Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực thực thi sau khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV và sau 30 ngày kể từ khi hai bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau. Do đó dự kiến có thể bắt đầu thực thi từ đầu tháng 7/2020.
Doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội lớn để mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch, tài chính với doanh nghiệp các nước thành viên EU, đồng thời đối mặt với thách thức về năng lực cạnh tranh còn hạn chế trên thị trường nội địa khi giảm thuế nhập khẩu và thiếu hiểu biết đặc điểm thị trường từng nước EU.
Bài viết này lưu ý các doanh nghiệp ba vấn đề để tận dụng có kết quả cao nhất cơ hội mới của EVFTA.
EVFTA quy định các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ của ba loại sản phẩm: một là hàng hóa được hình thành một cách tự nhiên trong lãnh thổ các bên tham gia FTA như khoáng sản, động vật, thực vật và sản phẩm của các loại động thực vật; hai là hàng hóa có xuất xứ cộng gộp được hình thành từ nguyên liệu có xuất xứ một phần hoặc toàn bộ, được chế biến hoặc sản xuất tại nước tham gia FTA và ba là hàng hóa được sản xuất tại nước tham gia FTA, sử dụng một phần nguyên liệu không có xuất xứ sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu cụ thể về quy trình sản xuất được quy định tại EVFTA.
Theo đó, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nước khác đã ký FTA với EU và với Việt Nam như Hàn Quốc được coi là “nội khối”.
Hàng hóa được coi là có xuất xứ tại Việt Nam hoặc EU nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu “có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu và không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%…”.
Để được hưởng ưu đãi về thuế quan của EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm và hàng rào kỷ thuật thương mại; đồ gỗ của Việt Nam muốn vào thị trường EU thì cần coi trọng xuất xứ là gỗ rừng trồng (có Chứng chỉ gỗ từ rừng trồng được phép khai thác); hải sản xuất khẩu sang EU không được khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Tháng 10/2017, Việt Nam đã phải nhận “thẻ vàng” từ Ủy ban châu Âu (EC); nếu không thay đổi cơ bản thì có nguy cơ nhận “thẻ đỏ”, tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU. Quy tắc xuất xứ ngành dệt may là “từ vải trở đi” (của CPTPP nặng hơn là “ từ sợi trở đi”) đánh vào khâu yếu của dệt may trong nước khi phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu (gần 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan).
EVFTA quy định “quy tắc xuất xứ cộng gộp” có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên liệu của ngành dệt may có xuất xứ từ Hàn Quốc sẽ được coi là có xuất xứ từ Việt Nam nếu thỏa mãn các yêu cầu về quy trình sản xuất (Điều 6 Nghị định thư).
Đối với mực và bạch tuộc thì nguyên liệu có xuất xứ từ một nước ASEAN sẽ được coi là nguyên liệu có xuất xứ từ Việt Nam nếu thuộc danh mục (Phụ lục III Nghị định thư), được sử dụng để sản xuất các sản phẩm (Phụ lục IV Nghị định thư), cam kết tuân thủ các quy định tại Nghị định thư và thực thi đầy đủ với EU.
Nếu doanh nghiệp không đáp ứng quy tắc xuất xứ thì hàng xuất khẩu vào EU có thể chỉ được hưởng mức thuế theo nguyên tắc tối huệ quốc, không phải thuế suất 0% của EVFTA. Do đó: 1) Doanh nghiêp cần nghiên cứu quy định về quy tắc xuất xứ để vận dụng thích hợp với từng ngành và sản phẩm nhằm hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu; 2) Các Hiệp hội nghề nghiệp cần thực hiện nhanh chiến lược thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu bằng xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt (cluster), hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm “made in Vietnam”; 3) Doanh nghiệp không tham gia và chống mọi hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ để bảo đảm thực thi nghiêm chỉnh cam kết của nước ta tại EVFTA.
Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các bộ xây dựng bộ tiêu chí sản phẩm, trong đó có tỉ lệ nội địa hóa để xác định hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam.
