Tỷ phú Trịnh Văn Quyết: ‘Ám ảnh lớn nhất của người kinh doanh là giấy phép’

Lê Nguyễn - 12/10/2017 13:45 (GMT+7)

(VNF) – "Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất với người làm kinh doanh như chúng tôi là giấy phép", ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC chia sẻ.

VNF
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC

Lấy dẫn chứng cho nhận định trên, ông Trịnh Văn Quyết cho biết chỉ riêng dự án FLC Sầm Sơn đã cần tối thiểu hàng chục giấy phép con. "Chưa nói đến việc không ít trong số đó liệu có thực sự hợp lý và cần thiết, nhưng chỉ riêng khối lượng công sức và quỹ thời gian có thể lên tới hàng năm trời để hoàn thành bằng đó thủ tục hành chính, chắc chắn đã đủ sức làm nản lòng cả doanh nghiệp và địa phương đón nhận dự án", ông nói.

Ông Quyết cho rằng trong kinh doanh, thời gian cũng chính là vốn và cơ hội. Điều còn đúng trong năm ngoái, không chắc năm nay còn đúng nữa. Với không ít trường hợp, "vượt rào" trở thành một lựa chọn cực chẳng đã trước những hàng rào tầng tầng lớp lớp, khi mà phía sau mỗi doanh nghiệp và địa phương còn là số phận hàng nghìn người lao động và những người thân của họ.

"Trước những động thái cắt bỏ giấy phép con quyết liệt gần đây của Thủ tướng và Chính phủ, như nhiều doanh nhân khác, cá nhân tôi rất vui mừng và hy vọng. Mong sao môi trường kinh doanh của chúng ta sẽ ngày càng bớt đi nỗi ám ảnh về những hàng rào được áp đặt bất hợp lý mà muốn đi qua, đôi khi các doanh nghiệp chỉ còn cách ‘vượt’", ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ.

Dự án FLC Sầm Sơn của Tập đoàn FLC tại Thanh Hóa

Trước đó, ông Trịnh Văn Quyết đã có những nhận định về công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ hiện nay. Theo ông, đây là động thái rất tích cực của Chính phủ và được cả xã hội hưởng ứng, đồng thuận. "Có thể nói, việc cắt giảm giấy phép con là bước đầu, cần làm trước để tạo ‘đường thông, hè thoáng’, loại bỏ bớt ma sát đối với nền kinh tế".

Bình luận về hệ thống giấy phép hiện nay, ông Quyết cho rằng hệ thống văn bản pháp quy tầm cao (như hệ thống luật) được đánh giá là khá tiến bộ, đã tiệm cận quy chuẩn, thông lệ của các nước phát triển. Nhưng trong quá trình cụ thể hóa, đôi khi lại bị các cơ quan hành pháp vận dụng một cách… linh hoạt thành các thủ tục rườm rà, không cần thiết, thậm chí vô lý.

"Các quy trình hành pháp bất hợp lý cũng có thể xem là một dạng chi phí vô hình. Chúng làm tiêu hao cả vật chất, thời gian và cả động lực tinh thần của doanh nghiệp, nhưng lại hầu như không được hạch toán trên sổ sách, không được tính là chi phí hợp lý và gây ảnh hưởng đến những cố gắng minh bạch của doanh nghiệp.

"Đối với FLC hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác, càng phát triển, càng mở rộng phạm vi hoạt động thì doanh nghiệp càng đụng phải nhiều giấy phép con, đủ thể loại. Nhưng nhiều trong số những giấy phép con này, cùng với quy trình thông qua chúng mất rất nhiều thời gian và công sức, chính là một loại rủi ro có thể gây thiệt hại vô cùng lớn", ông Quyết nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác