Bảo hiểm BIDV lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 22% trong năm 2023

Hải Đường - 16/03/2023 13:40 (GMT+7)

(VNF) - Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên, tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 22,3% và 21,9%.

VNF
Bảo hiểm BIDV lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 22% trong năm 2023

Theo đó, BIC lên kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm công ty mẹ năm 2023 đạt 4.585 tỷ đồng, tăng 22,3% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu đạt 480 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 21,9%.

BIC cho rằng năm 2023 sẽ có 5 thách thức đối với doanh nghiệp này. Thứ nhất, tỷ lệ bồi thường một số nghiệp vụ tăng trở lại (do các hoạt động kinh tế - xã hội đã trửo lại bình thường sau dịch bệnh), đặc biệt là bồi thường của nhóm bảo hiểm xe cơ giới và con người, trong khi nhu cầu bảo hiểm mới tăng chậm lại (do kinh tế dự báo khó khăn hơn) và hoạt động đầu tư suy giảm (do thị trường chứng khoán giảm mạnh).

Thứ hai, việc tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do cầu thế giới giảm cũng ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó nhóm bảo hiểm hàng hoá có thể sẽ chịu tác động.

Thứ ba, nhu cầu tiêu dùng trong nước được dự báo có thể sẽ giảm tốc trong nửa đầu năm 2023 có thể khiến ngành bảo hiểm khó có mức tăng trưởng tốt, do đó mức độ cạnh tranh đối với thị trường bảo hiểm sẽ ngày càng gay gắt.

Thứ tư, thị trường chứng khoán đã phục hồi nhẹ sau đợt giảm mạnh vào gần cuối năm 2022, nhưng vẫn còn nhiều thách thức và không loại trừ khả năng tiếp tục suy giảm trong năm 2023.

Thứ năm, BIC cho rằng thị trường bảo hiểm bị ảnh hưởng bởi dư luận, việc xiết chặt quy chế bán chéo kênh ngân hàng – bảo hiểm theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2023. Mới đây, Bộ Tài chính đã tăng cường các hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm, đặc biệt đối với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Về thuận lợi, BIC trích báo cáo “Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam” của A.M Best, đơn vị này duy trì triển vọng đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam. A.M.Best dự báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt của năm 2022, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế theo hướng phục hồi bền vững sau đại dịch.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng thông qua đa dạng hoá nguồn cung nguyên liệu thô, dịch chuyển sản xuất hoặc hậu cần tới các quốc gia có cùng giá trị.

A.M.Best dự báo Luật Kinh doanh Bảo hiểm mới có hiệu lực vào đầu năm 2023 có thể làm tăng sự hiện diện của các công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó, mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ lớn dần theo thời gian.

Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp bảo hiểm nội đổi mới quản trị, tìm cách bổ sung nguồn vốn, nâng cao chất lượng dịch vụ. BIC cho biết, ngoài 2 yếu tố dài hạn đến từ triển vọng kinh tế vĩ mô và những thay đổi về thể chế nêu trên, A.M.Best cũng chỉ ra trong ngắn và trung hạn, các công ty bảo hiểm cũng được hưởng lợi từ việc lãi suất trong nước tăng hỗ trợ cho thu nhập đầu tư.

BIC dự kiến chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%, tương đương số tiền dự kiến phân phối cho cổ đông là 140,7 tỷ đồng. Công ty này đề xuất mức cổ tức cho năm 2023 là 12,5%, tương đương số tiền dự kiến trích ngân sách là gần 146,6 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.