Chuyên gia hiến kế giúp PVN ‘lấy lại phong độ’

Minh An - 12/12/2019 18:46 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù đã có những giai đoạn ngành dầu khí Việt Nam, mà cụ thể là PVN, phát triển rực rỡ (như đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế) nhưng đó đã là dĩ vãng. Hiện, PVN đang đối diện với nhiều thách thức, từ cả nội tại và khách quan.

VNF

“Theo dõi ngành dầu khí và làm Luật Dầu khí từ 1993, có thể thấy ngành dầu khí từng có một thời kỳ rực rỡ. Khi khai thác được thùng dầu thô đầu tiên vào năm 1986, Quốc hội đã rất xúc động và tự hào. Sau đó là thời kỳ ngành dầu khí phát triển rực rỡ, có lúc đóng góp vào ngân sách lên đến 55%”, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại toạ đàm “Củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết, sau này, ngành dầu khí đã phải đối mặt với những khó khăn, khi thăm dò, khai thác ngày càng khó khăn hơn, phải đi vào những vùng biển sâu hơn và nhiều những vấn đề nhạy cảm trên biển Đông.

Ngoài những khó khăn khách quan, trong nhiều năm qua, PVN còn phải đối mặt với những thách thức nội tại, đặc biệt trong giai đoạn 2015 – 2017 – mà chính ông Nguyễn Trung Dũng, thành viên HĐTV PVN gọi đó là “khoảng lặng”. Đây chính là giai đoạn mà ngành dầu khí xảy ra nhiều đại án.

“Khoảng lặng giai đoạn 2015 - 2017 đã ảnh hưởng không ít tới hình ảnh, uy tín và thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí và một số đơn vị thành viên”, ông Nguyễn Trung Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, PVN còn gặp phải trở ngại không nhỏ do là “doanh nghiệp nhà nước”. Theo ông Thành, lâu nay dư luận có một định kiến rằng đã là doanh nghiệp nhà nước thì không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Ông Võ Trí Thành đề xuất PVN nên xây dựng một biểu tượng mới có nét riêng để lấy lại lòng tin của khách hàng, có thể là tập đoàn xanh – tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Ở một góc độ khác, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ khuyến nghị PVN và các đơn vị thành viên chú trọng tới mối quan hệ giữa quản trị doanh nghiệp và thương hiệu.

 “Quản trị tốt sẽ nâng cao tính cạnh tranh của công ty, thương hiệu cũng tăng theo. Thêm nữa, quản trị công ty cũng quyết định chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, giúp huy động nguồn vốn với chi phí thấp hơn và thêm nữa là thu hút nhân tài”, ông Bằng cho hay.

Ông Vũ Bằng cho rằng các lãnh đạo đơn vụ thuộc PVN cần có nhận thức và hiểu biết về quản trị công ty, trong đó có quản trị thương hiệu và quan trọng nhất là sự quan tâm và quyết định của ban lãnh đạo.

Nguyên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng khuyến nghị PVN tăng cường sự minh bạch. Theo ông Bằng, khi tạo được sự minh bạch, thị trường sẽ hiểu doanh nghiệp hơn và khi có sự cố thì doanh nghiệp có thể vượt qua.

“Cuối cùng, dưới góc độ nhà nước, cần phải có hoạt động giám sát gian dối thương hiệu và tiêu chuẩn; nhà nước phải có hệ thống thị trường (ngoài thị trường vốn cần phải có thị trường khác); nhà nước cần có chính sách bảo vệ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp”, ông Bằng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban kinh tế trung ương nhận định PVN là một đơn vị rất đặc thù: “ Ngoài nhệm vụ kinh doanh còn là ổn định kinh tế vĩ mô cho đất nước vì có nguồn lực, gắn với đó là nhệm vụ bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Vì thế, không thể thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí đơn giản như các doanh nghiệp khác”.

Ông Trung cho rằng trước hết thương hiệu là uy tín với đối tác, với người dân. Cách nhìn của đối tác, người dân với tập đoàn là uy tín, cũng chính là thương hiệu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Trung đồng tình với ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCK Nhà nước, cho rằng cần gắn thương hiệu với quản trị doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Tin khác