Tài chính quốc tế

Venezuela nguy cơ đối mặt siêu lạm phát gần 4.000% vào năm 2020

(VNF) - Không một quốc gia nào trên thế giới được dự báo một mức lạm phát "xấu ngoạn mục" như Venezuela - quốc gia đang trong tình trạng khủng hoảng và kiệt quệ.

Venezuela nguy cơ đối mặt siêu lạm phát gần 4.000% vào năm 2020

Người dân xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm bên ngoài một siêu thị ở thủ đô Caracas. Ảnh: AP

Trang phân tích dữ liệu Howmuch.net đã xây dựng bản đồ tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2020 từ số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Đáng chú ý là không một quốc gia nào trên thế giới được dự báo một mức lạm phát "xấu ngoạn mục" như Venezuela - quốc gia đang trong tình trạng khủng hoảng và kiệt quệ.

Kỷ lục gia mới

Năm 2015, Venezuela ghi nhận tỷ lệ lạm phát tồi tệ nhất trên thế giới, ở mức gần 122%. Năm 2016, tỷ lệ lạm phát của Venezuela dự kiến ​​sẽ tăng gấp bốn lần lên 482%. 

Tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp các nước trên thế giới từ năm 2015 - 2020. Nguồn số liệu: IMF

Niềm an ủi duy nhất đối với Venezuela có lẽ là tốc độ tăng lạm phát sẽ chậm lại đến năm 2020. Theo IMF, từ năm 2016 - 2017, tỷ lệ lạm phát của nước này dự kiến tăng 3,5 lên 1.643%. Từ năm 2017 đến năm 2018, tỷ lệ này tăng khoảng 1,75% chạm mức 2.881%. Lạm phát của Venezuela có thể chạm mức tệ 3.497% trong năm 2019, tăng 1,2 lần so với năm 2018; và dự báo đạt đỉnh 3.960% trong năm 2020, tăng 1,1 lần so với năm 2019.

Những trường hợp siêu lạm phát tệ nhất trong lịch sử

Venezuela không phải là quốc gia đầu tiên rơi lạm phát phi mã. Đức đã từng đối mặt với siêu lạm phát đạt đỉnh vào năm 1923. Đồng Papiermark của Đức - đồng tiền mà nước này đưa vào sử dụng từ năm 1914 khi chấm dứt chế độ bản vị vàng - có mức tỷ giá 4,2 Papiermark/USD khi nổ ra Chiến tranh Thế giới 1. Tuy nhiên, đến tháng 11/1923, phải 238 triệu Papiermark mới đổi được 1 USD.

Nhiều người khi đó đã rơi vào tình trạng rối nhiễu tâm trí gọi là "cú sốc số 0" do phải đối mặt với những chuỗi số 0 dài dằng dặc khi phải chi hàng trăm tỷ Papiermark để mua các mặt hàng thiết yếu mỗi ngày.

Lạm phát bùng nổ buộc Chính phủ Đức phải đổi tiền. Theo đó, đồng Papiermark được thay bằng đồng Rentenmark, với 10 chữ số 0 được bỏ đi. Mức tỷ giá áp dụng sau khi đổi tiền là 4,2 Rentenmark đổi 1 USD.

Nhiều ý kiến cho rằng, siêu lạm phát tại Đức năm 1923 xuất phát từ việc nước này in tiền để bồi thường chi phí Chiến tranh Thế giới thứ nhất sau khi bại trận. Theo hiệp ước Versailles, Đức phải bồi thường cho phe thắng cuộc bằng vàng hoặc ngoại tệ thay vì đồng Papiermark. Để mua vàng và ngoại tệ đáp ứng yêu cầu của hiệp ước này, Chính phủ Đức phải sử dụng đồng Papiermarks được bảo lãnh bằng nợ chính phủ, khiến sự mất giá của đồng tiền càng tăng tốc.

Trường hợp siêu lạm phát tệ hại nhất từng được ghi nhận trong lịch sử xảy ra tại Hungary vào nửa đầu năm 1946. Khi đó, tờ tiền có "to" nhất của Hungary có mệnh giá lên tới 100 tỷ tỷ Pengo, so với mức 1.000 Pengo vào năm 1944. Ở lúc cao điểm, tốc độ lạm phát lên tới 195%/ngày.

