'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Chen chân vào thị trường tài chính Việt
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TechcomBank) đã chính thức xác nhận thực hiện thương vụ chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ Thương (TechcomFinance) - hiện đang có giấy phép phát hành thẻ tín dụng tại Việt Nam - cho Lotte Card.
Trước đó, thông tin từ báo chí Hàn Quốc cho biết, Lotte Card Co., công ty con của Lotte Group đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để mua lại mảng kinh doanh phát hành thẻ tín dụng của Ngân hàng TechcomBank dưới hình thức mua 100% vốn của TechcomFinance với giá hàng chục triệu USD.
Nếu thương vụ thành công, Lotte Card sẽ là công ty thẻ tín dụng Hàn Quốc đầu tiên có giấy phép phát hành tín dụng tại Việt Nam. Thông qua TechcomFinance, công ty phát hành thẻ của Hàn Quốc có thể sẽ cung cấp dịch vụ phát hành thẻ, trả góp và cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết quý II năm nay, cả nước có 53 đơn vị phát hành thẻ với 121 triệu thẻ ngân hàng, doanh số hơn 242.000 tỷ đồng. Trong đó, thẻ nội địa chiếm 76,8% trong tổng lượng thẻ (cuối năm 2016 tỷ lệ này là 78,5%). Thị phần của thẻ quốc tế chiếm 23,2%, tăng so với mức 21,5% hồi cuối năm 2016.
Trong khi đó, thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam dù vẫn trong giai đoạn phát triển sơ khai, nhưng đã có những tổ chức ghi nhận khoản lợi nhuận béo bở từ đây.
Trong số các công ty tài chính cho vay tiêu dùng đang hoạt động trên thị trường Việt Nam hiện nay, FE Credit (trực thuộc VPBank), Home Credit Việt Nam (công ty tài chính 100% vốn nước ngoài trực thuộc Tập đoàn Home Credit) và HD Saison (thuộc HDBank, đối tác Nhật - Credit Saison nắm giữ 49% cổ phần) và Prudential được đánh giá là những công ty đang chi phối thị trường.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tính đến cuối năm 2016, dư nợ tiêu dùng đạt 646.000 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. VCSC dự báo, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019.
Bàn đạp Lotte Mart
Có mặt tại Việt Nam 10 năm nay, Lotte đang sở hữu 12 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ bánh kẹo (Bibica, Lotte Việt Nam), thức ăn nhanh (Lotteria), bán lẻ (Lotte Mart, Lotte Department Store), giải trí (Lotte Cinema), bất động sản (Lotte Hotel & Resorts), thương mại điện tử (Lotte.vn), công nghệ thông tin,... Trong đó, nổi bật nhất là sự hiện diện của hệ thống chuỗi trung tâm thương mại và siêu thị Lotte Mart.
Hãng tin của Hàn Quốc bình luận về động thái tăng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Hàn Quốc như Lotte Group rằng, Lotte đang gặp khó khăn tại Trung Quốc khi nhiều siêu thị của Lotte Mart bị đóng cửa sau những đòn trừng phạt về kinh tế của Trung Quốc đáp trả Hàn Quốc.
Và để bù đắp cho những nguy cơ và tổn thất đang tăng ở Trung Quốc, Lotte Group đã chuyển hướng tập trung từ Trung Quốc sang Việt Nam, quốc gia mà nhiều công ty Hàn Quốc đang trên đà tăng trưởng vững chắc và mong muốn mở rộng sự hiện diện.
Lotte Mart chỉ hoạt động 12 cửa hàng tại Trung Quốc sau khi 74 cửa hàng bị buộc đóng cửa và 14 cửa hàng khác tự nguyện ngừng hoạt động. Hiện, theo báo chí Hàn Quốc, công ty đang lên kế hoạch rút lui khỏi Trung Quốc và rao bán các cửa hàng tại đây.
Ở mảng bán lẻ, Lotte cũng gặp phải rào cản ở Hàn Quốc bởi một đạo luật ban hành năm 2012 buộc các thương hiệu lớn như Lotte Mart phải đóng cửa siêu thị ít nhất 2 lần mỗi tháng và không được mở cửa 24/24, nhằm tạo điều kiện cho các chuỗi bán lẻ với quy mô nhỏ hơn có thể cạnh tranh bình đẳng.
Vì vậy, thời gian qua, Lotte đã đẩy mạnh đầu tư sang các nước như Indonesia, Myanmar và Việt Nam.
