Tài chính tiêu dùng hút vốn ngoại

Thùy Vinh - 07/02/2018 10:26 (GMT+7)

Với sự tăng trưởng ngoạn mục trong những năm gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

VNF
Shinhan Financial Group (Hàn Quốc) vừa mua lại Prudential Finance với giá gần 151 triệu USD. Ảnh: T.V

Hàng loạt thương vụ được chuyển nhượng

Tập đoàn Shinhan Financial Group từ Hàn Quốc vừa công bố việc đạt thỏa thuận mua lại Công ty Tài chính Prudential Việt Nam với giá gần 151 triệu USD. Cụ thể, Công ty Shinhan Card, một công ty con của Shinhan Financial Group, mua lại Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC), cho phép tập đoàn này mở rộng mảng kinh doanh tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Công ty Tài chính Prudential Việt Nam được thành lập năm 2006 và là tổ chức tài chính phi ngân hàng nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép cho vay tiêu dùng ở Việt Nam. Đây là công ty tài chính tiêu dùng có dư nợ lớn thứ tư ở Việt Nam, sau FE Credit, Home Credit và HD Saison.

Trước đó, vào tháng 4/2017, Ngân hàng Shinhan Việt Nam - một công ty con của Shinhan Financial Group - cũng mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ, nhằm mở rộng mảng bán lẻ tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, Công ty Lotte Card thuộc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng đã đạt được thỏa thuận mua lại cổ phần của Công ty Tài Techcom Finance, với giá 1.700 tỷ đồng. Thương vụ này giúp Lotte Card gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng đang rất tiềm năng tại Việt Nam.

Trong tháng này, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) dự kiến bán đấu giá Công ty Tài chính Bưu điện (PTF), với giá khởi điểm 500 tỷ đồng. Đây chính là mức vốn điều lệ của công ty này được cấp theo giấy phép năm 1998.

Vì "miếng bánh" tiêu dùng 1 triệu tỷ đồng

Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến phát triển mạnh trong những năm tới, với dư nợ sẽ tăng từ gần 600.000 tỷ đồng hiện nay, lên 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019. Đó là lý do vì sao hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài, kể cả các ông lớn, muốn tham gia thị trường này.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các ngân hàng thương mại trong nước đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng từ khá lâu, nhưng thị trường chỉ thực sự phát triển và cạnh tranh trong những năm gần đây, khi có ngày càng nhiều công ty tài chính tham gia. Trong đó, có sự gia nhập của các tập đoàn tài chính nước ngoài khi mua lại 49% cổ phần của công ty tài chính trong nước.

Đáng chú ý là, quan tâm tham gia công ty tài chính Việt thời gian qua chủ yếu là các tập đoàn tài chính đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Chẳng hạn, HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của Công ty Tài chính HD Finance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Sau khi hợp đồng mua bán hoàn tất, HDBank sở hữu 50% vốn điều lệ của HD Saison. Trong khi đó, Công ty Cho thuê tài chính TNHH một thành viên BIDV (BLC), từ công ty do BIDV sở hữu 100% vốn điều lệ đã trở thành Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST (BSL), với sự tham gia sở hữu 49% vốn điều lệ của Ngân hàng Tín thác Sumitomoh Mitsui (Sumitomo Mitsui Trust Bank - SMTB).

Điều đó cho thấy, các tập đoàn tài chính nước ngoài đánh giá cao thị trường tài chính của Việt Nam, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng cá nhân và dịch vụ thẻ.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho biết, với dân số hơn 93 triệu người, tỷ lệ dân thành thị cao, với mức thu nhập ngày càng tăng, Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng phát triển. Tín dụng tiêu dùng cá nhân còn khá mới mẻ, trong khi nhu cầu rất lớn, nên các tập đoàn tài chính ngoại nhìn thấy cơ hội và tham gia để khai thác tiềm năng này.

Cuộc chạy đua thâu tóm công ty tài chính của các ngân hàng dường như chưa đến hồi kết. Vietcombank dự kiến, sau khi bán một phần vốn của công ty cho thuê tài chính, sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng. Trong khi đó, ACB, Sacombank cũng có kế hoạch mua lại hoặc thành lập mới công ty tài chính tiêu dùng… Thông thường, sau khi hoàn tất thương vụ và chuyển đổi thương hiệu, các nhà băng có xu hướng tìm đối tác chiến lược nước ngoài để bán lại.

Theo Infomoney
Cùng chuyên mục
Tin khác