Chuyên gia: 'Cần luật riêng để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường nước sạch'
Trang Huyền -
31/05/2022 08:27 (GMT+7)
(VNF) - Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng Việt Nam đang thiếu khung pháp lý cho thị trường nước sạch, điều này tạo ra nhiều mâu thuẫn, nghịch lý.
Ông Đồng nhấn mạnh tình trạng “tranh tối, tranh sáng” khiến thị trường nước sạch khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm “trục lợi chính sách” cạnh tranh không lành mạnh.
- Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Ông Nguyễn Quang Đồng: Tầm quan trọng của nước sạch cho sức khoẻ, cho sinh hoạt hàng ngày thì đã quá rõ ràng. Cũng vì thế Liên hiệp quốc và các quốc gia đều coi có nước sạch để dùng là quyền cơ bản của công dân và nhà nước có nghiã vụ phải đảm bảo cho người dân các quyền đó. Và lưu ý, nước sạch có nghĩa là nước đã qua xử lý, đạt tiêu chuẩn y tế - tức có thể hiểu nước sạch là nước máy.
Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là 95% - 100% người dân thành thị và 93% - 95% người dân ở nông thôn có nước sạch để dùng. Nhưng tôi nghĩ, khả năng cao là Việt Nam sẽ “lỡ hẹn” mục tiêu này. Theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy chỉ chiếm 52%. Đặc biệt, tỷ lệ này ở nông thôn chỉ đạt gần 35%, chênh lệch lớn với thành thị đang ở mức hơn 84%.
- Nguyên nhân đến từ đâu, thưa ông?
Vì sao một đất nước có tài nguyên nước dồi dào, sông hồ đa dạng trên cả nước mà tỷ lệ người dân dùng nước máy thấp như vậy? Tôi cho rằng nguyên nhân chính đến từ tổ chức và vận hành thị trường nước sạch.
Nước máy là một hàng hoá - là hàng hóa công đặc biệt. Thị trường cần có nguyên tắc riêng; có quy định rõ cho các khâu từ sản xuất nước, phân phối đến bán lẻ; và cần có sự tham gia của tư nhân. Nhưng hiện nay, ở nhiều địa phương, thiết kế và vận hành thị trường rất lộn xộn, không bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư tư nhân lẫn người tiêu dùng. Hà Nội là tiêu biểu. Bởi một loạt những bất ổn của thị trường nước sạch, mà Thủ đô - nơi có mạng lưới sông ngòi dày đặc bao quanh nhưng mới chỉ có xấp xỉ 35% người dân ngoại thành được dung nước máy.
- Cụ thể, những vấn đề nào chưa được xử lý ở thời điểm hiện tại?
Trước tiên, trong khi nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đang không đi kèm với một cấu trúc thị trường cung cấp hợp lý. Việt Nam cho phép tư nhân tham gia vào thị trường nhưng chưa phân định rõ ràng giữa công - tư tạo ra nhiều mâu thuẫn, khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư.
Ví dụ, theo quy định, tư nhân được sản xuất, cung cấp nước sạch nhưng để nước đến với hộ dân, cần có đường ống. Tại những khu vực chưa có hệ thống đường ống, chủ yếu là khu vực nông thôn, người dân muốn dùng nước phải đóng tiền xây dựng cho đơn vị cấp nước. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là vai trò của nhà nước, tư nhân trong cung cấp dịch vụ cấp nước tại đây là gì? Người dân khi tham gia đóng góp vào xây dựng đường ống sẽ có thêm những quyền lợi gì trong khi bản chất nhà nước phải đảm bảo quyền tiếp cận cho họ?.
- Với tình huống đó, liệu có nên chỉ cho phép tư nhân tham gia vào khâu cấp nước, còn khâu phân phối, bán lẻ do nhà nước độc quyền quản lý? Còn nếu khâu phân phối thuộc về nhà nước, trong bối cảnh ngân sách thiếu hụt, chúng ta cần cơ chế đầu tư đối tác công tư PPP nào để huy động tư nhân đầu tư vào đường ống?
Trước đây, do tính nhạy cảm của mặt hàng nước sạch, nhiều đại biểu Quốc hội hồi 2019 từng đề xuất đây phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này đặt trong bối cảnh xuất hiện việc nhà đầu tư ngoại mua, nắm giữ cổ phần tại các công ty tư nhân cung cấp nước cũng như sự cố nhiễm dầu thải của Công ty Nước sạch sông Đà. Đề xuất này tiếp tục được các hiệp hội liên quan nhắc lại vào năm 2020, tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Hiện chỉ có Nghị định 117 điều chỉnh trực tiếp vấn đề quản lý, cung cấp, khai thác nguồn nước.
