SSI: Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng chậm lại trong năm 2022

Hải Đường - 20/01/2022 10:38 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Chứng khoán SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2022 chậm lại đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ do mức so sánh cao trong năm 2021.

VNF
(Ảnh minh họa)

Trong báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI dự báo tăng trưởng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phục hồi trong năm 2022, trên kịch bản việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, các hoạt động bán hàng được kỳ vọng sẽ hồi phục tốt trong năm.

Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tính tăng 22-24% so với năm 2021, doanh thu phí mảng phi nhân thọ dự báo tăng trưởng chậm hơn ở mức 8-10%.

Công ty chứng khoán SSI ước tính tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 có thể đạt mức 256.000 tỷ đồng, trong đó ngoài động lực chính đến từ nhu cầu được phục hồi, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm còn đến từ 2 yếu tố khác.

Thứ nhất là giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (E-insurance) kỳ vọng dần được hợp pháp hóa cho các sản phẩm bảo hiểm khác khác (bảo hiểm sức khỏe, tài sản thiệt hại, hàng hóa), từ đó bán hàng qua kênh trực tuyến cũng sẽ dần được đẩy nhanh. Thứ hai là sự hợp tác với các công ty insurtech để tăng cường đổi mới cải tiến trong việc phân tích big dữ liệu sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối trong tương lai.

Về thu nhập từ hoạt động đầu tư, SSI dự báo lợi nhuận từ mảng này sẽ tăng từ 8-10% đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhẹ 0,2-0,25%, còn lãi thực hiện đầu tư cổ phiếu hay hoàn nhập dự phòng không nhiều do mức nền so sánh cao trong 2021.

Tài sản đang quản lý (Assets under management - AUM) của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng dự kiến tăng tương ứng với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm, đạt khoảng 8-10% so với 2021.

Ngược lại với triển vọng về tăng trưởng doanh thu mảng phí hay thu nhập mảng đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể giảm từ mức nền cao trong năm 2021.

Theo đó, phía SSI cho rằng các doanh nghiệp bảo hiểm khó có thể hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp do người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội trong năm 2021. Tỷ lệ bồi thường dự báo quay về mức bình thường trong năm nay, dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể giảm so với năm 2021.

Báo cáo cũng nêu rõ các yếu tố tích cực tác động đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm là việc sử dụng cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các thông tin đăng ký xe cơ giới, vi phạm an toàn giao thông đường bộ, lịch sử tai nạn giao thông có thể giúp các doanh nghiệp bảo hiểm phân loại khách hàng tốt hơn, qua đó tăng phí đối với các hợp đồng có rủi ro cao hơn thay vì áp dụng giá tương đương với tất cả các hợp đồng như trước đây.

Một yếu tố tích cực khác là sự thành công của kênh bán hàng online với những thay đổi về quy định (giấy chứng nhận điện tử). Nếu doanh thu kênh online tăng mạnh, chi phí trung gian (cho đại lý, môi giới) có thể được tiết giảm dần.

Tuy nhiên, các yếu tố tích cực trên cần thời gian để phản ánh vào lợi nhuận các công ty bảo hiểm.

“Nhìn chung, chúng tôi ước tính tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2022 chậm lại đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ do mức so sánh cao trong năm 2021. Lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ biến động khá mạnh giữa các quý. Mặc dù vậy, do mức so sánh cao trong quý I/2021 và quý III/2021, chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng so với cùng kỳ có thể sẽ ở mức cao hơn trong quý II/2022”, các chuyên gia của SSI nhận định.

Trước việc Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) có thể sẽ được ban hành cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật sau đó, Chứng khoán SSI cho rằng các hoạt động tăng vốn của doanh nghiệp bảo hiểm có thể sôi động hơn từ năm 2023.

Bên cạnh đó, sau thông tin xác nhận về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, định giá của các doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng đáng kể, trong đó một số doanh nghiệp như Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội, Công ty Cổ phần PVI và Tổng Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, định giá đã vượt mức lịch sử.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.