Sếp Tập đoàn Nam Group 'hiến kế' cứu nguy thị trường bất động sản TP. HCM
Trần Lê -
17/08/2021 15:52 (GMT+7)
(VNF) - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Group Lương Sĩ Khoa đã chia sẻ về những biện pháp hỗ trợ mà các doanh nghiệp bất động sản đang cần hiện nay.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), quý II/2021, cả nước có 69 dự án nhà ở thương mại được cấp phép, với 27.462 căn, chỉ bằng 73% so với quý I/2021 và bằng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến nay, TP. HCM đã trải qua hơn 2 tháng giãn cách xã hội. Trước đó, những sự kiện tập trung đông người như: hội nghị, hội thảo, vui chơi giải trí, thể thao… đã bị hạn chế. Điều đó có nghĩa là thị trường bất động sản đã chịu tác động mạnh từ giữa quý II/2021. Biểu hiện cụ thể là các hoạt động tiếp thị, bán hàng gần như ngừng hẳn, không có dự án mới được đưa ra, giao dịch trên thị trường gần như chỉ được thực hiện qua hình thức trực tuyến.
Từ cuối tuần đầu tiên của tháng 8, tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu được kiểm soát, với số lượng ca mắc mới đi ngang và giảm nhẹ, nhưng giãn cách xã hội có thể còn kéo dài.
Có ý kiến cho rằng dù hết sức nỗ lực nhưng quý IV, thị trường cũng khó có thể lấy lại được những mất mát trong quý II và quý III.
Theo đó, các khó khăn và thách thức đối với thị trường bất động sản vẫn còn có thể kéo dài. Một là các hoạt động sản xuất cần có thời gian để hồi phục do đó tăng trưởng GDP năm 2021 khó đạt như dự kiến (6,5 - 7%). Khi tăng trưởng kinh tế nói chung bị suy giảm, thị trường bất động sản sẽ tác động mạnh.
Hai là sức mua bị giảm sút do nhiều người bị thiệt hại về thu nhập, người có tiềm lực tài chính cũng sẽ có tâm lý thận trọng do thị trường thứ cấp hiện nay không tích cực.
Ba là áp lực về lạm phát cùng với giá vật liệu xây dựng đã tăng mạnh từ quý II/2021 cũng gây áp lực lên giá bất động sản. Trong khi đó, những chính sách ưu đãi về tài chính, vốn vay sẽ dành nhiều ưu tiên cho các lĩnh vực thiết yếu khác.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang đối diện những khó khăn về tài chính như: thu nhập, dòng tiền, các nghĩa vụ tài chính với nhà nước, đảm bảo công việc cho người lao động... Một số doanh nghiệp bất động sản phải cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên.
Nói với VietnamFinance, ông Lương Sĩ Khoa cho rằng mặc dù đã rất cố gắng đưa ra nhiều giải pháp để xoay xở giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát, nhưng hơn lúc nào hết, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước để có thể phục hồi và tăng tốc phát triển trở lại.
Ông Khoa chia sẻ, dịch Covid 19 đã có những tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Bất động sản là một hình thức kinh doanh có tính đặc thù khi giá trị sản phẩm lớn, lượng khách hàng có tính chọn lọc và có sự liên quan mật thiết đến các diễn biến của nền kinh tế chung.
Theo ông, việc phục hồi sau dịch Covid 19 không phải là một chặng đường ngắn, vì vậy Tập đoàn Nam Group cũng như các doanh nghiệp khác rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách từ nhà nước.
Ông Khoa đưa ra 3 đề xuất. Thứ nhất, TP. HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin toàn thành phố để tạo miễn dịch cộng đồng, đồng thời cân nhắc đưa ra các giải pháp về việc triển khai hoạt động trở lại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp chưa nằm trong nhóm “sản xuất thiết yếu”. Nguyên nhân là khi thời gian giãn cách kéo dài, áp lực về tài chính, nhân sự tăng lên, các doanh nghiệp sẽ càng khó xoay xở và khó có thể hồi phục.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn bao gồm các gói hỗ trợ về vốn vay, lãi suất và giãn thuế…. Điều này giúp doanh nghiệp cân đối được dòng tiền, giảm áp lực tài chính để nhanh chóng quay lại triển khai các hoạt động kinh doanh và phát triển sản phẩm.
Thứ ba, ngay trước khi dịch Covid 19 diễn ra, thị trường bất động sản cũng đã rơi vào một giai đoạn phát triển chậm hơn do các vướng mắc về mặt chính sách, pháp lý. Vì vậy, song song với việc hỗ trợ kinh tế, doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ về mặt thủ tục, pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ để các dự án sớm đạt các điều kiện mua bán theo quy định của nhà nước.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone