TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Kiểm soát tài chính với thị trường BĐS phải thận trọng, không làm đóng băng'

Trần Lưu - 19/12/2019 11:05 (GMT+7)

(VNF) - TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc kiểm soát tài chính với thị trường bất động sản (BĐS) phải thận trọng, không được làm đóng băng để tạo điều kiện cho thị trường này phải phát triển ổn định, dài hạn.

VNF
TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát Quốc gia

Trình bày về triển vọng thị trường tài chính, tiền tệ và bất động sản 2020 tại diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên với chủ đề "Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 19/12, TS. Lê Xuân Nghĩa lấy dẫn chứng từ một bài báo nước ngoài.

Theo đó, bài báo này nói rằng Việt Nam đang gặp may do đưa ra khẩu hiệu về công nghiệp hoá từ năm 1993 nhưng chưa thực hiện được nhưng cũng chưa bị đổ bể như các nước cộng sản khác. Hiện nay 81 nước trên thế giới bỏ qua giai đoạn công nghiệp hoá và đi vào dịch vụ.

Trong 20 năm, tỷ trọng tín dụng cho công nghiệp liên tục giảm, còn khu vực dịch vụ tăng nhanh. Dịch vụ đang là hướng đi chủ chốt về chiến lược của kinh tế Việt Nam.

Cũng theo ông Nghĩa, một nghiên cứu khác cho thấy nếu tính độ mở của nền kinh tế, so với Mỹ là 14%, Trung Quốc 19%, Đức 43%, Việt Nam cao nhất thế gới với 78%. Do đó không có ngành hàng công nghiệp nào có thể cạnh tranh được với các đối thủ từ bên ngoài.

"Từ rừng đến biển, hàng công nghiệp chủ yếu từ Trung Quốc và nước ngoài. 'Mảnh vải' duy nhất còn lại là bất động sản và một phần viễn thông, hàng không. Do đó bất động sản là cơ hội lớn và dài hạn, còn lại ít ỏi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị trường của Việt Nam', TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Năm 2020, đánh giá các tác động tới thị trường bất động sản, ông Nghĩa cho rằng điểm tích cực là nền kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu có thể phục hồi.

"Mấy năm gần dây, thương mại toàn cầu giảm mạnh, thời gian tới, khi nền kinh tế được phục hồi sẽ kéo theo dòng tiền đầu tư", ông Nghĩa nói.

Cũng theo vị này, đầu tư của Chính phủ, đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân vào bất động sản cũng có xu hướng tăng. Điều này là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Ngoài ra, đầu tư của tư nhân cũng có tác động mạnh tới thị trường. Đầu tư của dòng đô thị hoá cũng đang rất mạnh, có thể tạo ra một trào lưu về đô thị hoá mới, bắt đầu từ năm 2017 và dự kiến kéo dài tới 10 năm.

Về thị trường tài chính tiền tệ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng 3 năm nay thị trường ngân hàng khá ổn định, năng lực tài chính của ngân hàng thương mại tăng gấp đôi, đạt mức quân bình của Đông Nam Á, tỷ lệ lãi ròng trên vốn tăng cao.

"Thị trường ngân hàng phát triển ổn định tác động tích cực cho thị trường bất động sản, không phải lo có ảnh hưởng tiêu cực từ hệ thống ngân hàng", ông Nghĩa nhận định.

Vị chuyên gia này cho rằng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thắt chặt nhưng mức độ thắt chặt vẫn còn khá lỏng.

"Chúng tôi đã khuyến cáo về việc kiểm soát tài chính với thị trường bất động sản phải thận trọng, không được làm đóng băng, phải phát triển ổn định, dài hạn. Ta đã thực hiện nhiều phép thử và chưa thấy có đóng băng nhưng chắc chắn sẽ có vài biến chuyển", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Đánh giá về tổng thể, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định nhu cầu và giá cả bất động sản có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đến cuối năm 2020, thị trường bất động sản mới có thể trở lại bình thường.

Cùng chuyên mục
Tin khác