Lấn biển mở không gian kinh tế mới: Chính sách nhất quán, gọi nguồn lực lớn
(VNF) - Pháp lý đã mở đường, quy hoạch được cụ thể hóa... việc cần làm hiện nay là các địa phương phải nhanh chóng khảo sát tổng thể vùng biển, đưa các dự án lấn biển vào quy hoạch. Để làm được điều này cần có chính sách nhất quán, tạo cơ chế, điều kiện tốt nhất khuyến khích tư nhân tham gia
- Mở rộng không gian biển: Động lực trăm tỷ USD thúc đẩy kinh tế 15/10/2024 07:00
Tăng tốc tiến ra biển
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII đặt ra mục tiêu tới năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc biển. Do đó, tiến ra biển để phát triển kinh tế, trong đó có việc lấn biển là hoạt động tất yếu. Nắm bắt thời cơ, các địa phương đang ráo riết bắt tay vào công cuộc quy hoạch triển khai dự án, sớm tiến ra biển.
Cụ thể, sau khi Luật Đất đai 2024 và Nghị định hướng dẫn thi hành (trong đó có nhiều quy định chi tiết về lấn biển) có hiệu lực, Bến Tre là một trong những địa phương đầu tiên công bố sẽ lấn biển 50.000 ha để phát triển kinh tế, chú trọng đô thị biển, khu công nghiệp và các ngành kinh tế biển khác… Ba huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú cùng vùng biển dài 65 km quy hoạch là khu kinh tế lấn biển, được kỳ vọng sẽ giúp Bến Tre phát triển.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng vừa duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, diện tích 2.870 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9 tỷ USD.
Trong khi đó, quy hoạch tỉnh Kiên Giang dự kiến đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh tăng hơn 4.581ha do đưa vào triển khai xây dựng các dự án lấn biển.
Còn tỉnh Sóc Trăng quy hoạch lấn biển ở Cù Lao Dung, Trần Đề và Vĩnh Châu… Đáng chú ý, Khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề dự kiến xây dựng cách bờ khoảng 17 km, đầu tư bằng nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp giai đoạn đến năm 2030, với tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây đã công bố đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu núi Lớn - núi Nhỏ (TP Vũng Tàu). Theo đó, khu vực này sẽ có không gian kiến trúc cảnh quan ven biển - cho phép tổ chức lấn biển tại các vị trí có bãi đá, sình lầy không thuận lợi cho tắm biển, không ảnh hưởng môi trường tự nhiên nhằm cải tạo chỉnh trang các khu vực hiện hữu, tạo lập không gian công cộng.
Nhìn lại lịch sử, cách đây hơn 20 năm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có thư gửi lãnh đạo TP.HCM khuyến khích ý tưởng tiến ra biển bằng cách đánh thức tiềm lực huyện Cần Giờ.
Từ đó tới nay, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện chính sách lấn biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Thanh Hóa, Sóc Trăng. Tính đến hết năm 2023, 15/28 tỉnh, TP ven biển đã có quy hoạch được công bố, trong đó có 4 tỉnh đề cập đến lấn biển là Thanh Hóa, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang.
Các chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng, với việc “Luật hóa” hoạt động lấn biển, đi kèm với đó là các nghị định hướng dẫn cụ thể; đồng thời, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt… đây là những bước tiến lớn về mặt chủ trương, cơ chế, chính sách, mở đường cho các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.
Những đô thị biển được xây dựng sẽ giúp địa phương phát triển du lịch, bất động sản, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản… tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, trở thành điểm đến mới của du khách, thu hút đầu tư…
Lựa chọn vị trí lấn biển phù hợp
Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, các quy định về hoạt động lấn biển mang lại đa lợi ích về quốc phòng an ninh, phát triển đô thị, công nghiệp, cảng biển, du lịch, nuôi trồng thủy hải sản, năng lượng tái tạo… nên rất cần thiết.
