Tinh gọn bộ máy: 'Chọn và bố trí đúng người, đúng việc, đúng khả năng'

Kỳ Thư - 28/12/2024 13:00 (GMT+7)

(VNF) - TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, yếu tố quyết định thành công của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không chỉ là tổ chức gọn nhẹ lại, mà phải tuyển chọn và bố trí lại con người đúng người, đúng việc, đúng khả năng

Tuyển chọn và bố trí người đúng người, đúng việc, đúng khả năng

Bình luận về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng yếu tố quyết định thành công của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không chỉ là tổ chức gọn nhẹ lại, mà phải tuyển chọn và bố trí lại con người đúng người, đúng việc, đúng khả năng của mỗi cán bộ.

"Chúng ta cũng phải chú trọng việc thu hút tài năng trong hệ thống cơ quan công quyền, từ các tài năng lãnh đạo đến tài năng về hành chính chuyên môn", ông Dũng nêu quan điểm.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Theo ông, điều này đặc biệt quan trọng bởi, nếu yếu tố con người không đảm bảo yêu cầu, mối nguy hại sẽ rất lớn, dẫn đến để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chi phối.

"Nhiều người bảo phải có quy trình, bước đi, nhưng kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nhiều việc chúng ta bàn nhiều nhưng vẫn không quyết được. Do đó, thời điểm này đã ở giai đoạn chín muồi, đã quá bức bách và rất cần thiết", ông Dũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tinh gọn bộ máy. Nếu chậm, theo ông, cái giá phải trả là mất đi cơ hội, đó là một sự lãng phí lớn.

Ông Dũng cũng nhắc lại, với thực tế với 70% ngân sách dành chi cho bộ máy, sẽ không còn kinh phí chi cho đầu tư phát triển, và như vậy, đất nước không thể cất cánh.

“Nếu chúng ta không có nhà máy điện hạt nhân sớm thì trung tâm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo làm sao hoạt động được. Do đó, phải tiết kiệm tối đa để đầu tư cơ sở hạ tầng, để cất cánh trong phát triển. Anh không có đường băng, không thể cất cánh trên ruộng lầy được”,  ông Dũng khẳng định

Về vấn đề lựa chọn cho cách mạng trong giai đoạn mới, ông Dũng cho rằng người lãnh đạo phải lôi cuốn, thuyết phục, phải là cán bộ tiêu biểu về đạo đức và có kỹ năng thuyết phục chứ không phải ra lệnh.

Phải hành động khác để bước vào kỷ nguyên mới

PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định "kỷ nguyên vươn mình" tức là một kỷ nguyên hành động, không đi theo cái thông thường mà sẽ có hành động khác thường để đạt tới những mục tiêu khác thường.

Phải hành động khác để bước vào kỷ nguyên mới.

Sự khác thường, theo ông Thiên, là một đất nước với thu nhập trung bình, phát triển chưa cao nhưng đặt ra những mục tiêu cao nhất về chuyển đổi số, phát triển xanh, dựa vào trí tuệ sáng tạo. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hành động khác để bước vào kỷ nguyên mới.

"Phấn đấu cho một điều gì rất đẹp đẽ chắc chắn rất khó nên phải chuẩn bị kỹ lưỡng", ông Thiên nói.

Theo vị chuyên gia, phải có sự chuẩn bị đầy đủ về tư duy, thái độ, điều kiện, nguồn lực… để biến thông điệp kỷ nguyên mới không chỉ là một ước mơ.

GS.TS Vũ Minh Khương (Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore) đánh giá thông điệp về kỷ nguyên mới của Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có tính chiến lược, vừa có tính đột phá.

"Tính chiến lược là sự lựa chọn quả cảm đưa đất nước tiến lên ở mức độ cao vượt bậc trong thời gian tới", ông Khương nói.

Thông điệp ấy, theo ông Khương, còn đánh vào xúc cảm của con người, làm cho lòng người trỗi dậy. Ông Khương ví thông điệp này khiến người Việt Nam như tìm thấy "nỏ thần".

Khái niệm "vươn mình" cũng khiến ông Khương liên tưởng đến hình tượng Thánh Gióng, và từ hình tượng ấy, ông chỉ ra nguyên lý phải tìm đến người tài, suy nghĩ đột phá, vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường. Bên cạnh đó, phải dựa vào dân và trao niềm tin, cơ hội cho thế hệ trẻ.

Doanh nghiệp tư nhân trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Doanh nghiệp tư nhân trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Tiêu điểm
(VNF) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sau 40 năm Đổi mới, đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành và lớn mạnh hơn.
Cùng chuyên mục
Tin khác