Lotte Mart nhận được giấy phép đầu tư vào Việt Nam cuối năm 2006, hoạt động dưới hình thức liên doanh với Công ty Minh Vân để thành lập Công ty TNHH Trung tâm Lotte Shopping Việt Nam, theo tỷ lệ góp vốn 80:20 nghiêng về nhà đầu tư Hàn Quốc.
Đến năm 2011, Công ty mẹ Lotte Shopping (Hàn Quốc) đã nâng sở hữu tại Lotte Mart Việt Nam lên 94,55% và sang năm 2012 chính thức sở hữu 100%. Năm 2016, Lotte Mart đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần và tỷ lệ sở hữu là 99,99%.
Lotte đã đầu tư được 13 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam và có tham vọng mở 60 siêu thị vào năm 2020. Ảnh: Lotte Mart
Trong 4 năm gần đây, doanh thu của Lotte Mart tăng trưởng 1.000 tỷ mỗi năm, năm 2016 vượt mức 5.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù doanh thu tăng mạnh nhưng trong suốt 10 năm qua, Lotte Mart liên tục báo lỗ. Đỉnh điểm nhất là năm 2015 khi mức lỗ vượt 500 tỷ đồng. Sang năm 2016, Lotte lỗ tiếp khoảng 260 tỷ đồng.
Tổng cộng, sau 10 năm kinh doanh tại Việt Nam, Lotte lỗ lũy kế khoảng 2.000 tỷ đồng. Với kết quả này, "đại gia" bán lẻ lớn bậc nhất Hàn Quốc khiến nhiều người liên tưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều "đại gia" khác như Coca Cola, Pepsi, BigC, Metro Cash&Carry bị nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế tại Việt Nam khi không ngừng báo lỗ và liên tiếp mở rộng.
Theo báo cáo tài chính từ Công ty Lotte Shopping Hàn Quốc, tính đến 31/12/2016, Công ty Cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam có tổng tài sản khoảng 9.400 tỷ đồng, vốn điều lệ 3.934 tỷ đồng nhưng tổng vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 500 tỷ đồng, còn lại hơn 8.900 tỷ đồng là nợ phải trả.
Mặc dù thua lỗ triền miên, nợ gần ngưỡng chục nghìn tỷ nhưng Lotte Mart vẫn tiếp tục kế hoạch nhân rộng hệ thống tại Việt Nam.
Hiện Lotte đã đầu tư được 13 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam và có tham vọng mở 60 siêu thị vào năm 2020. Đại gia Hàn Quốc này cũng đang lên kế hoạch đầu tư quy mô lớn 330 tỷ won để phát triển cửa hàng Lotte tại Hà Nội trong thời gian tới.
Theo thông tin từ tập đoàn này, kể từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam, ước tính Lotte Mart đã chi ra hơn 400 triệu USD (tương đương trên 8.400 tỷ đồng) đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho 13 trung tâm thương mại và siêu thị thuộc hệ thống Lotte Mart.
Cũng theo tập đoàn, hệ thống Lotte Mart thu hút trung bình gần 80.000 lượt khách tham quan và mua sắm mỗi ngày (tương đương với hơn 30 triệu lượt khách/năm).
Trao đổi với Nhadautu.vn, TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, việc Lotte thu mua công ty tài chính của TechcomBank (TechcomFinance) là bước đi chiến lược của Lotte khi đánh giá thị trường bán lẻ và tài chính tiêu dùng tại Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển. Thương vụ này cũng khớp với nhu cầu của TechcomBank nhằm thoái vốn ra khỏi công ty tài chính để tập trung cho vay tiêu dùng thông qua mạng lưới ngân hàng thương mại.
"Lotte sẽ phát hành hai loại thẻ là thẻ tín dụng của Lotte và thẻ "store card" - cũng là thẻ bán hàng nhưng loại thẻ này cho phép mua bán chịu", ông Lực cho biết.
Theo ông Lực, đây cũng là xu hướng mà các hãng bán lẻ trên thế giới hiện nay như Amazon đã và đang làm thông qua việc mua lại các công ty tài chính tại các nước khác hoặc phát hành thẻ mua hàng cho phép mua bán chịu nhằm thúc đẩy bán hàng và tín dụng tiêu dùng.
TS Cấn Văn Lực đánh giá Lotte có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam, đặc biệt là mảng bán lẻ, cũng như kinh nghiệm phát hành thẻ tại các nước đang phát triển. "Họ cũng đang tận dụng lợi thế hội nhập, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do. Từ đầu năm tới nay, Hàn Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với hơn 23 tỷ USD, hơn cả nhập siêu từ Trung Quốc. Hàn Quốc cũng đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài số 1 tại Việt Nam".
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.