PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: 'FED đang gây sợ hãi nhiều hơn là giải cứu kinh tế'

Xuân Hải - 16/03/2020 17:11 (GMT+7)

(VNF) - Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP. HCM, với việc FED kéo lãi suất về gần bằng 0 thì coi như công cụ lãi suất trong điều hành chính sách của tổ chức này từ nay vô hiệu. "Nói một cách văn chương thì tủ thuốc của FED đã trống trơn rồi".

VNF
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm nay đã cắt giảm lãi suất quỹ liên bang từ khoảng 1-1,25% xuống chỉ còn 0-0,25%. Song song với đó, FED cũng tuyên bố sẽ thực hiện chương trình nới lỏng định lượng với tổng trị giá 700 tỷ USD.

Đây là lần thứ hai trong tháng 3 FED cắt giảm lãi suất. Điều đáng nói là khoảng cách giữa 2 lần cắt giảm chỉ vỏn vẹn 13 ngày và việc cắt giảm diễn ra ngay trước thềm phiên họp chính sách dự kiến tổ chức vào ngày 17-18/3 tới.

Đã có những nhận định trái chiều về động thái mạnh bạo và bất ngờ này của FED trong giới nghiên cứu kinh tế và đầu tư. Bản thân thị trường cũng đang cho thấy những phản ứng khác nhau đối với chính sách mới này.

Để mở rộng góc nhìn, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo của Đại học Kinh tế TP. HCM:

- Ông đánh giá như thế nào về lần cắt giảm lãi suất này của FED? Có vẻ như FED đang hành động theo nỗi sợ hãi hơn là một giải pháp mang tính chủ động?

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Tôi cũng nghĩ vậy, phản ứng của FED có gì đó bị động.

Phản ứng của FED dường như cho thấy cơ quan này không có kế hoạch được tính toán một cách kĩ lưỡng, gồm nhiều kịch bản để ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19 cũng như xử lý các vấn đề của kinh tế Mỹ nói chung (bao gồm cả vấn đề thương chiến trước đó).

Tất nhiên, chúng ta hiểu rằng bất kỳ phản ứng nào của của ngân hàng trung ương hay FED đều chịu sức ép rất lớn từ chính phủ và các nhóm lợi ích tài chính. Nhưng về động thái vừa qua, tôi cho rằng FED thiếu sự chủ động và thiếu cả tính minh bạch. FED hành động một cách hơi lạ thường.

- Ông cho rằng giải pháp của FED có thực sự có tác dụng với kinh tế Mỹ?

Tôi chưa thấy tác dụng tích cực, còn điều thấy rõ là hành động của FED đã thổi bùng lên ngọn lửa hoảng loạn của dân Mỹ nói chung, giới đầu tư nói riêng. Người ta hoài nghi liệu FED có đang che giấu một sự thật đáng sợ hơn không, vì nếu không thì tại sao phải ra tay mạnh như vậy.

Vấn đề của kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới hiện nay chính là lòng tin, tâm lý hoảng sợ hơn là các vấn đề vĩ mô hay cung cầu. Vì thế, lẽ ra vào cuộc họp ngày 18 tới đây FED không cần hành động gì cả. Việc đó sẽ gửi thông điệp cho thị trường rằng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.

Nhưng FED đã cắt giảm lãi suất, làm thị trường thêm hoang mang. Tất nhiên có thể FED đang muốn giải cứu thị trường trái phiếu hoặc giải cứu thị trường tài chính nói chung, nhưng liệu việc giải cứu có thành công hay nó sẽ chỉ làm bùng lên thêm một nỗi sợ hãi nữa?

- Việc đưa lãi về 0 và bơm tiền là một chính sách mạnh bạo nhưng dường như cũng là một chính sách chân tường, vì nếu có diễn biến xấu hơn, FED sẽ không còn nhiều dư địa?