Tình hình bi đát đến nỗi Chính phủ Hungary phải áp dụng một loại tiền đặc biệt dành riêng cho việc đóng thuế và trả cước phí bưu điện, được điều chỉnh hàng ngày theo thông báo trên sóng phát thanh. Vào tháng 8/1946, Hungary tiến hành đổi tiền. Trước khi đổi tiền, ước tính, tổng số tiền giấy trong lưu thông của Hungary chỉ có giá trị tương đương với 1/1.000 của 1 USD.

Trong tháng 11/2008, khi sự tăng giá đã vượt xa mọi vòng kiểm soát, Chính phủ Zimbabwe "ém nhẹm" việc công bố số liệu lạm phát. Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế đã tính toán và đưa ra các con số trên.

Với giá cả tăng gấp đôi sau mỗi 24 tiếng, chỉ vài ngày sau khi phát hành tờ 100 triệu đô la Zimbabwe, Ngân hàng Trung ương nước này lại phát hành tờ 200 triệu đô la Zimbabwe, đồng thời hạn chế số tiền người dân có thể rút từ ngân hàng mỗi lần xuống còn 500.000 đô la Zimbabwe - tương đương 0,25 USD.

Sau khi tờ 100 triệu đô la Zimbabwe được phát hành, giá cả ngay lập tức "nổi loạn", với một ổ bánh mỳ tăng giá từ 2 triệu đô la Zimbabwe lên 35 triệu đô la Zimbabwe chỉ sau 1 đêm.

Tình hình càng tệ hơn khi nhiều cửa hàng từ chối chấp nhận đồng nội tệ, đưa đồng USD và đồng Rand của Nam Phi trở thành phương tiện thanh toán. Siêu lạm phát chỉ lắng xuống khi Ngân hàng Trung ương Zimbabwe định giá lại đồng nội tệ và neo buộc tỷ giá vào đồng USD. Siêu lạm phát ở Zimbabwe xuất phát từ sự mất cân đối nghiêm trọng trong cung cầu hàng hóa cơ bản và chính sách điều hành sai lầm của Chính phủ.

Venezuela sẽ lặp lại lịch sử

Dù sở hữu trữ lượng dầu lửa hàng đầu thế giới, việc chi tiêu không kiểm soát đã đẩy ngân sách của Venezuela trở nên kiệt quệ. Và không ai khác, người chịu thiệt thòi nhất chính là người dân nước này. Đất nước đang dần cạn kiệt tất cả mọi thứ, từ thực phẩm, thuốc men, điện đến giấy vệ sinh,... Sự khan hiếm hàng hóa trên diện rộng và hiện tượng các doanh nghiệp đồng loạt "tháo chạy" phản ánh tình trạng khủng hoảng của một đất nước.

Tỷ giá hối đoái những ngày cuối tháng 5 của Venezuela ghi nhận ở mức là 10 bolivar đổi 1 USD. Điều đó có nghĩa là một chiếc bánh mỳ được bán với giá 1.700 bolivar, tương đương với 170 USD (khoảng hơn 3 triệu đồng).

Chính phủ Venezuela hiện cạn kiệt nguồn thu và dự trữ, nên không đủ trả tiền nhập khẩu các mặt hàng cơ bản như sữa, bơ, trứng và bột mì. Không có tiền để nhập khẩu lương thực, hàng hóa nước ngoài nhưng Venezuela cũng không thể tự sản xuất để phục vụ nhu cầu của người dân trong nước. Chính sách quốc hữu hóa tài sản đã khiến cho hoạt động trồng trọt, sản xuất trở nên khó khăn.

Mặc dù quốc gia này đã phải bán vàng dự trữ để trả nợ, rút 467 triệu USD từ quỹ tiết kiệm tại IMF trong tháng 10/2015, vay tiền Trung Quốc và in thêm tiền, tuy nhiên nền kinh tế vẫn không có dấu hiệu hồi phục.

Hiện Venezuela chỉ có 12,1 tỉ USD trong dự trữ ngoại hối tính đến tháng 3/2016, theo số liệu gần đây nhất mà ngân hàng trung ương nước này đưa ra. Con số này chỉ bằng một nửa so với lượng dự trữ cách đây một năm. Giới chuyên gia cho rằng Venezuela có thể sẽ vỡ nợ vào mùa thu này.

Tin mới lên