'Cần hạ bậc thuế thu nhập cá nhân'
(VNF) - Bên cạnh các ý kiến nhấn mạnh mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời, nhiều quan điểm đánh giá quy định về các bậc thuế cũng đang quá gần nhau, đẩy gánh nặng đóng thuế lên vai những người làm công ăn lương.
Vì thế, khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, việc giảm bớt bậc thuế cũng được đánh giá là "mũi tên trúng nhiều đích" khi vừa giúp kỹ thuật tính toán đơn giản hơn với cơ quan thuế, vừa giảm bớt gánh nặng thuế với người thu nhập ở tốp dưới. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Áp lực dồn vào nhóm có thu nhập phía dưới
Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC thì biểu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công hiện hành có 7 bậc, thấp nhất là 5% và cao nhất đến 35%. Cụ thể: bậc 1 từ 0 - 5 triệu đồng/tháng có thuế suất 0,5%; bậc 2 từ 5 - 10 triệu đồng/tháng có thuế suất 10%; bậc 3 từ 10 - 18 triệu đồng/tháng có thuế suất 15%; bậc 4 từ 18 - 32 triệu đồng/tháng có thuế suất 20%; bậc 5 từ 32 - 52 triệu đồng/tháng có thuế suất 25%; bậc 6 từ 52 - 80 triệu đồng/tháng có thuế suất 30%; bậc 7 trên 80 triệu đồng/tháng có thuế suất 35%.
Bình luận về cách tính này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cho rằng thu nhập tính thuế của bậc thứ nhất là đến 5 triệu đồng trong khi chênh lệch ở thu nhập tính thuế từ bậc thứ 4 lên tới hàng chục triệu đồng. Đây chính là bất cập khiến cho áp lực thuế vô tình dồn vào nhóm thu nhập phía dưới. Vì vậy, việc giãn khoảng cách giữa các bậc thuế là cần thiết để đạt được sự đồng thuận từ phía người nộp thuế.
Bên cạnh đó, theo ông Hà, số lượng bậc thuế hiện tại lên đến con số 7 là quá nhiều. Điều này tạo ra sự phức tạp và khó khăn trong tính toán không chỉ đối với người nộp thuế mà còn với cơ quan thuế. Do đó, ông Hà đề xuất rút ngắn chỉ còn 4-5 bậc thuế, giúp kỹ thuật tính toán đơn giản hơn với cơ quan thuế, vừa giảm bớt gánh nặng thuế với người thu nhập ở mức trung bình, thấp. Việc này sẽ tạo ra một hệ thống thuế linh hoạt hơn, dễ quản lý và minh bạch hơn, giúp tối ưu hóa hiệu suất thuế và đồng thời thúc đẩy sự công bằng trong phân phối thu nhập.
Cũng bình luận về các bậc tính thuế thu nhập cá nhân, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng: Việc quy định 7 bậc thuế hiện nay tưởng rằng cụ thể nhưng khi thực hiện lại quá rườm rà, phức tạp. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét giảm bớt số bậc thuế và nới lỏng khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế. Dựa trên nghiên cứu biểu thuế của các nước, Việt Nam nên xem xét điều chỉnh còn 3 bậc thuế.
“Việc giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp cho việc kê khai, thu nộp và quản lý thuế được dễ dàng hơn. Đồng thời, với việc điều chỉnh số bậc thuế thì việc giãn khoảng cách thu nhập giữa các bậc sẽ đảm bảo tính công bằng trong điều tiết thu nhập của luật”, luật sư Trương Thanh Đức cho hay.
Giãn các bậc thuế như thế nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng nên rút gọn biểu thuế, bởi 7 bậc là quá dày và gây khó hiểu cho người dân. Ông Thịnh kiến nghị, biểu thuế thu nhập cá nhân chỉ nên còn 3 bậc, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng, bậc trung bình từ trên 30 triệu đồng/tháng đến 100 triệu đồng/tháng, và bậc cao từ 100 triệu đồng/tháng trở lên. Về thuế suất, bậc thấp chỉ nên thu thuế ở mức 2% thay vì 5% như hiện nay, bậc trung bình thuế suất tính 10% và bậc cao thuế suất tính 20%.
“Thông thường các nước quy định giữa các bậc thuế thường có khoảng cách lớn. Ngoài ra, mức thuế suất cao nhất hiện nay của Việt Nam là 35%, khá cao, làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao làm việc...”, ông Thịnh nói.
Khẳng định quan điểm giãn bậc thuế là cần thiết, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng cần thực hiện việc giãn khoảng cách ở bậc 1 và bậc 2 với sự mở rộng đáng kể, nhằm giảm áp lực tài chính đối với nhóm có thu nhập trung bình. Đồng thời, việc thu hẹp khoảng cách ở các bậc thuế cao sẽ khuyến khích đóng góp lớn hơn từ phía đối tượng có thu nhập cao, từ đó thực hiện một chính sách phân phối thu nhập có hiệu quả.
Cũng góp ý về vấn đề này, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cũng nhấn mạnh việc giảm bậc thuế sẽ giúp giảm gánh nặng nộp thuế cho dân. Quy định biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến với bảy bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế là quá dày, cộng với thuế suất cao đã tạo ra gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế. Bởi vì hiện nay có nghịch lý là lương của người lao động chỉ cần tăng vài trăm ngàn đồng mỗi tháng là dễ bị rơi vào bậc thuế cao hơn.
“Vì vậy theo tôi, cần giãn khoảng cách giữa các bậc thuế nhiều hơn nữa từ bảy bậc xuống còn 3 - 4 bậc. Làm được như vậy sẽ tránh được chuyện khoảng cách giữa các bậc quá hẹp, dẫn đến thu nhập của người dân vừa tăng một chút đã phải chịu bậc thuế cao hơn, làm tăng số thuế phải nộp”, ông Xoa nói.
Theo ông Xoa, có thể chia làm bốn bậc thuế với phần thu nhập tính thuế được nâng lên, giãn rộng hơn. Ví dụ, bậc 1 với thuế suất 5% cho phần thu nhập tính thuế dưới 20 triệu đồng/tháng; bậc 2 có thuế suất 10% đối với thu nhập tính thuế 20-50 triệu đồng/tháng… Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cần tăng lên 18-20 triệu đồng/người/tháng ngay trong năm nay vì hiện nay chi phí ở các thành phố đều tăng cao, đắt đỏ.
“Tóm lại, tôi cho rằng Luật Thuế thu nhập cá nhân hoàn toàn có thể đẩy nhanh tiến độ sửa đổi những quy định bất cập, lạc hậu và ban hành sớm gỡ khó cho người dân như chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Xoa nói.
Cũng theo ông Xoa, Bộ Tài chính cần điều chỉnh ngay mức thu nhập vãng lai tăng từ 2 triệu đồng/lần lên 5 triệu đồng/lần trở lên vì quy định này nằm ở thông tư mà Bộ Tài chính quy định, không phải nằm trong Luật Thuế Thu nhập cá nhân đang chờ sửa đổi, bổ sung. Việc tăng mức thu nhập vãng lai nhằm tránh trường hợp người có thu nhập thấp bị thu thuế, cuối năm phải đi hoàn thuế thu nhập cá nhân, vừa mất thời gian của người lao động và giảm áp lực cả cơ quan thuế.
“Thu nhập vãng lai 2 triệu đồng bị khấu trừ thuế 10% được áp dụng từ năm 2013, đến năm 2017, Bộ Tài chính có đề xuất tăng lên 5 triệu đồng. Thế nhưng đến nay mức thu nhập khấu trừ thuế này vẫn không được điều chỉnh, dẫn đến tình trạng người nộp thuế đóng dư, bị giữ cả năm; cơ quan thuế quá tải, chi phí vận hành giải quyết hoàn thuế cũng tăng lên”, ông Xoa nhấn mạnh.
Thuế thu nhập cá nhân và việc thu hút nhân lực chất lượng cao
- Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Những câu chuyện từ chi tiêu thực tế 07/05/2024 08:00
- Giảm trừ gia cảnh liệu đã đủ sống? 06/05/2024 08:00
- 'Cần tính giảm trừ gia cảnh theo xu hướng phát triển' 08/05/2024 08:00
- Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: 'Cân nhắc thêm các hình thức giảm trừ' 05/03/2024 11:39
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.