Đúng vậy, điều đó tôi cũng thấy lo ngại. Người ta cho rằng một khi FED kéo lãi suất về gần bằng 0 thì coi như công cụ lãi suất trong điều hành chính sách từ nay vô hiệu. Cộng với việc bơm tiền nữa thì có thể nói FED cũng "hết bài" rồi. Nói một cách văn chương thì tủ thuốc của FED đã trống trơn rồi.

Vậy khi kinh tế trở nên khó khăn hơn nữa FED sẽ dùng công cụ gì, đó là một dấu hỏi lớn. Nếu nhà đầu tư không tìm thấy câu trả lời, họ sẽ càng trở nên hoàng mang hơn.

Tất nhiên ở góc độ lạc quan, có ý kiến cho rằng FED đã thuộc lòng các bài học từ việc ứng phó với khủng hoảng 2008 - 2009. Người ta hi vọng với kinh nghiệm đã có, FED sẽ đối phó được với tình hình hiện nay.

Người ta cũng cho rằng đại dịch Covid-19 là một cú sốc bất định của tự nhiên và sự khó khăn hiện tại không bắt nguồn từ những căn bệnh có tính đặc thù của kinh tế Mỹ như 10 năm trước. Người ta vẫn lạc quan cho rằng khi dịch bệnh qua đi, kinh tế sẽ tự phục hồi.

- Việc FED đưa lãi suất về 0 và nới lỏng tiền tệ liệu có kích hoạt làn sóng này ở khắp các nước?

Tôi nghĩ không, vì Chính phủ các nước đều hiểu rõ kinh tế mỗi nước có những đặc thù riêng, không tương đồng hoàn toàn với Mỹ.

- Với Việt Nam, ông nghĩ sao về hành động của Chính phủ?

Hành động của FED càng làm nổi bật sự bình tĩnh và chuẩn bị kỹ lưỡng của Việt Nam. Tôi đánh giá cao những hành động nhanh chóng, kiên quyết và thể hiện sự chuẩn bị kĩ lưỡng của Ngân hàng Nhà nước.

Tôi nhớ GS Trần Ngọc Thơ nói rất hay rằng "không có gói kích thích kinh tế nào chống được sự sợ hãi". Nếu nói rằng Chính phủ Việt Nam cần phải nới lỏng tiền tệ thì xin hỏi ngược lại rằng bơm tiền ra để làm gì?(!) Người dân đang được Chính phủ khuyến khích không đến nơi đông người, thế thì bơm tiền ra làm gì!

Trước kia, chúng ta kích cầu vì nền kinh tế có những cú sốc về giá dầu, về tiền tệ, về nguồn cung... Bơm tiền ra là để mặt bằng giá cả dịu bớt đi, để chi phí doanh nghiệp mềm đi, để kéo người dân tiêu dùng nhiều hơn.

10 năm trước, khó khăn là do vấn đề kinh tế, còn bây giờ khó khăn là do vấn đề tự nhiên (tức dịch bệnh), là vấn đề của lòng tin và tâm lý. Anh bơm tiền ra bây giờ chẳng những không thu được lợi ích mong muốn mà còn kéo theo những hệ lụy.

Do đó tôi đánh giá cao sự bình tĩnh của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc không vội vã chiều theo những lời kêu gọi của các nhóm lợi ích.

Những chương trình giải cứu mang tính chất hỗ trợ, tương trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như giảm thuế, nới thuế, giảm thủ tục, giảm thanh tra, kéo dài thời gian trả nợ... của Chính phủ hiện nay, tôi cho là rất hay và rất hiệu quả.

Còn nới lỏng tiền tệ thì cần phải nhìn rõ: người thụ hưởng có phải là những doanh nghiệp chịu khó khăn không hay nó lại rơi vào các nhóm lợi ích?

Lấy trường hợp Việt Nam để thấy nước ta như vậy mà các nước cũng sẽ như vậy. Chính phủ nào cũng phải lắng nghe nhịp đập của thị trường, lắng nghe sự khó khăn của nền kinh tế để có chính sách riêng chứ không phải thấy FED cắt giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ thì làm theo.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác