Lấn biển làm khu thương mại tự do: Hướng đi tất yếu cho Đà Nẵng

Khánh Hồng - 02/12/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh dư địa phát triển của Đà Nẵng là đất đai đang có những hạn chế nhất định, việc lấn biển để tạo ra không gian phát triển mới cho Đà Nẵng được xem là cần thiết và tất yếu.

Phát triển thịnh vượng nhờ lấn biển

Trên thế giới, việc lấn biển có từ rất lâu và mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và nhà nước. Nói về lịch sử lấn biển, cái tên đầu tiên cần được nhắc đến chính là Hà Lan. Đất nước này bắt đầu lấn biển từ thế kỷ 13 và được biết đến là nơi nhiều công trình lấn biển nhất trên thế giới, với khoảng 3.500 công trình lấn biển, thành phố được xây dựng dọc các con kênh biển.

Trung Quốc cũng đã bắt đầu lấn biển quy mô lớn từ năm 1949. Tính đến những năm 1990, tổng diện tích lấn biển của Trung Quốc đạt khoảng 13.000km2 dọc theo đường bờ biển các địa phương như: Quảng Đông, Giang Tô, Liêu Ninh, Thượng Hải, Chiết Giang và các đặc khu hành chính kinh tế như Hong Kong, Ma Cao…

Singapore đến nay 1/4 diện tích là nhờ lấn biển mà có. Chưa dừng lại ở đó, nước này vẫn đang tiếp tục lấn ra biển. Khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands nổi tiếng cũng được xây dựng nhờ lấn biển. Nơi đây là tổ hợp khu kinh doanh, nghỉ dưỡng kết hợp với casino, trở thành điểm thu hút du lịch của Singapore.

Nhắc đến Dubai, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến dự án đảo nhân tạo lớn nhất thế giới Palm Jumeirah. Sau 7 năm xây dựng cùng số vốn lên tới 12,3 tỷ USD, Palm Jumeirah trở thành nơi vui chơi, nghỉ dưỡng thu hút lượng lớn khách du lịch và người dân.

Đảo cây cọ - dự án lấn biến ở Dubai.

Đối với Dubai, mỗi mét vuông bờ biển là mỗi “khối vàng” và việc lấn biển, xây dựng các hòn đảo nhân tạo là một trong những chiến lược phát triển kinh tế, giúp quốc gia này đa dạng hóa nền kinh tế, thu hút giới đầu tư toàn cầu và có thể trụ vững trước những biến động khó lường của nguồn tài nguyên “vàng đen”.

Sau Palm Jumeirah, ý tưởng về các quần đảo nhân tạo tiếp tục được thúc đẩy. Những dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu mua sắm độc lập… đầy tham vọng đang tiếp tục được triển khai tại UAE.

Tại Nhật Bản, sân bay quốc tế Kansai cũng là một công trình xây dựng trên khu đất lấn biển, thể hiện dấu ấn về công nghệ và kỹ thuật thi công xây dựng của “đất nước mặt trời mọc”.

Theo thống kê, chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, diện tích lấn biển của thế giới đã đạt tới 2.500 km2, tương đương diện tích của Luxemburg. Việc lấn biển tạo cú hích phát triển kinh tế mạnh mẽ và còn là biểu tượng giúp các quốc gia với này vươn tầm ra thế giới.

Tại Việt Nam, với lợi thế hơn 3.000km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, hầu hết tỉnh thành ven biển đều có nhu cầu phát triển và lấn biển. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay Việt Nam có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố đã được triển khai.

Một số địa phương đã có những dự án lấn biển thành công, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt về du lịch. Tiêu biểu là Quảng Ninh, có hơn 40 dự án đô thị lấn biển và nhiều dự án thành công. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu không có những dự án này, Quảng Ninh không thể thu hút lượng khách du lịch lớn và đóng góp vào tỷ trọng GDP của đất nước như hiện nay.

Một số địa phương đã có những dự án lấn biển thành công, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt về du lịch. Tiêu biểu như thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) với chủ trương lấn biển hơn 20 năm trước, đã biến vùng đất sình lầy thành đô thị đáng sống bậc nhất miền Tây. Hay Quảng Ninh, có hơn 40 dự án đô thị lấn biển và nhiều dự án thành công.. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu không có những dự án này, Quảng Ninh không thể thu hút lượng khách du lịch lớn và đóng góp vào tỷ trọng GDP của đất nước như hiện nay

Có thể thấy, xu hướng lấn biển đã phát triển và đang tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng lấn biển để ứng phó vấn đề xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu (Hà Lan) hay sức ép “đất chật người đông” (Singapore), mà việc mở rộng đất ven biển hay xây dựng đảo nhân tạo được xem là chiến lược phát triển kinh tế quan trọng.

Bài học thành công của các nước trên thế giới và một số địa phương trong nước cũng là cơ sở để Đà Nẵng mạnh dạn triển khai dự án lấn biển, trở thành một biểu tượng mới của thành phố. Đặc biệt khi hành lang pháp lý, bao gồm Luật Đất đai 2024, đã “mở cửa” cho hoạt động này trên hành trình đưa Đà Nẵng vươn tầm quốc tế.