Hiện, Luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ vướng mắc cho các dự án lấn biển đang ách tắc ở giai đoạn trước. Đồng thời cũng định hướng hoạt động lấn biển theo quy hoạch quốc gia, quy hoạch chung cấp tỉnh. Để sớm thực thi các quy định trong Luật Đất đai 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2024 quy định chi tiết về hoạt động lấn biển và mới đây là Nghị định số 102/2024 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8.
Đây là cơ sở pháp lý cho DN mạnh dạn đầu tư và địa phương dễ dàng quản lý, bởi hoạt động lấn biển sẽ liên quan nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường.
“Không phải chỗ nào cũng lấn biển mà phải thuận theo tự nhiên, nhất là những khu vực bồi lắng phù sa rất cao như khu vực Kim Sơn (Ninh Bình) hay vùng biển mũi Cà Mau… phù hợp lấn biển. Phải có quy hoạch thì hoạt động lấn biển mới bền vững", ông Châu nói.
Đồng quan điểm, theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam, việc lấn biển là cần thiết nhưng cần phải xem xét trong bức tranh tổng thể gồm nhiều yếu tố, trong đó có kinh tế, môi trường, văn hóa.
Ngay từ bước đầu tiên, cần phải làm tốt công tác quy hoạch, phê duyệt quy hoạch phải theo quy trình chặt chẽ, tính toán tất cả các yếu tố ngoài lợi ích về kinh tế, xã hội như môi trường, môi sinh, cảnh quan, giá trị văn hóa lịch sử, đặc biệt những vùng biển có những cảnh quan đặc thù như Quảng Ninh.
“Trước khi đưa ra quyết định lấn biển một khu vực nào đó, phải tính toán quy hoạch thận trọng, làm sao để tổng giá trị lợi ích về mặt kinh tế mang lại là con số dương. Lấn biển giúp mở rộng được một khu vực đất đai, tạo điều kiện phát triển kinh tế nhưng không để ảnh hưởng đến các khu vực khác”, ông Bình khuyến nghị.
Trong thực tế, khi nghiên cứu tiền khả thi một dự án lấn biển sẽ đều phải trải qua các bước đánh giá tác động môi trường, tác động sinh thái và phải đi qua rất nhiều bộ ngành. Chỉ khi dự án đảm bảo tuân thủ các quy chế bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái thì mới được xem xét phê duyệt.
“Những khu vực có giá trị sinh thái đặc biệt đều được khoanh vùng và bảo vệ đặc biệt. Khu vực thuộc vùng lõi sẽ không cho phép phát triển kinh tế trong đó có lấn biển. Còn với những khu vực không có giá trị sinh thái cao, chưa đưa vào các khu bảo vệ, quy hoạch sử dụng đất hoặc là quy hoạch không gian biển thì việc phát triển hoạt động mới, bao gồm hoạt động lấn biển hay làm đảo nhân tạo, là hoàn toàn bình thường”, TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên & Môi trường) chia sẻ.
Cần chính sách mở, nhất quán khuyến khích tư nhân tham gia
Ủng hộ việc lấn biển, nhưng Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý BĐS cho rằng, cần phải cụ thể hóa quy định của pháp luật hơn nữa. Nếu luật chưa rõ ràng thì không ai dám làm, DN e ngại, không huy động được nguồn lực trong dân.
Ông Đỉnh nêu ví dụ về một vấn đề pháp lý then chốt: Các khu vực đã được khoanh định để dự kiến lấn biển sẽ được quản lý như đất đai thông thường, trạng thái pháp lý của khu vực biển sẽ trở thành “đất”, sẽ được coi là “đất sạch” nên về cơ bản giao đất phải thông qua đấu giá (với trường hợp lấn biển để thực hiện các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại kết hợp thương mại, dịch vụ).
Tuy nhiên ở trạng thái này, “đất” vẫn còn là mặt biển, việc xác định giá khởi điểm để đấu giá, làm cơ sở để các nhà đầu tư tham gia chào giá sẽ rất khó khăn.
