CPTPP: Việt Nam hưởng lợi lớn từ tác động gián tiếp

Phan Trang - 10/03/2018 18:05 (GMT+7)

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết. Ngoài lợi ích trực tiếp về xuất khẩu hàng hóa, CPTPP còn mang lại những gì cho Việt Nam? Trao đổi của phóng viên với ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương).

Phần lớn nghĩa vụ "tạm hoãn" thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ

- Thưa ông, CPTPP kế thừa gần như toàn bộ nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, do Mỹ không tham gia, CPTPP đã có những điều chỉnh để phù hợp với 11 nước còn lại. Xin ông nói rõ hơn về các nội dung đã điều chỉnh của CPTPP so với TPP trước đây?

Ông Lương Hoàng Thái: Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao có nội dung cơ bản kế thừa TPP. Tuy nhiên, sau khi Mỹ không tham gia, 11 nền kinh tế còn lại đã thống nhất các nội dung cho phù hợp với tình hình mới. Các nội dung thay đổi này chủ yếu ở nhóm nghĩa vụ được tạm hoãn thực thi.

"Tạm hoãn thực thi" nghĩa là nếu Mỹ quay trở lại với các nội dung cũ của từ TPP thì các nước sẽ chấp nhận thực hiện các điều khoản này. Có khoảng 20 nghĩa vụ được tạm hoãn. Phần quan trọng nhất là nhóm nghĩa vụ liên quan đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Các nước tạm hoãn thực thi là do các nhóm nghĩa vụ này trước đây đều do Mỹ đàm phán.

Mặt khác, để thực hiện nghĩa vụ về quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải có nguồn lực kinh tế mới làm được. Thêm nữa, theo TPP, Mỹ cam kết sẽ mở cửa thị trường của mình tạo ra những lợi ích nhất định nên đổi lại, các nước cũng sẽ đồng ý thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao để hiệp định cân bằng. Nay do lợi ích thay đổi nên các nước tạm hoãn nghĩa vụ này.

Bên cạnh đó, quyền sở hữu trí tuệ còn liên quan đến đặc thù từng nước. Do đó trong bối cảnh mới, các nước cũng thống nhất việc có quyền chủ động sửa đổi các quy định trong nước cũng như điều chỉnh hệ thống của mình để triển khai nhóm nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ.

Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết tại Santiago (Chile) vào sáng 9/3 theo giờ Hà Nội.

Ngoài ra, một số nghĩa vụ khác được điều chỉnh đó là khả năng nhà đầu tư được kiện Chính phủ ra cơ chế trọng tài. Trong một số trường hợp nếu chứng minh được sự vi phạm cam kết hợp đồng đầu tư thì Chính phủ sẽ phải bồi thường. Tuy nhiên, các nước trong CPTPP thống nhất tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ này.

Như vậy, đối với 20 nghĩa vụ tạm hoãn với trên một nửa thuộc nhóm sở hữu trí tuệ, phần còn lại thuộc vào nhóm nghĩa vụ đòi hỏi năng lực thực thi tương đối lớn với các nước tham gia. Các nước cũng cho rằng việc thực hiện các nghĩa vụ này hay không cũng không tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Về cơ bản, nội dung CPTPP kế thừa TPP trước đây. Đặc biệt, nội dung về cam kết mở cửa thị trường được giữ nguyên. Đây là tiến bộ rất lớn trong bối cảnh xu hướng bảo hộ quốc tế tăng lên như hiện nay. Ngoài ra, các quy tắc liên quan đến hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật phi thương mại, cam kết minh bạch trong mua sắm công đều được duy trì như TPP.

Lợi ích trực tiếp là về xuất khẩu, lợi ích gián tiếp là cải cách thể chế

- Về xuất khẩu, Việt Nam có thể đạt được những gì khi tham gia CPTPP, thưa ông?

Với thương mại hàng hóa, gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Với các nước phát triển thì lộ trình ngắn hơn (khoảng 7 năm), còn các nước đang phát triển thì lộ trình dài hơn, phù hợp với điều kiện phát triển. Cơ bản các nước sẽ giảm thuế cho Việt Nam về 0% tất cả các mặt hàng.

Hiện nay, theo nghiên cứu, mức thuế trung bình ta đang chịu khi xuất khẩu sang các nước CPTPP khoảng 1,7%. Như vậy, có thể thấy, mặc dù Mỹ không tham gia nhưng với thị trường 500 triệu dân của các nước CPTPP thì lợi ích đối với Việt Nam tương đối rõ rệt.

- Còn với các lĩnh vực khác thì sao, thưa ông?

