Khấu trừ 'phí ban đầu' đến 90%, bảo hiểm đẩy phần thiệt cho khách
(VNF) - Khi tham gia bảo hiểm thọ, người mua sẽ bị khấu trừ chịu nhiều loại phí khác nhau như phí ban đầu, phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ… Đáng chú ý, hiện nay, phí ban đầu bị trừ nhiều nhất, có công ty lên đến 90% trong năm đầu tiên. Việc này được cho là “bất lợi” với khách hàng khi xảy ra sự cố không thể tiếp tục tham gia
Khấu trừ phí đến khi kết thúc đóng phí
Chị Lê Mai Hoa (38 tuổi) ở Hà Nội cho biết, chị vừa được tư vấn một gói bảo hiểm liên kết đơn vị của công ty Dai ichi Life, sản phẩm An Thịnh đầu tư, trước khi ký hợp đồng, chị Hoa hỏi rất kỹ tư vấn về các loại phí khấu trừ trong hợp đồng. Trong đó chị Hoa khá bất ngờ với mức phí ban đầu, được chia thành từng mức theo năm.
Cụ thể, năm thứ nhất khấu trừ 75% phí bảo hiểm cơ bản, năm thứ 2 là 55%, 30% cho năm thứ ba và 20% cho năm thứ 4 đóng phí. Từ năm thứ 5 trở đi, mức phí này là 3%/năm và kéo dài cho đến khi kết thúc đóng phí, thường là 15 hoặc 20 năm.
Cho rằng mức phí này khá cao, chị Hoa đắn đo muốn tìm hiểu thêm thông tin phí ban đầu của một số hãng bảo hiểm khác.
“Cộng thử vào thì tổng lên đến gần 240%, nghe nói là mức này giảm theo Luật kinh doanh bảo hiểm mới, mà vẫn chưa thấy đâu. Có khi tôi chờ thêm xem khi nào giảm phí thì mới tham gia, chứ khấu trừ vậy thì cao quá”, chị Hoa nói thêm.
Tương tự, anh Lê Minh Toàn (29 tuổi), Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng mới được tư vấn viên giới thiệu sản phẩm bảo hiểm Món quà tương lai của Manulife, mức phí ban đầu anh nắm được là 85% cho năm thứ nhất, 75% cho năm thứ 2 và mức 20% cho năm thứ 3 tham gia, từ năm thứ 4 mức phí này bằng 0 đối với phí bảo hiểm cơ bản.
“Tôi được tư vấn mức phí này theo quy định của Bộ Tài chính phê duyệt cho các công ty bảo hiểm, nên không thể thay đổi gì được. Mục tiêu là bảo vệ, nên tôi vẫn đồng ý tham gia”, anh Toàn chia sẻ.
Phí ban đầu bảo hiểm là loại phí được dùng để bù đắp chi phí liên quan tới việc khai thác hợp đồng bảo hiểm, chi phí vốn của doanh nghiệp bảo hiểm… Theo ghi nhận của VietnamFinance, đa phần các công ty bảo hiểm nhân thọ hiện nay, có mức phí ban đầu đều ở mức cao, có công ty mức phí này lên đến 90% năm đầu tiên.
Cụ thể, AIA mức phí của sản phẩm An Phúc Trọn Đời Ưu Việt là 90% năm thứ nhất và từ năm thứ 5 trở đi mức phí này là 1,5%. Sản phẩm Vita – Sống tự tin của Generali cũng ở mức 60% năm thứ nhất, đến năm thứ 5 là mức 5%, từ năm thứ 6 trở đi mức phí này bằng 0. Hay như sản phẩm Kế hoạch Tài chính chủ động, Công ty TNHH bảo hiểm Chubb Việt Nam, năm đầu tiên mức phí này là 70%, giảm xuống còn 60% năm thứ 2, năm thứ 3 ở mức 30% và từ năm thứ 4 mức phí này bằng 0.
Theo các chuyên gia tài chính, với mức phí ban đầu cao như hiện nay, đa phần người tham gia không được lợi. Sau khi trừ mức phí này, và các loại phí khác, số tiền còn lại mới được đưa vào giá trị tài khoản và mang đi đầu tư để sinh lời.
Khi nào mới giảm?
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, thông tư 67/2023/TT-BTC có quy định tỷ lệ phí của các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trong năm đầu tiên không được vượt quá 50% phí bảo hiểm theo năm, năm thứ 2 không được vượt quá 30%, từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 không được vượt quá 20%, từ năm thứ 6-10 tối đa 2%, và năm thứ 11 trở đi là 0%. Phí ban đầu của các sản phẩm liên kết đầu tư đóng phí một lần không quá 10% phí bảo hiểm đóng một lần.
Ngoài ra, đối với sản phẩm bảo hiểm hưu trí, phí năm đầu được quy định không vượt quá 5% tổng phí bảo hiểm thu được trong năm tài chính. Phí năm đầu đối với phần phí bảo hiểm đóng thêm không vượt quá 1,5% phí bảo hiểm đóng thêm của từng năm hợp đồng và trong 10 năm đầu của hợp đồng bảo hiểm.
Chị Nguyễn Mai Phương (37 tuổi), ở Hà Nội, tư vấn viên 7 năm kinh nghiệm cho biết, mặc dù đã có quy định theo thông tư số 67/2023/TT-BTC, nhưng ghi nhận hiện nay trên thị trường, gần như chưa có doanh nghiệp bảo hiểm nào công bố giảm mức phí ban đầu. Lý do được đưa ra là mỗi một sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê duyệt điều khoản và mức phí sẽ tuân thủ theo quy định của hợp đồng đó. Các sản phẩm phổ biến liên kết chung và Liên kết đơn vị hiện có đang là các bộ quy tắc điều khoản cũ.
“Chưa có sản phẩm mới, chưa được Bộ Tài chính phê duyệt điều khoản mới, thì chưa có giảm phí ban đầu”, chị Mai Phương nói thêm.
Đồng quan điểm, Luật sư Vũ Văn Cương, Giám đốc Trung Tâm Tư vấn Pháp Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, các sản phẩm bảo hiểm đang được bán hiện nay đều là sản phẩm cũ đã được Bộ Tài chính phê duyệt từ trước nên chưa phải tuân thủ theo quy định mới, nếu doanh nghiệp ra sản phẩm mới thì phải áp dụng theo thông tư nêu trên. Mức phí hiện tại tính cho người tham gia là đúng quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cương, khoản 4 và khoản 5, Điều 22 - Thông tư 67/2023/TT-BTC có quy định về việc sửa đổi, bổ sung tính phí sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ đã đăng ký với Bộ Tài chính theo quy định tại điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải chứng minh được tính phù hợp của việc sửa đổi, bổ sung căn cứ trên số liệu thống kế của doanh nghiệp, chi nhánh trong thời gian triển khai sản phẩm và có xác nhận của chuyên gia tính toán.
Trường hợp sửa đổi, bổ sung cơ sở tính phí của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, đã được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi thông tư này có hiệu lực , những nội dung sửa đổi bổ sung tại cơ sở tính phí theo đề nghị của Doanh nghiệp phải phù hợp với các quy định tại Thông tư này.
Các chuyên gia Tài chính – Bảo hiểm cho biết, trước đây chưa có quy định cụ thể về mức phí ban đầu, mức phí khấu trừ tối đa năm đầu mỗi khách hàng tham gia phải chịu, nên mới có tình trạng mỗi công ty bảo hiểm áp dụng một mức, và con số này được quy định trong điều khoản hợp đồng bảo hiểm ký kết, được Bộ Tài chính phê duyệt.
Với quy định mới này, khi được các công ty bảo hiểm tuân thủ sẽ giảm được mức phí khấu trừ ban đầu khi tham gia. Từ đó, các công ty sẽ phải giảm chi phí khai thác hợp đồng bảo hiểm, cụ thể là chi phí hoa hồng sẽ áp dụng mức giảm theo luật từ 01/07/2024.
“Nhờ đó người tham gia bảo hiểm sẽ được lợi, đồng thời giúp thanh lọc đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm, hướng đến thị trường minh bạch và bền vững”, một vị chuyên gia bảo hiểm nhấn mạnh.
Vốn ngoại đổ vào DN bảo hiểm: Lựa chọn nào để thoát thế kẹt?
- 'Đã đến lúc nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ' 15/06/2024 10:42
- Vốn ngoại đổ vào DN bảo hiểm: 20 năm mòn mỏi và ‘người đến, kẻ đi’ 10/06/2024 08:00
- Vốn ngoại vào DN bảo hiểm phi nhân thọ: Hai mảng màu trên thị trường 2,8 tỷ USD 07/06/2024 09:30
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.