Tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam là không thể bàn cãi khi có quy mô dân số trên 92 triệu dân với 70% dân số đang trong độ tuổi 15 – 64; tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%.
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam gần đây chứng kiến thêm sự gia nhập của các nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn mua cổ phần của các công ty tài chính tại Việt Nam. Đơn cử như việc Lotte Card, thành viên Tập đoàn Lotte chi 1.700 tỷ đồng mua lại 100% bộ phận tài chính tiêu dùng TechcomFinance của Techcombank.
Shinhan Card đã bỏ 151 triệu USD mua lại Công ty tài chính Prudential Việt Nam (PVFC). Nhìn vào các công ty tài chính đang hoạt động cũng có sự tham gia của các cổ đông nước ngoài: 49% vốn HD Saison của HDBank thuộc về Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản), Tập đoàn Shinsei (Nhật Bản) giữ 49% cổ phần Mcredit (MB)...
Tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam là không thể bàn cãi khi có quy mô dân số trên 92 triệu dân với 70% dân số đang trong độ tuổi 15 – 64; tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%. Điều này là yếu tố thu hút các nhà đầu tư ngoại rót vốn vào thị trường này ở Việt Nam. Đặc biệt là các nhà đầu tư ở khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... khi xét ở một chừng mực nào đó, họ có những hiểu biết nhất định về văn hoá tiêu dùng của Việt Nam.
Trao đổi với một chuyên gia tài chính, vị này cho biết việc một số nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ hoặc một phần cổ phần tại các công ty tài chính sẽ giúp tăng nguồn lực tài chính cho thị trường Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
LS. Trương Thanh Đức – Công ty Luật BASICO, chia sẻ so với ngân hàng thương mại, công ty tài chính bị hạn chế một số dịch vụ và điều kiện nên phải cạnh tranh với NHTM khốc liệt hơn. Ngoài ra, công ty tài chính còn gặp khó về nguồn vốn huy động. Trong khi theo Thông tư 16/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn áp cho TCTD phi ngân hàng là 90%.
Việc quy định tỷ lệ an toàn vốn của các định chế tài chính phi ngân hàng cũng đòi hỏi các công ty tài chính cần huy động nhiều hơn nguồn vốn trung và dài hạn khi mà không ít các khoản cho vay tiêu dùng như cho vay mua, sửa chữa nhà ở… có thời hạn khá dài.
“Quy định áp tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn phần nào khuyến khích các nhà đầu tư ngoại rót vốn vào Việt Nam, bởi khi đó vốn của họ sẽ trở thành vốn dài hạn, từ đó có thể giúp cho các công ty tài chính đáp ứng được quy định của NHNN”, vị chuyên gia này cho biết.
TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho hay, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam tiềm năng có, song thực tế tín dụng tiêu dùng vẫn chưa thật sự phát triển. Một trong những nguyên do lý giải cho việc tín dụng tiêu dùng còn ít nằm ở việc hệ thống các TCTD đang phải tái cơ cấu.
Bởi vậy, việc các nhà đầu tư ngoại bước chân vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ phần nào thúc đẩy tái cơ cấu được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Một điểm cần lưu ý là phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ là trợ lực để đẩy lùi tín dụng đen - loại tín dụng gây ra thiệt hại, rủi ro lớn cho người dân. Việc các đối tác ngoại đầu tư vào Việt Nam để phát triển tín dụng tiêu dùng là điều tốt cho người dân, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.
“Trong giai đoạn CMCN 4.0, các tổ chức tài chính nước ngoài có những công cụ mà có thể tại Việt Nam chưa áp dụng hoặc có áp dụng nhưng chưa hoàn hảo. Những công ty nước ngoài sử dụng công nghệ đó từ lâu nên họ có thể giúp bổ sung những sản phẩm cho tài chính tiêu dùng tại Việt Nam”, một chuyên gia nêu ý kiến.
Tất nhiên điều gì cũng có hai mặt. Với sự tham gia ngày càng nhiều, cũng không loại trừ trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài có thể khống chế thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Song giới chuyên gia cũng nhận thấy, các nhà đầu tư nước ngoài luôn có sự thận trọng và xem xét kỹ lượng về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mới mẻ từ cơ cấu tổ chức, bản thân người tiêu dùng cũng chưa thật sự thân quen với các sản phẩm hiện đại về tài chính. Bởi thế, các nhà đầu tư ngoại khi bỏ vốn vào cũng có sự thận trọng nhất định.
“Hiện tại, các công ty tài chính thị phần cho vay so với tổng dư nợ nền kinh tế còn khiêm tốn. Các nhà đầu tư ngoại dù rất quan tâm nhưng nếu nói sẽ có sự bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực này thì cũng chưa thể nói trước”.
Thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, khách hàng cho vay tiêu dùng sẽ ngày càng mở rộng và số lượng khách hàng như nông dân, những người bình thường với kiến thức ít ỏi về pháp luật và tài chính, khiến cho hoạt động cho vay tiêu dùng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Điều này đòi hỏi pháp luật cần phải cẩn trọng hơn trong việc bảo vệ người đi vay và lợi ích chính đáng của người cho vay. Bản thân công ty tài chính cũng phải xác định khách hàng là mục tiêu, nhưng việc quản lý hiệu quả rủi ro tín dụng luôn phải “khắc cốt ghi tâm”, đảm bảo an toàn và tối đa hoá lợi ích cho các công ty trong dài hạn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone