Diễn đàn VNF

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: 'Siêu Ủy ban thì vẫn là mô hình nhà nước quản doanh nghiệp'

(VNF) - Chuyên gia kinh tế cho rằng sự ra đời của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước vẫn không giải quyết tận gốc vấn đề bởi cuối cùng Nhà nước vẫn sở hữu DNNN.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: 'Siêu Ủy ban thì vẫn là mô hình nhà nước quản doanh nghiệp'

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giám đốc chương trình đạo tạo Đại học Fulright Việt Nam, vừa đưa ra một số nhận định xung quanh quyết định thành lập Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Trả lời Dân Việt, ông Tuấn nói:

"Có một thực tế, DNNN hiện đang tồn tại 3 trong 1 chức năng: đại diện sở hữu, quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp. Ba chức năng này cùng nằm trong một DNNN nhưng mâu thuẫn với nhau, dẫn tới tình trạng khuyến khích độc quyền, từ đó nuôi dưỡng yếu kém.

Về chức năng đại diện sở hữu, Nhà nước đại diện sở hữu trong DNNN, có vị trí đại diện sở hữu của Nhà nước như Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT. Thậm chí, Tổng giám đốc tập đoàn cũng do Nhà nước bổ nhiệm. Như vậy Nhà nước vừa nắm quyền sở hữu, vừa trực tiếp điều hành DN.

Ngoài ra, DNNN trực thuộc các Bộ, ngành trong khi Bộ, ngành lại thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong ngành, lĩnh vực được giao. Như vậy, dẫn tới mâu thuẫn là các DN này biến quy hoạch phát triển ngành thành chiến lược phát triển của DN.

Ví dụ, Bộ Công Thương phải hoạch định chính sách cho một ngành cụ thể là điện hay lọc hóa dầu… Song với vai trò của DNNN trong ngành do Bộ trực tiếp sở hữu và quản lý sẽ dẫn tới việc Bộ quy hoạch phát triển cho riêng DN của Bộ chứ không phải cho toàn ngành.

Khi xây dựng chính sách cho ngành điện, lọc hóa dầu… Thường là chính sách do các DNNN soạn, hoặc có vai trò quyết định của họ. Khi để cho các DNNN soạn thảo, trình Bộ chủ quản, chắc chắn họ sẽ đưa vào đó những lợi ích của họ. Chính sách sau đó sẽ được trình lên Chính phủ, Chính phủ phê duyệt xong quay về thực hiện lại giao cho các tập đoàn, DNNN thực thi. Đó là mâu thuẫn.

Khi chúng ta quy hoạch chiến lược phát triển của một ngành thì kèm theo đó là huy động và phân bổ nguồn lực. Khi chiến lược phát triển ngành trở thành chiến lược phát triển của một DNNN thì hầu hết nguồn lực sẽ được giành cho DNNN đó. Điều này vô hình chung sẽ đẩy các DN tư nhân ra ngoài lề của các chiến lược phát triển đó.

Đây là lý do lớn nhất để Chính phủ thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Các DNNN đang nằm dưới sự quản lý của các Bộ, ngành sẽ thu về một đầu mối quản lý là Ủy ban. Ủy ban sẽ bóc, tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng sở hữu, quản lý DNNN.

Song tôi cho rằng sự ra đời của Ủy ban vẫn không giải quyết tận gốc vấn đề bởi cuối cùng Nhà nước vẫn sở hữu DNNN. Thay vì thuộc Bộ quản lý thì giờ là "Siêu ủy ban", tình trạng 3 trong 1 chuyển thành 2 trong 1, vẫn duy trì chức năng sở hữu Nhà nước và quản trị DN.

Ngoài ra, vẫn còn một chức năng mờ khác là quản lý ngành. Vì trong đại diện của Ủy ban vẫn còn đại diện của các Bộ, ngành trong đó.

Một vấn đề là chúng ta chưa nhận diện địa vị pháp lý của Ủy ban. Nó sẽ là một cơ quan ngang Bộ hay nằm dưới Bộ? Nếu Ủy ban nằm dưới Bộ, thì Bộ khác có thể tác động lên nó. Ngược lại, nếu Ủy ban là một cơ quan ngang Bộ, nghĩa là chúng ta lại "đẻ" thêm một Bộ khác trong khi đang cần tinh giản biên chế. Ngoài ra, Ủy ban không thể nằm trên Bộ được bởi không một thể chế nào cho phép như vậy.

Một cách khác là chuyển bớt các Cục, Vụ có chức năng quản lý vốn, tài sản tại DNNN sang Ủy ban. Nhưng làm như vậy thì vẫn là con người cũ, bộ máy cũ, tư duy cũ".

Tin mới lên