Đánh thuế BĐS thứ hai: Lo tác dụng ngược ngay lập tức

Anh Vũ - 05/10/2024 09:00 (GMT+7)

(VNF) -Theo các chuyên gia, không phải cứ đi mua bất động sản thứ 2 là bị siết thuế, thậm chí nếu sử dụng không đúng cách, thuế có thể trở thành một rào cản đối với sự phát triển của thị trường bất động sản, làm tăng giá nhà và chi phí sản xuất.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất đánh thuế với người sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm mục đích hạn chế đầu cơ với kỳ vọng kéo giảm đà tăng của giá nhà. Phía Bộ Tài chính cũng đồng tình với đề xuất này và nhấn mạnh sẽ tiếp thu để nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan đến bất động sản.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại bày tỏ sự không tán thành với đề xuất này và cho rằng nên cân nhắc lại.

Lo ngại đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ gây tác dụng ngược.

Không phải cứ mua BĐS thứ 2 là bị siết thuế

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tư duy sở hữu nhiều nhà đất đều bị đánh thuế là sai lầm.

“Thuế bất động sản nhằm ngăn ngừa đầu cơ, hướng đến các bất động sản bỏ hoang, gây lãng phí, như các khu đô thị "ma". Nhưng nếu nhà đất đó được đưa vào sử dụng hiệu quả, mang lại giá trị cho xã hội, cho phát triển kinh tế thì phải cân nhắc sao cho khuyến khích phát triển”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, mục tiêu chính của việc đánh thuế nhà và quyền sử dụng đất là để tăng thu ngân sách, chứ không phải để ngăn chặn đầu cơ như nhiều người lầm tưởng.

Đầu cơ, theo ông Đức, là một phần tất yếu của nền kinh tế thị trường, giúp thị trường bất động sản sôi động và phát triển. Thị trường phải có sự mua bán, đầu cơ mới có thể tạo ra cung cầu. Vấn đề ở đây không phải là việc đầu cơ, mà là cách quản lý và giám sát các giao dịch bất động sản để đảm bảo tính minh bạch và công bằng.

Tuy nhiên, một thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt là thiếu cơ sở dữ liệu toàn diện về bất động sản. Ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, vẫn còn tình trạng loạn số nhà, gây khó khăn cho việc quản lý và đánh thuế bất động sản.

Nếu không thể nắm rõ mỗi cá nhân hoặc tổ chức sở hữu bao nhiêu bất động sản, việc đánh thuế sẽ không chỉ mất hiệu quả mà còn có thể làm méo mó thị trường, dẫn đến tình trạng khan hiếm nhà đất, khiến giá cả tiếp tục tăng cao.

Đánh thuế không đúng cách có thể gây tác dụng ngược

Dưới góc nhìn của mình, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thuế được xem là công cụ có tính hai mặt, tùy từng thị trường cụ thể mà công cụ này sẽ tác động tốt hoặc có thể cản trở sự phát triển thị trường đó.

Đánh thuế không đúng cách có thể gây tác dụng ngược.

Đối với thị trường bất động sản, công cụ thuế không phải lúc nào cũng hiệu quả trong việc điều chỉnh bởi còn phụ thuộc vào tình hình cung cầu cụ thể của mỗi quốc gia. Ví dụ tại Singapore, thuế bất động sản cao không ngăn cản được giá nhà đất tăng khi nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu.

“Do đó, nếu sử dụng không đúng cách khi đánh thuế bất động sản thứ 2, thuế có thể trở thành một rào cản đối với sự phát triển của thị trường bất động sản, làm tăng giá nhà và chi phí sản xuất”, ông Thịnh nói.

Đồng quan điểm, TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên Thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, Việt Nam và nhiều quốc gia đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, với chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để kích thích tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn và nguồn cung nhà ở hiện vẫn chưa đáp ứng đủ.

Hơn nữa, Việt Nam mới chuyển đổi sang kinh tế thị trường và không thể so sánh trực tiếp với các nền kinh tế đã phát triển hàng trăm năm. Vì thế, việc đánh thuế bất động sản thứ 2, thứ 3… có thể làm giảm động lực đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

"Chỉ thu được một ít thuế mà gây tác động sâu rộng, như gây ra tâm lý lo ngại, giảm sức mua và kìm hãm đà phục hồi của thị trường... thì lợi bất cập hại", ông Phước phân tích.

Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng bằng qua việc đề cập đến bài học từ quốc gia láng giềng Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc đã phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ các chính sách thắt chặt bất động sản. Hiện nước này đang phải "quay xe" sửa sai bằng cách gỡ bỏ các rào cản và thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ thị trường

Đánh thuế người có nhiều nhà đất: Chặn đầu cơ hay tận thu?

Đánh thuế người có nhiều nhà đất: Chặn đầu cơ hay tận thu?

Bất động sản
(VNF) - Nhiều ý kiến cho rằng việc đánh thuế đối với người sở hữu nhiều nhà, đất cần phải nghiên cứu kỹ và làm sao phải đánh “đúng và trúng”, cần phải đánh vào đối tượng đầu cơ.
Cùng chuyên mục
Tin khác