“Cần quy định cụ thể hơn nữa, bởi nhà đầu tư sẽ bỏ chi phí ra để lấn biến, số tiền này thường rất lớn, nên phải tạo được cơ chế thông thoáng, nhất quán, mới có thể khuyến khích DN tư nhân tham gia”, Luật sư Đỉnh nhấn mạnh.
LS. TS Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, quy định của nhà nước hiện nay theo hướng khuyến khích xã hội hóa hoạt động lấn biển. Trên thực tế, các dự án lấn biển yêu cầu vốn đầu tư vô cùng lớn, cần huy động tốt nguồn lực từ khối tư nhân để triển khai có hiệu quả.
Đầu tiên, cần đầu tư ngay nguồn lực cho các hoạt động khảo sát tổng thể các vùng biển có tiềm năng lấn biển, phát triển kinh tế biển bao gồm đánh giá điều kiện khí hậu thủy văn, tài nguyên ven biển, tác động môi trường, thủy triều, dòng hải lưu, độ sạch của nước, độ lắng đọng của bùn, kết nối sông suối, kết nối hạ tầng, các di sản và vùng đệm, sinh kế của người dân, khối lượng đào đắp, dự kiến cơ cấu sử dụng đất, sử dụng mặt nước, ước lượng giá trị của nền kinh tế biển…
Trên cơ sở kết quả khảo sát, cần xây dựng quy hoạch lấn biển quốc gia, phân vùng, khu vực, khai thác tổng thể không gian ven bờ biển theo từng mục tiêu, phù hợp với từng vùng biển, từng tỉnh. Có vùng biển là khu đô thị xanh, thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo rộng (AGI) theo mô hình “city brain” của Trung Quốc, Đức, hoặc quy hoạch giao thông, sân bay, bến cảng, đường hàng hải như Nhật Bản.
Có vùng biển phù hợp với sản xuất năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, thủy triều, hải lưu, khai thác tài nguyên. Lấn biển quy hoạch thành khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, hoặc vùng biển hình thành khu kinh tế ngư nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, rong biển, sản xuất muối…
“Cần xác định cụ thể, chi tiết, quy hoạch rõ các khu vực chuyên biệt, hoặc các vùng biển có thể sử dụng đa mục đích, nhiều tầng trong cùng một không gian để tối ưu hóa từng cm2 biển”, TS Đoàn Văn Bình nói thêm.
Ông Bình cũng đề xuất nghiên cứu kỹ thuật lấn biển trên cơ sở học hỏi, cập nhật kinh nghiệm tiên tiến của các nước. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong gia cố nền móng, kinh nghiệm của Hà Lan xây "tường trong đất" tạo đường bao ngoài ổn định cho công trình… là những phương pháp hay mà Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi và phổ biến để áp dụng trên thực tế. Nếu cần thiết, có thể xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan, phù hợp với Việt Nam.
Bên cạnh đó, đầu tư nghiên cứu vật liệu mới, nhận chuyển giao công nghệ vật liệu mới phục vụ lấn biển để thay thế cát trong hoạt động lấn biển như giải pháp “new sand” (cát mới) của Singapore. Kinh nghiệm thực tế tại các nước và Việt Nam cho thấy, cát tự nhiên vẫn là vật liệu chủ yếu để lấn biển. Do đó, việc duy trì và sử dụng hợp lý nguồn cát tự nhiên là đặc biệt quan trọng.
Theo LS.TS Đoàn Văn Bình, lấn biển là vấn đề không mới ở nước ta nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập liên quan cả từ góc độ chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện. Nghiên cứu, học hỏi từ các quốc gia có thế mạnh về lấn biển để tìm kiếm giải pháp phù hợp, hiệu quả cho Việt Nam, đồng thời với việc hoàn thiện chính sách, thể chế liên quan, là việc làm hết sức có ý nghĩa giúp phát triển không gian "mặt tiền" vô giá, khai thác bền vững, tối ưu hiệu quả “kho báu” tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, hàng hải của chúng ta.
Khai mở không gian kinh tế mới: Thông pháp lý, rộng đường hướng ra biển
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.