EVFTA có một chương về thương mại và phát triển bền vững nhằm mục đích thúc đẩy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa chính sách thương mại và chính sách đầu tư, lao động và môi trường; bảo đảm phát triển của thương mại và đầu tư không làm tổn thương người lao động và bảo vệ môi trường; quy định trách nhiệm của EU và Việt Nam trong vấn đề lao động và môi trường.
Đối với vấn đề môi trường, EVFTA cam kết mỗi Bên thực thi một cách hữu hiệu những hiệp định đa phương về môi trường (MEAs) như Công ước của Liên hiệp quốc về đa dạng sinh học ( CBD ), Công ước của Liên hiệp quốc về thương mại quốc tế đối với hàng hóa nguy hiểm ( CITES ) và Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu ( UNFCCC ).
Đối với vấn đề lao động, EVFTA cam kết mỗi Bên thực thi một cách hữu hiệu những tiêu chuẩn quan trọng về lao động của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và những công ước đã được phê chuẩn của ILO (không chỉ là những qui định cơ bản), tiến tới phê chuẩn những công ước cơ bản chưa được phê chuẩn.
EVFTA công nhận quyền của mỗi Bên trong việc quản lý lĩnh vực lao động, môi trường và thiết lập mức độ bảo hộ được đánh giá là còn thua nhưng không quá thấp so với những tiêu chuẩn của ILO, công ước về lao động và công ước về môi trường.
Một ủy ban chuyên môn về thương mại và phát triển bền vững chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện chương này; ngoài ra dự kiến còn có tổ chức dân sự độc lập của hai Bên.
EVFTA quy định thương mại lành mạnh, công bằng và những chương trình cam kết tự nguyện, về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về thương mại.
EVFTA hướng dẫn về đa dạng sinh học, hợp tác xử lý mua bán bất hợp pháp động vật hoang dã và lâm sản, việc khai thác gỗ, thủy sản bất hợp pháp, tăng cường hợp tác với Tổ chức quản lý nghề cá khu vực, đấu tranh với việc đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng qui định. ( IUU ) và thúc đẩy ngành thủy sản bền vững.
Năm 2019, EU, ILO và Việt Nam với mối quan hệ đối tác tin cậy đã có bước tiến mới đối với tiến trình cải cách lao động, Công ước 98 được phê chuẩn, Bộ luật Lao động sửa đổi được thông qua, cam kết thúc đẩy phê chuẩn Công ước 105 ( về lao động cưỡng bức) vào tháng 5/2020 và Công ước 87 năm 2023 (về tự do liên kết).
Những nội dung liên quan đến phát triển bền vững tại chương này đang được Nhà nước làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách của nước ta.
Doanh nghiệp từng ngành, lĩnh vực cần tích cực chuyển sản xuất và kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, thực thi nghiêm chỉnh quy định về môi trường, về lao động và trách nhiệm xã hội.
EVFTA được hình thành bằng tiếng Việt và ngôn ngữ của tất cả các nước thành viên EU. Điều đó có nghĩa là khi doanh nghiệp nước ta buôn bán, đầu tư, du lịch với EU thì vừa phải tuân thủ luật pháp chung của EU, vừa phải tuân thủ luật pháp cũng như văn hóa, tập quán giao tiếp của từng nước.
EU có thị trường hàng hóa và dịch vụ đa dạng và phong phú, có những khác biệt nhất định về tập quán tiêu dùng giữa các thị trường quốc gia nhưng có điểm tương đồng về kinh tế và văn hoá. Hàng hoá được nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo đầy đủ về chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã, vệ sinh, an toàn. Người tiêu dùng châu Âu có sở thích sử dụng các sản phẩm có thương hiệu vì bảo đảm chất lượng sản phẩm và an toàn cho người sử dụng.