Ngoài lĩnh vực hàng hóa thì nhiều lĩnh vực khác có cơ hội cho Việt Nam như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của các nước.

Chẳng hạn, trước đây ta không chú ý lắm tới mua sắm công của các nước nhưng thị trường mua sắm công tại một số nước rất đáng kể. Gần đây, ta đã vươn ra mua sắm công ở nước ngoài. Chẳng hạn như FPT đã có dịch vụ phần mềm tại Nhật... Ngoài mua sắm công về hàng hóa, họ còn mua sắm công về dịch vụ, nếu ta tiếp cận được thì rất tốt.

Tuy nhiên, góc độ quan trọng của việc tham gia CPTPP là khẳng định chủ trương của Việt Nam về cải cách để hội nhập. Qua đó, ta có định vị về cách thức cải cách trong tương lai phù hợp bởi các nước CPTPP đã rất thành công trong cải cách để hội nhập kinh tế toàn cầu. Đây là lợi ích gián tiếp.

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, lợi ích gián tiếp còn cao hơn nhóm lợi ích trực tiếp mở cửa thị trường. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), lợi ích trực tiếp tăng trưởng có thể giúp tăng 1% GDP nhưng gián tiếp có thể giúp tăng 3,6 điểm phần trăm trong GDP.

Bên cạnh đó, khi triển khai hiệu quả, Hiệp định còn có lợi ích khác như lợi ích từ phi thuế quan. Dù chưa có công cụ chỉ ra lợi ích từ việc phi thuế quan mang lại khi tham gia CPTTP, nhưng trên thực tế ta thấy khi các nước có hiệp định thương mại tự do (FTA), tức chấp nhận luật chơi chung, có chất lượng quản lý, thương mại thì có sự tin tưởng nhau hơn. Vì vậy, nhiều trường hợp, rào cản phi thuế quan giữa các nước giảm đi nhiều.

Vị dụ, thời gian trung bình để 1 nước công nhận 1 mặt hàng tuân thủ quy định an toàn thực phẩm vào nước họ đối với nước có FTA giảm được 3 lần so với nước không có FTA.

Ví dụ, Việt Nam phải mất nhiều năm để thuyết phục các nước quả thanh long an toàn. Nhưng nếu đã có hệ thống thông qua tiêu chuẩn của FTA để người ta tin tưởng hàng hóa Việt Nam tuân thủ quy định quốc tế thì thị trường nước ngoài sẽ tin tưởng hơn, giúp xuất khẩu của ta thuận lợi hơn. Đây là lợi ích các FTA trong quá khứ đã cho thấy nhưng để lượng hóa ngay khi FTA vừa ký là khó.

- Là thành viên của CPTPP, tiếng nói của Việt Nam trong tranh chấp thương mại quốc tế có được tăng lên không thưa ông?

Ngoài nội dung cụ thể như trên, theo đánh giá, CPTPP có ý nghĩa chiến lược cao, nhất là trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều thị trường lớn có xu hướng bảo hộ mậu dịch, dựng ra rào cản mới. Thậm chí, có nước còn bàn đến chiến tranh thương mại. Đây là phản ứng tiêu cực và nếu xảy ra, tất cả đều thua.

Bởi vậy, 11 nước CPTPP quyết định có phản ứng tích cực hơn đó là tập hợp nhau lại để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên nguyên tắc thống nhất ủng hộ.

- Các doanh nghiệp đã chuẩn bị như thế nào cho CPTPP, thưa ông?

Việc chuẩn bị của doanh nghiệp tùy từng ngành, từng lĩnh vực. Như khi Việt Nam tham gia FTA ASEAN với Australia và New Zealand, nhiều ý kiến cho rằng ta không thể cạnh tranh được trong ngành sữa với 2 nước này, vì chi phí của họ thuộc loại rẻ nhất thế giới. Khi đưa thuế về 0% thì ngành đó không phát triển được. Nhưng thực tế thì ngành sữa của ta vươn lên phát triển mạnh hơn. Tất nhiên có những ngành khó cạnh tranh. Nếu như vậy thì phải từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong những ngành có lợi thế cạnh tranh tốt nhất.

CPTPP đưa ra lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài để doanh nghiệp chuẩn bị. Một nhóm doanh nghiệp ở thế yếu hơn so với các doanh nghiệp khác là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo chỉ đạo ban đầu của Chính phủ thì đây là nhóm cần đặc biệt lưu ý, làm sao để họ tận dụng được cơ hội.

- Xin cảm ơn ông!

Theo VGP
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.