Bộ trưởng Nông nghiệp: ‘Cần liên kết 8,6 triệu nông dân với 5 vạn hợp tác xã và 1 vạn doanh nghiệp’

Tào Minh - 05/03/2019 13:41 (GMT+7)

(VNF) – Bên lề diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam 2019”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời báo chí về các trọng tâm của ngành nông nghiệp cũng như giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

VNF
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

- Xin Bộ trưởng cho biết trọng tâm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản năm nay là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta biết rằng sau quá trình đổi mới, nhất là sau mốc 2018, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam không những đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn tạo ra khối lượng sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị hơn 40 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đây là bước tiến lớn của sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên trong năm 2019 và trong giai đoạn tới, hành trình đưa nông sản Việt Nam vào sâu hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức lớn.

Một là tổ chức lại nền sản xuất. Chúng ta đều biết nền sản xuất nông nghiệp hiện nay dựa trên các hộ nhỏ lẻ với 8,6 triệu dân. Chúng ta cần chuyển nền sản xuất nhỏ lẻ đó thành một nền nông nghiệp tập trung, hướng đến hàng hóa và có quản trị.

Hai là tổ chức nền sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Ta phải có giải pháp tổng thể với phương châm biến bất lợi thành lợi thế.

Ba là hội nhập sâu rộng hơn thì tính cạnh tranh cũng quyết liệt hơn. GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện mới là 2.570 USD, thấp hơn nhiều so với các nước có tiềm năng lớn và thị trường rộng mở.

Nhất là kể từ sau năm 2008, các nước có xu hướng chung là ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp để làm điểm tựa an ninh chung. Chính vì thế khi Việt Nam xuất khẩu nông sản thì phải chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt trong thời kì đầu.

- Bộ trưởng có nói trong diễn đàn rằng câu chuyện thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản phải chuyện riêng của ngành nông nghiệp hay công thương?

Đúng vậy. Câu chuyện phát triển nông nghiêp không phải chỉ là chuyện riêng của 2 bộ Nông nghiệp – Công nghiệp. Đây là sự tái cơ cấu 1 lĩnh vực, một mảng quan trọng của nền kinh tế. Do đó, việc này đòi hỏi sự vào cuộc của cả 3 trục: khu vực công, khu vực doanh nghiệp và người dân.

Với khu vực công, yêu cầu là tiếp tục hoàn thiện thể chế để làm sao có điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh.

Với các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, có thể nói rằng trong hội nhập, trong tổ chức sản xuất hàng hóa nếu không có doanh nghiệp thì không có thành công.

Doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi liên kết. Chúng ta có 1 vạn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trong khu vực nông nghiệp và 4,9 vạn doanh nghiệp chế biến tham gia trong các phân khúc khác nhau. Đây là thành tố tốt để phát triển nhiều hợp tác xã trong chương trình phát triển 5 vạn hợp tác xã, từ đó hình thành chuỗi liên kết giữa 8,6 triệu nông dân với 5 vạn hợp tác xã và 1 vạn doanh nghiệp.

Trục cuối cùng là người dân. Người dân không thể đứng đơn lẻ được vì đơn lẻ thì không sản xuất hàng hóa, hội nhập được. Anh phải tuân thủ và tuân thủ bằng sự liên kết của chính mình, ví như vào hợp tác xã hoặc tự khởi nghiệp. Nhiều em sau tốt nghiệp đại học đã trở về để sản xuất nông nghiệp nhưng ở tâm thế mới, tôi rất hoan nghênh điều đó.

- Tại sao ông luôn nhấn mạnh đến thị trường trong nước?

Chúng ta biết rằng mục tiêu của phát triển kinh tế là phục vụ người dân. Nước ta có 100 triệu dân thì trước tiên anh phải chăm lo đời sống người dân nước mình. Xuất khẩu suy cho cùng cũng là giải pháp lấy lợi nhuận phục vụ đời sống nhân dân.

Do đó, trước hết anh phải phục vụ thị trường này, Đây không chỉ là đích hướng đến mà còn là động lực rất lớn. Xu hướng của các nền kinh tế phát triển đều lấy nội nhu làm trọng.

Rồi đây, xu hướng chung là nhiều biến cố hơn, các biến cố cũng khó dự đoán hơn, vì thế anh phải lấy thị trường nội địa làm nền tảng rồi mới mở ra các thị trường khác được. Đây là động lực để phát triển nền nông nghiệp bền vững

- Ông nói gì về những yếu kém trong xây dựng thương hiệu nông sản?

Chuyện này không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng vậy, Muốn xây dựng thương hiệu thì đòi hỏi quá trình. Hiện nay cả Chính phủ, các địa hương, hiệp hội, người nông dân đều quyết tâm xây dựng thương hiệu. Ta tiến từng bước một, ta sẽ có những nông sản đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là công việc cần sự đồng bộ và rất gian khổ, nhất là khi nền nông nghiệp của Việt Nam lại dựa vào các hộ nhỏ lẻ như hiện nay.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Cùng chuyên mục
Tin khác