Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.
- Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với nền kinh tế. Dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh song Việt Nam vẫn là quốc gia hiếm hoi có tăng trưởng dương trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Theo ông, đâu là những động lực quan trọng giúp Việt Nam tạo nên sức bật?
PGS.TS. Vũ Minh Khương: Khi nói về thành công của một quốc gia, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn, người ta luôn nhìn vào ba trụ cột nền tảng của phát triển. Đó là xúc cảm dân tộc, tư duy khai sáng và năng lực kiến tạo.
Phải nói rằng, năm 2020 Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trên cả ba động lực này. Về xúc cảm dân tộc, chúng ta không chỉ thể hiện cao độ sức gắn kết và ý thức cao của toàn xã hội trong chống đại dịch mà còn biến tầm nhìn Việt Nam 2045 trở thành một động lực đổi mới mạnh mẽ chưa từng có.
Về tư duy khai sáng, Việt Nam đang đi ở hàng đầu với tốc độ nhanh trong hội nhập quốc tế và vươn lên trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, việc hoàn tất hàng loạt hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA và việc đưa các quyết sách (Nghị quyết số 52-NQ/TW và Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) về nắm bắt nắm bắt cuộc cách mạng số thể hiện một tư duy khai sáng có tầm thời đại.
Về năng lực kiến tạo, Việt Nam đang có những bước tiến ấn tượng, đặc biệt trong kiểm soát tham nhũng, hỗ trợ kinh tế tư nhân và đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, trong động lực này, Việt Nam còn phải phấn đấu nhiều mới có thể làm nên một công cuộc phát triển thần kỳ.
- Nhìn lại năm vừa qua, còn điều gì khiến ông thấy vẫn còn trăn trở. Đâu là những nút thắt chưa được gỡ mà chúng ta cần chú ý khi nhìn lại nền kinh tế năm 2020?
Thành công của Việt Nam trong năm 2020 vừa qua là một sự tỏa sáng về tố chất phát triển của dân tộc. Tuy nhiên phải nhấn mạnh, nó chưa đủ đảm bảo là đất nước có thể tiến lên vượt bậc trong chặng đường phía trước nếu chúng ta không có những nỗ lực đặc biệt trong phát huy cao độ cả ba động lực - xúc cảm, khai sáng và kiến tạo - như đã nói ở trên.
Trong đó, nút thắt lớn nhất của chúng ta nằm ở năng lực kiến tạo. Chìa khóa để gỡ nút thắt này là xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú, trong đó cải cách trên cả ba lĩnh vực, thể chế, tổ chức và nguồn nhân lực.
Về thể chế, cần tiếp tục thiết kế lại bộ máy chính phủ theo mô hình tổng lực và khai thác tối đa lợi ích của công nghệ số hiện nay, nâng cao tính minh bạch, khả năng phối thuộc mạch lạc của cả hệ thống chính trị.
Về tổ chức, cần tạo cơ chế để mỗi công chức đều "dốc lòng" phục sự người dân và doanh nghiệp, không chỉ vì ý thức trách nhiệm mà còn vì niềm tin là công lao của họ sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.
Về nguồn nhân lực, cần chú trọng tuyển chọn cán bộ với chú trọng vào năng lực thực chất thay vì bằng cấp. Tôi thấy ta nên tham khảo 4 tiêu chí mà Singapore sử dụng trong tuyển chọn cán bộ.
Đó là, tầm nhìn toàn cục (tư duy chiến lược), khát khao lập công, khả năng sáng tạo và tư duy thực tế.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần hiểu rõ là xúc cảm thái quá có thể làm suy yếu tính khai sáng. Khi đó, một vài thắng lợi ban đầu dễ tạo nên ảo tưởng và điểm mù chiến lược. Nó làm mất đi sự sáng suốt cần có, nhất là khi tình thế ngày càng trở nên phức tạp và biến động khôn lường.
- Nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,8 - 7% năm 2021, thậm chí có thể hơn. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Theo tôi, dự báo này hơi lạc quan. Để có dự báo thực tế hơn ta nhìn vào tăng trưởng năm 2019 và 2020 để hiểu thêm đâu sẽ là khó khăn và thuận lợi cho tăng trưởng của năm 2021.
"Chúng ta cũng phải tính tới các diễn biến mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung và sự vượt lên của các quốc gia sau khi vượt ra khỏi khủng hoảng"
Năm 2019, chúng ta tăng trưởng 7,02% năm 2019, trong đó nông nghiệp tăng trưởng 2,01%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%, và dịch vụ tăng 7,3%.
Năm 2020, chúng ta đạt tăng trưởng 2,91%, trong đó tăng trưởng của ba ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, và dịch vụ tương ứng là 2,68%, 3,98%,và 2,34%.
Vì diễn biến của bệnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp ít nhất đến hết tháng 6 năm 2021, tôi nghĩ ngành dịch vụ của Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là du lịch, ăn uống và hàng không trong khi ngành này chiếm tỷ trọng trên 40% trong kinh tế Việt Nam.
Tôi thấy có khả năng cao là tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 5-6%, trong đó tăng trưởng của ba ngành sẽ tương ứng trong khoảng 2,5-2,8% cho nông nghiệp, 6-9% cho công nghiệp - xây dựng, và 4-5% cho dịch vụ.
Chưa kể, chúng ta cũng phải tính tới các diễn biến mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung và sự vượt lên của các quốc gia sau khi vượt ra khỏi khủng hoảng.
Nếu Việt Nam không có những cải cách liên tục ngày càng mạnh mẽ thì dòng đầu tư vào Việt Nam không hẳn sẽ tăng mạnh trong các năm tới.
- Ông có nhận định một loạt thách thức nêu trên. Vậy thưa ông, đâu là động lực chính để nền kinh tế Việt Nam có thể thúc đẩy trong năm mới?
Như tôi nói ở trên, tiềm năng lớn nhất mà Việt Nam còn chưa khai thác mạnh mẽ là sức mạnh của động lực kiến tạo.
Nó đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú ở các cấp chính quyền; đồng thời các doanh nghiệp cũng phải đưa ra chiến lược phát triển dựa hẳn vào nỗ lực đổi mới sáng tạo và nâng cấp hiệu lực quản trị và tổ chức doanh nghiệp.
Trong toàn bộ quá trình này, chuyển đổi số, hội nhập sâu, và học hỏi kinh nghiệm quốc tế cần là các bước đi ưu tiên mạnh mẽ, hàng đầu.
Về xây dựng bộ máy chính quyền ưu tú, chúng ta mới đang trong giai đoạn cố gắng giảm "nhũng nhiễu, làm phiền". Nhưng cái cần phấn đấu là một mốc cao mới hơn, đó là sự yểm trợ. Xây dựng yếu tố này thành ưu tiên chiến lược.
Về hội nhập quốc tế, chúng ta cần là phải đi vào chiều sâu, tức là thay vì đẩy mạnh số lượng thì tạo giá trị tăng thêm. Chúng ta xuất khẩu 100 USD, trước kia thu được 15 USD thì nay phải làm sao thu được 30 USD.
Đây là cách ưu việt không chỉ để tăng chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh mà còn tránh nguy cơ tăng thặng dư thương mại quá cao với Mỹ và EU trong thời gian tới.
- Ông vừa nhắc tới đổi mới sáng tạo. Vậy ông đánh giá thế nào về những nỗ lực trong việc đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam thời gian qua? Vấn đề này nên được định hướng thế nào trong thời gian tới?
Việt Nam đang có những bước tiến lớn về tầm nhìn, trong đó, chương trình thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo mới được thông qua là một bước đi sáng suốt. Tuy nhiên, việc thiết kế và thực thi chương trình này không hề đơn giản.
Trong công cuộc phát triển, làm sao để nạn "chạy chọt" và "chụp giật" không còn là hiện tượng phổ biến trong xã hội là bài toán đặt ra...
Để thực hiện, nó đòi hỏi không chỉ đơn giản là sự quyết tâm mà cả khả năng kiến tạo. Nó càng không phải là vấn đề chúng ta có thể chi bao nhiêu mà vấn đề là làm cách nào để văn hóa sáng tạo trở thành một bộ phận cấu thành trong nỗ lực vươn lên của Việt Nam, từ trung ương đến địa phương, từ chính phủ đến doanh nghiệp…
Văn hóa sáng tạo đòi hỏi sự hình thành của ba đặc trưng lớn. Thứ nhất, đó là sự lựa chọn thôi thúc của doanh nghiệp và cá nhân trong nỗ lực vươn lên.
Làm sao để nạn "chạy chọt" và "chụp giật" không còn là hiện tượng phổ biến trong xã hội.
Thứ hai, đó là sự yểm trợ mạnh mẽ và hiệu quả của nhà nước và xã hội với nỗ lực đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, đó là sự tưởng thưởng xứng đáng cho thành quả đạt được từ đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn, phần lợi nhuận gia tăng từ đổi mới sáng tạo được giảm thuế theo một cơ chế khuyến khích đặc biệt.
Loạt thách thức trong năm 2021 Việt Nam cần lưu ý
- Những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2021 là gì theo quan sát của ông?
Có một số thách thức lớn mà Việt Nam cần đặc biệt lưu ý.
Thứ nhất, rủi ro đại dịch Covid-19 còn tiếp tục trong năm 2021 là không nhỏ. Trong kịch bản xấu này, báo cáo của Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng Việt Nam đạt 4,5% cho năm 2021.
Thứ hai, xu thế tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu không nhất thiết mang lại đầu tư lớn cho Việt Nam nếu Việt Nam không có cải cách đột phá.
Thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ (56 tỷ USD năm 2019) và EU (23 tỷ USD) cùng với chi phí lao động tăng nhanh và điều kiện hạ tầng còn nhiều hạn chế là những rào cản lớn cho nỗ lực thu hút đầu tư mới của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ấn Độ và Indonesia cũng đang triển khai những nỗ lực mạnh mẽ thu hút các nguồn đầu tư chuyển dịch này. Môi trường quốc tế nhiều thách thức bởi sau khủng hoảng, đại dịch, các quốc gia đều có những nỗ lực chưa từng có, cạnh tranh cao hơn rất nhiều.
Thứ ba, tỷ trọng giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu của Việt Nam còn rất thấp. Vì vậy, cho dù bối cảnh thuận lợi thế nào, nếu không chuyển mạnh về chất, Việt Nam khó đạt mức tăng trưởng cao (thường trên 8%) mà các nền kinh tế thần kỳ Đông Á đã đạt được trong giai đoạn cất cánh của họ.
Nếu chỉ dựa vào FDI sẽ rất khó khăn, Việt Nam cần dốc lực để đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, làm sao để xuất khẩu hàng hóa có giá trị tăng cao hơn chứ không phải đơn thuần xuất khẩu số lượng ngày càng nhiều hơn.
- Năm 2021, có lo ngại về bong bóng tài sản khi vốn ồ ạt đổ vào chứng khoán, bất động sản trong bối cảnh lãi suất thấp, các ngành kinh tế gặp nhiều khó khăn không thưa ông?
Việc tiền rót mạnh vào chứng khoán, một mặt tích cực nhìn thấy đó là niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, vào nền kinh tế, xa hơn là tương lai sáng của Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hút được nguồn vốn lớn, đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Song nhìn ở góc độ tiêu cực, đầu tư ồ ạt trong ngắn hạn sẽ có những điều chỉnh, nhà đầu tư dễ nhận cú sốc. Đặc biệt với những người vay ngân hàng thì càng nguy hiểm.
Thông thường đầu tư chứng khoán cũng phải tính dài hạn, nhìn vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp mà nhà đầu tư tâm đắc, kỳ vọng; còn đầu tư lướt sóng thì chứa đựng rất nhiều rủi ro.
Kinh nghiệm thị trường chứng khoán ở nhiều nước cho thấy, mặc dù xu thế đi lên trong dài hạn là rõ ràng; khả năng sụt giảm 20-30% là luôn luôn hiện hữu, nhất là khi thế giới sẽ còn trải qua nhiều biến động khôn lường trong thời gian tới.
Còn về bất động sản, sức mua sẽ tiếp tục tăng thêm khi kinh tế Việt Nam đi lên mạnh mẽ và hạ tầng của các thành phố lớn được nâng cấp vượt bậc trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc đầu tư để đầu cơ cần hết sức cẩn trọng. Sớm muộn Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách cần thiết để buộc mọi đầu tư đều phải góp phần làm tăng năng suất tài nguyên. Khi đó, đầu tư tạo giá trị thì hưởng lợi chứ đầu tư để đầu cơ sẽ rủi ro cao hơn và lợi nhuận thấp hơn.
- Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.