Thứ hai là vấn đề về giá cả. Tại 63 tỉnh thành đang có 63 biểu giá nước sạch khác nhau. Nước sạch do Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính và lợi nhuận định mức. Các tỉnh căn cứ vào điều kiện của từng địa phương để quyết định biểu giá cụ thể nhưng không vượt quá khung của Bộ. Công ty nước sạch quyết định giá bán nhưng phải nằm trong biểu giá của tỉnh. Đa số tỉnh quyết định mức giá bình quân đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận tối thiểu 5%.
Thực tế, cũng có tỉnh áp giá nước thấp hơn chi phí sản xuất. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, giá nước sạch tại địa phương là khác nhau do các yếu tố cấu thành giá bán nước sạch như chi phí vật tư trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, chi phí quản lý doanh nghiệp... là không giống nhau ở các địa phương.
Khảo sát của IPS cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng mức giá bán lẻ nước, đặc biệt nước sinh hoạt, thấp. Tại nhiều địa phương, mức giá này ít được điều chỉnh. Đơn cử tại Hà Nội, khung giá này gần 10 năm qua vẫn giữ nguyên.
- Thực tế đó đã và đang đặt ra những vấn đề chính sách lớn nào cần phải giải quyết?
Thực tế này đặt ra 6 vấn đề chính sách lớn cần giải quyết. Thứ nhất, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp thứ hàng hoá công thiết yếu này nếu như quá trình cung cấp nước cho người dân xảy ra vấn đề như vụ nước sạch sông Đà cách đây vài năm?
Thứ hai, với quá trình tái cấu trúc thị trường nước sạch bằng cách để tư nhân tham gia vào dịch vụ cung cấp nước sạch thì tư nhân sẽ tham gia vào những khâu nào, những công đoạn nào?
Thứ ba, với cơ chế PPP, trong cung cấp nước sạch, vấn đề doanh nghiệp tư nhân có được tham gia vào việc xây dựng mạng lưới (hệ thống đường ống) cấp nước/thoát nước thải sinh hoạt hay không vẫn còn nhiều tranh cãi và cho đến bây giờ tư nhân vẫn chưa được tham gia vào công đoạn này.
Thứ tư, vấn đề xây dựng cơ chế giá và lợi nhuận cho ngành cũng là vấn đề lớn cần quan tâm. Cần có quy định về biên độ lợi nhuận bắt buộc để doanh nghiệp yên tâm tham gia vào thị trường. Và khi đã ký hợp đồng giữa nhà nước - tư nhân thì nhà nước phải có nghĩa vụ tuân thủ hợp đồng (khối lượng nước được mua; giá cả) hoặc đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp nếu vi phạm.
Thứ năm là vấn đề quy hoạch và điều phối liên vùng. Hiện nay, vai trò tổ chức, vận hành, điều tiết thị trường được giao về riêng rẽ cho từng địa phương. Nhưng các địa phương không có cơ chế phối hợp với nhau. Điều này gây khó khăn khi doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ nước sạch sang một tỉnh lân cận. Việc không điều phối cũng dẫn đến chồng lấn quy hoạch, làm thị trường vận hành thiếu hiệu quả.
Thứ sáu là vấn đề cơ quan điều tiết thị trường. Giống như điện lực, cần có một cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thống nhất; tránh tình trạng 6 bộ cùng quản lý phân mảnh như hiện nay.
- Nhưng chúng ta cũng đã và đang kêu gọi tư nhân tham gia vào trong lĩnh vực này? Liệu chỉ tư nhân tham gia vào đã đủ để hoá giải những mâu thuẫn như ông nói chưa?
Xã hội hoá dịch vụ nước sạch bằng cách để tư nhân tham gia vào lĩnh vực này là cần thiết. Tuy nhiên, cũng xin được nhấn mạnh thêm rằng, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý, trong khi nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư thì đồng thời thị trường vẫn không thu hút hiệu quả đầu tư của tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro cao khi tham gia thị trường, ví dụ như giá, khối lượng nước được mua dưới công suất. Doanh nghiệp nhà nước cũng khó khăn khi giá nước thấp, không đủ khả năng mở rộng diện tích cấp nước. Tình trạng “tranh tối, tranh sáng” khiến thị trường khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm “trục lợi chính sách” cạnh tranh không lành mạnh”. Do đó về lâu dài cần những giải pháp căn cơ hơn cho vấn đề này.
Ông cho rằng giải pháp căn cơ của vấn đề này là gì?
Cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch; cần tiếp cận đây là dịch vụ công thiết yếu, nước sạch là hàng hoá công hoặc bán công. Và khi đã là hàng hoá thì phải có thị trường bài bản, hệ thống. Tiến trình này nên gắn liền với việc xây dựng Luật về cấp nước và xử lý nước mà Chính phủ đã yêu cầu và Bộ Xây dựng đang triển khai. Chính phủ cần nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy luật này.
Việt Nam đang đô thị hoá rất nhanh; nếu không có luật lệ rõ ràng thì người dân vừa thiếu nước mà việc cung cấp nước cũng không hiệu quả.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.