Hiện nay doanh nghiệp dệt may, da giày, túi xách, điện tử phần lớn dựa vào các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia như Nike, Samsung để tham gia môt số khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu; một số mặt hàng như gạo, thủy sản, cà phê thì trực tiếp xuất khẩu sang EU; do đó các doanh nghiệp cần đẩy nhanh quá trình xây dựng, quảng bá thương hiệu để nâng cao năng lực của sản phẩm Việt Nam tại thị trường các quốc gia EU nhằm tận dụng có hiệu quả hơn EVFTA.
Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu và thiết lập quan hệ hợp tác tin cậy với đối tác của EU để thiết lập kênh phân phối hàng hóa xuất khẩu. Nhiều tập đoàn kinh tế đã hình thành mạng lưới bán buôn, bán lẻ, kho dự trữ hàng hóa và các công ty vận chuyển trong nội bộ tập đoàn. Cũng có những tập đoàn cung ứng hàng hóa nhập khẩu cho mạng lưới bán lẻ của tập đoàn khác và các công ty bán lẻ độc lập.
EU là thị trường có quy mô lớn trong khi từng doanh nghiệp Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu có hạn, do đó cần tìm đối tác thích hợp để ổn định thị trường lâu dài. Các nước Đông u vốn là thị trường truyền thống có quan hệ hợp tác với nước ta, có cộng đồng người Việt Nam sống, lao động và kinh doanh, trong đó có nước đã coi người Việt Nam là dân tộc thiểu số, tạo lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng có kết quả cơ hội mới cuả EVFTA. Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ năng lực đầy đủ, chi tiết đáp ứng tất cả các yêu cầu của EU và yêu cầu của từng quốc gia thành viên.
Do tác động của dịch Covid 19 tại một số nước EU nên đã có những doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoặc giảm bớt quy mô và phạm vị kinh doanh, chuyển sang ngành, lĩnh vực khác; do đó doanh nghiệp nước ta cần thông qua nhiều kênh thông tin để nhận biết chính xác thực trạng của đối tác đang có quan hệ, lựa chọn đúng đối tác mới.
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, EU kiểm tra sản phẩm từ nơi sản xuất, có hệ thống cảnh báo giữa các thành viên để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn chung của EU và các định chuẩn quốc gia; cấm buôn bán sản phẩm được sản xuất ra từ các nước chưa đạt mức an toàn theo tiêu chuẩn EU. Hiện nay EU có 3 tổ chức định chuẩn: Uỷ ban châu Âu về định chuẩn, Uỷ ban châu Âu về định chuẩn điện tử, Viện định chuẩn viễn thông châu Âu. EU tích cực chống tệ nạn hàng giả, không cho nhập khẩu những sản phẩm đánh cắp bản quyền, vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ.
Đối với nhóm mặt hàng nông sản khi nhập khẩu vào thị trường EU phải đảm bảo an toàn vệ sinh cao, đảm bảo chất lượng chung của EU, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Gần đây Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua Luật Phòng vệ thương mại, sửa đổi phương pháp xác định giá trị bình thường của một sản phẩm và ước tính thiệt hại đối với một ngành sản xuất nội khối do hành vi bán phá giá của nước ngoài. Trong bối cảnh Việt Nam được EU công nhận là nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp nước ta cần tìm hiểu quy định mới để ứng phó khi xuất khẩu hàng hóa sang EU.
Hơn một năm thực thi Hiệp ước Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy rằng, không dễ tận dụng được cơ hội mới nếu doanh nghiệp không thay đổi tư duy và hành động khi thực hiện FTAs thế hệ mới.
Hiện nay các doanh nghiệp vừa phải sản xuất và kinh doanh trong bối cảnh ứng phó với dịch Covid 19, vừa phải chuẩn bị điều kiện để đẩy mạnh mọi hoạt động sau khi đã dập tắt dịch, trong đó cần tận dụng cơ hội mới của CPTPP và EVFTA để bù đắp thiệt hại trong giai đoạn chống dịch, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước thực hiện những mục tiêu của kế hoạch năm 2020 và của chiến lược phát triển 2021- 2030.
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.