Hướng đi tất yếu cho Đà Nẵng

Tầm nhìn đến năm 2050, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế. Đà Nẵng cũng là trung tâm du lịch quốc tế gắn với trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, trước đây Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 119 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Đà Nẵng.

Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 119 cho thấy bước đầu thành phố thu được kết quả đáng ghi nhận, tích cực, tuy nhiên cũng có rất nhiều khó khăn. Trong các cơ chế đặc thù, có một số cơ chế Đà Nẵng không thực hiện được. Bên cạnh đó, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố không đạt được rất nhiều mục tiêu, chỉ tiêu mà Trung ương và Bộ Chính trị đặt ra cho Đà Nẵng. Chính vì vậy, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Đà Nẵng nhận thấy, nếu thành phố không tìm một hướng mới, một động lực mới thì rất khó phát triển mạnh mẽ.

Tháng 6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, trong đó đồng ý thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu. Đây là mô hình không còn mới với thế giới nhưng lần đầu có ở Việt Nam và Đà Nẵng đảm đương nhiệm vụ thí điểm khu thương mại tự do đầu tiên của cả nước.

“Đây là một trong những đột phá và cũng là dám nghĩ, dám làm trong việc thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam. Đà Nẵng xác định việc này có rủi ro nhưng chấp nhận. Nếu thành công, đây sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thì thành phố sẽ gánh chịu", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.

Lấn biển là hướng đi tất yếu cho Đà Nẵng. 

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành động lực phát triển, tăng khả năng cạnh tranh của đất nước thì quy mô phải đủ lớn. Nếu chỉ làm khu phi thuế quan là không phù hợp, không đáp ứng với yêu cầu hiện đại.

“Khu thương mại tự do phải có công nghiệp, có logistics, gắn với sân bay, gắn với cảng biển. Đà Nẵng có sân bay, cảng biển thì khu thương mại tự do phải nối được cả sân bay và cảng biển”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

“Khu thương mại tự do phải có công nghiệp, có logistics, gắn với sân bay, gắn với cảng biển. Đà Nẵng có sân bay, cảng biển thì khu thương mại tự do phải nối được cả sân bay và cảng biển”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đình Thiên

Khu thương mại tự do mở đường cho chiến lược lấn biển quy mô, đột phá?

Hiện quỹ đất Đà Nẵng gần như không còn để mở rộng dư địa phát triển, trong khi yêu cầu mà trung ương đặt ra đối với sự phát triển của Đà Nẵng là rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng để đáp ứng những nhu cầu phát triển, lấn biển là hướng đi tất yếu cho Đà Nẵng. Việc tạo nên một khu vực lấn biển quy mô, tầm cỡ phục vụ phát triển đa chức năng như: khu thương mại tự do, trung tâm tài chính, cụm kinh tế số, du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp cao,…sẽ tạo động lực kép, giúp Đà Nẵng vươn mình ra biển lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Thuyên, chuyên gia Chương trình Hộ chiếu logistics thế giới (WLP) tại Việt Nam cho hay: “Với Dubai họ lấn biển rất nhiều. Trong đề án khu thương mại tự do Đà Nẵng có một khu vực lấn biển. Tôi thật sự chia sẻ vấn đề đất cát, quy hoạch đất, sử dụng đất… cái đó cần thời gian. Và trước mắt chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của Dubai”.

Theo ông Thuyên, cơ chế lấn biển sẽ tạo ra quỹ đất mới, xây dựng không gian mới. Và ở đây sẽ tạo ra một hệ sinh thái, một thành phố thương mại, một city Hub… Phải đồng bộ như thế, lan tỏa cả Đà Nẵng, mới là đáng sống của rất nhiều nhà đầu tư FDI.

Ông Nguyễn Ngọc Thuyên

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội thủy sản việt Nam, Thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương, kỳ vọng lớn, mục tiêu cao.

Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng Đà Nẵng mà nằm trong khát vọng của cả nước Việt Nam. Cho nên nhu cầu mở rộng không gian lãnh thổ để tạo ra không gian phát triển mới cho Đà Nẵng là nhu cầu chân chính và chính đáng.

“Lấn biển là kịch bản mà Đà Nẵng phải nghỉ đến nhưng lấn ở đâu và không nên tách lấn biển ra khỏi công trình sau lấn biển, bởi vì phải nhìn toàn diện đầy đủ mới thấy hết tác động hay không của công trình”, ông Hồi nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói thêm, Đà Nẵng muốn làm gì cũng phải nghĩ đến công nghệ, kể cả việc lấn biển để bảo đảm bền vững, ít gây ra tác động cũng phải nhờ công nghệ tiên tiến.

Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cũng cho hay, trong chiến lược phát triển biển, hướng biển là một trong những chiến lược rất tốt cho Đà Nẵng để mở rộng, tăng quỹ đất. Nếu có điều kiện kinh tế và điều kiện kỹ thuật, Đà Nẵng có thể lấn biển.

Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý việc lấn biển phải đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất. “Đấy là cần bài toán kinh tế kỹ thuật, cần có chuyên gia tính toán. Làm bất cứ việc gì cũng phải có đánh giá đầy đủ, lấn ở đâu, lấn thế nào, lấn ra sao, cần phải có lời giải”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.