HD SAISON được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng
Hà Hoàng -
22/01/2018 08:25 (GMT+7)
(VNF) - Công ty tài chính TNHH HD SAISON vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận việc Công ty tài chính TNHH HD SAISON thay đổi mức vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng.
Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP. HCM (HDBank) sở hữu 50% vốn điều lệ, Credit Saison Co., Ltd của Nhật Bản sở hữu 49% vốn điều lệ, Công ty cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC) sở hữu 1% vốn điều lệ.
Thành lập vào 7/9/2007, HD SAISON tiền thân là Công ty TNHH MTV Tài Chính Việt Société Générale (SGVF) và là công ty tài chính phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được NHNN cấp giấy phép hoạt động với số vốn đầu tư lên đến 520 tỷ đồng. Mục tiêu hoạt động là cung cấp những giải pháp tài chính trong lĩnh vực tiêu dùng cá nhân.
Tháng 10/2013, SGVF về tay HDBank và đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP. HCM, gọi tắt là HDFinance.
Dưới sự góp vốn đầu tư chiến lược từ Tập đoàn tài chính Credit Saison vào 22/4/2015, HDFinance chính thức đổi tên thành Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD SAISON, gọi tắt là HD SAISON.
Đến nay, HD SAISON vẫn giữ chiến lược trung thành cho vay tiêu dùng, thống lĩnh mảng cho vay mua xe máy với 31% thị phần cả nước. Ngoài ra, HD SAISON còn tăng trưởng 2 ngành còn lại là cho vay điện máy và cho vay tiền mặt.
Thời điểm được tăng vốn điều lệ gần đây của HD SAISON là cách đây khoảng 1 năm. Khi đó, HD SAISON đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 550 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Công ty, HD SAISON hoạt động khá tốt so với trung bình ngành, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu HD SAISON khoảng 5,4-5,5%.
Tính đến ngày 30/09/2017, HD SAISON có 10.285 điểm dịch vụ trên 63 tỉnh thành Việt Nam với hơn 3,2 triệu khách hàng. HD SAISON đứng đầu Việt Nam về mạng lưới bán hàng (POS) và số lượng khách hàng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone