Diễn đàn VNF

Trả giá đắt vì sai lầm tài chính, bố mẹ cho con học quản lý tiền từ cấp 3

(VNF) - Thế hệ trước không được đào tạo về tài chính cá nhân, phạm nhiều sai lầm khi ra quyết định tài chính, nhiều bài học đáng giá cả một gia tài. Do đó, các bậc phụ huynh hiện nay ngày càng coi trọng việc giáo dục tài chính cho các con, trong đó, cấp 3 là thời kỳ phù hợp.

Trả giá đắt vì sai lầm tài chính, bố mẹ cho con học quản lý tiền từ cấp 3

Trả giá đắt vì sai lầm tài chính, thế hệ trước quyết cho con học quản lý tiền từ cấp 3

Thế hệ trước không được đào tạo về tài chính cá nhân, thiếu kiến thức nên va vấp và phạm nhiều sai lầm.

Ở độ tuổi trưởng thành hay trung niên, giá trị bài học đôi khi bằng cả một gia tài. Do vậy, các bậc phụ huynh hiện nay ngày càng ý thức tốt hơn trong việc tạo thêm cơ hội để con có thể học hỏi và tránh được những vướng mắc về tài chính.

Từ cấp 3, các con đã có tư duy và trình độ tương đối tốt để tiếp nhận những kiến thức về tài chính cá nhân. Đây sẽ là những hành trang đầu đời để các con tạo dựng lối sống tích cực, sống có trách nhiệm hơn và có định hướng tốt hơn trong tương lai.

Trao đổi với VietnamFinance, bà Trần Thị Mai Hân, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, chia sẻ rằng những bài học về tiền được trao đổi trong không khí cởi mở giữa cha mẹ và con cái sẽ khiến cho kiến thức trở nên gần gũi và thiết thực, đồng thời giúp gắn kết gia đình nhiều hơn.

"Những câu chuyện về lịch sử của tiền, giá trị của tiền, hệ thống tiền tệ quốc tế, các loại tiền, các khái niệm về lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỷ giá … được nêu ra, lồng ghép cùng các ví dụ minh họa, sẽ khiến các kiến thức khô khan trở nên sinh động và dễ hiểu hơn, giúp cho các con mở rộng tầm mắt ra ngoài thế giới, hình dung được sự liên kết đến kinh doanh quốc tế, kinh doanh tiền tệ và các lĩnh vực đầu tư tài chính hiện có", chuyên gia của FIDT cho hay.

Thị trường tài chính, đầu tư hiện giờ là một thị trường mở, chịu sự tác động của các yếu tố vĩ mô của thế giới và trong nước. "Sau này các con có làm việc ở lĩnh vực nào thì những kiến thức kinh tế - xã hội cũng cần nắm bắt, để theo kịp xu hướng đầu tư và có những cách thức ứng phó tốt hơn", bà Mai Hân nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, qua các câu chuyện về giá trị của tiền, các con sẽ thấm nhuần và hiểu thêm ý nghĩa của lao động trong cuộc sống, sẽ trân trọng công việc của cha mẹ và học được cách sử dụng tiền đúng cách.

Bà Trần Thị Mai Hân, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại FIDT

Theo nữ chuyên gia, có 3 trụ cột trong tài chính cá nhân mà các con cần được học, đó là: Kiếm tiền, quản lý tiền và bảo vệ tiền.

Thông qua việc tìm hiểu về trụ cột thứ nhất “kiếm tiền”, các con sẽ hình dung được các loại thu nhập, bao gồm: Thu nhập từ lương, thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ đầu tư. Tương ứng với nó là những công việc mang lại thu nhập, những mô hình kinh doanh, những loại hình đầu tư đi kèm với tố chất, tính cách, kiến thức hay trình độ phù hợp.

Cùng với đó, hiểu được những thu nhập này là thu nhập chủ động hay thu nhập thụ động, tương ứng với loại công việc nào, hình thức nào, giá trị tiền tệ mang lại từ những thu nhập này ra sao … Qua đó, các con hiểu thêm về tính chất công việc của cha mẹ, biết quý trọng sức lao động của các công việc khác trong xã hội, có định hướng cho nghề nghiệp bản thân trong tương lai.

Một trong những cách thức để tăng trưởng thu nhập và tài sản là đầu tư. Các kiến thức về các sản phẩm tài chính và đầu tư hiện cũng đang được phổ cập rộng trên nhiều kênh, cha mẹ cùng các con có thể tiếp cận các sản phẩm như tiền gửi, vàng, rái phiếu, chứng chỉ quỹ, cổ phiếu hay bất động sản….

Bên cạnh đó, kiến thức về tín dụng cũng rất hữu ích. Các con có thể tìm hiểu về các kênh vay vốn ngân hàng, các hình thức thanh toán, nắm được cách sử dụng hiệu quả thẻ tín dụng   

"Con có thể tích lũy tiền được cho tặng các dịp lễ Tết, có thể nhận thu nhập từ việc hỗ trợ kinh doanh cho cha mẹ, nhận tiền thưởng từ các thành tích học tập vượt trội, nhận tiền tiêu vặt … Cha mẹ có thể cùng con đầu tư vào những sản phẩm như tiền gởi, chứng chỉ quỹ, thậm chí là đầu tư mua chung bất động sản với cha mẹ - là bước đầu tiên, giúp con tiếp cận sớm hơn với lĩnh vực đầu tư", bà Mai Hân ví dụ.

“Quản lý tiền” là trụ cột quan trọng thứ 2. Cha mẹ hướng dẫn con quản lý chi tiêu, tự định ra hạn mức chi tiêu phù hợp, biết tiết kiệm và phân bổ tiền cho nhiều mục tiêu khác nhau thông qua 6 chiếc lọ. Quản lý tiền còn thể hiện ở việc chi tiêu thông minh, biết chọn lựa sản phẩm tốt và có giá trị sử dụng cao, biết chọn lựa giữa những chi tiêu "cần" và "muốn", hướng đến phong cách sống hiện đại, tối giản.

Ngoài ra, “bảo vệ tiền” là trụ cột không thể thiếu. Cha mẹ bảo vệ tài sản và bảo vệ gia đình thông qua việc mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và các sản phẩm bổ trợ, thẻ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, giáo dục con tầm quan trọng của bảo hiểm trong tài chính cá nhân. Đến khi con trưởng thành, đi làm và có thu nhập thì luôn nhớ đến việc mình phải có BHNT để bảo vệ tài chính.                                       

"Việc nâng cao dân trí tài chính ngay từ khi các con còn ngổi trên ghế nhà trường sẽ tạo nên một thế hệ trẻ năng động, có phong cách sống tốt. Thông qua việc có kiến thức và hiểu biết nhất định về môi trường đầu tư, các con còn hạn chế được việc rơi vào các cạm bẫy tài chính, có một hành trình đầu tư lành mạnh trong tương lai", chuyên gia của FIDT nhấn mạnh.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, trong đó, việc phổ cập tài chính và hiểu biết các kiến thức tài chính cơ bản là một phần quan trọng.

Bà Trần Thị Mai Hân cho hay trong bối cảnh này, hàng loạt các chương trình phổ biến tiếp cận tài chính toàn diện thông qua nhiều hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi. Từng gia đình hạt nhân cũng cần tự nâng cao dân trí tài chính cho các thành viên trong gia đình mình để bắt kịp xu hướng mới.

Tin mới lên