Công ty TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE Credit lỗ hơn 2.965 tỷ đồng trong năm ngoái, cao hơn mức lỗ hơn 2.376 tỷ đồng của năm 2022.
Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) năm 2023 báo lỗ giảm 75% so với 2022, xuống còn 240 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam cũng ghi nhận lợi nhuận năm 2023 lao dốc gần 70% so với năm trước đó, xuống còn hơn 375 tỷ đồng. Công ty tài chính này vừa về tay ngân hàng Thái Lan.
Sức cầu tiêu dùng thấp, các công ty tài chính gặp khó
Các công ty tài chính báo lỗ hoặc lợi nhuận lao dốc năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thu nhập người lao động giảm. Mảng cho vay tiêu dùng gặp khó và nợ xấu tăng khiến lợi nhuận bị bào mòn.
Theo báo cáo của Fiingroup, nhóm công ty tài chính bị ảnh hưởng do suy thoái trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như sản xuất và xuất khẩu.
Tổng cục Thống kê cho hay, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong năm 2023 cao, ở mức 7,63%.
Nửa cuối năm 2023, thị trường lao động tích cực hơn nhưng nửa đầu năm tình hình khá xấu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hơn nửa triệu người lao động bị mất việc, giảm giờ làm trong 5 tháng đầu năm 2023, tập trung ở các khu khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thực tế này cũng thể hiện rõ trong báo cáo cáo của nhiều doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Thế Giới Di Động, Novaland, CenLand, Đất Xanh,... Trong hai năm 2022-2023, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm rất mạnh số lượng người lao động trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, mảng bán lẻ ghi nhận doanh thu giảm khi sức cầu yếu.
Trên thực tế, năm 2023 là giai đoạn rất khó khăn đối với các công ty tài chính bởi nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ thị trường bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu khủng hoảng và những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Chi phí của các công ty tài chính thường rất lớn, với hàng triệu khoản vay nhỏ. Trong khi đó, lãi suất vay cao, khiến những người vay có tỷ lệ trả nợ thấp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng việc các công ty tài chính ghi nhận lỗ hoặc lợi nhuận giảm sâu là do tỷ lệ nợ xấu gia tăng và phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn.
Theo ông Hiếu, các công ty tài chính chủ yếu cho vay tín chấp, khách hàng là người lao động. Đối tượng này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kinh tế suy yếu và doanh nghiệp khó khăn. Nhiều khoản cho vay còn mất trắng vì khách hàng mất khả năng trả nợ.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.