'Dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm với doanh nghiệp tư nhân'

VNF (ghi) - 06/10/2018 07:33 (GMT+7)

(VNF) - Chuyên gia kinh tế hàng đầu nói "từ trong nhận thức một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt doanh nghiệp dựa trên hình thức sở hữu" và "dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối DN tư nhân".

VNF
Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên

Theo quan điểm của TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, tới nay vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác. VietnamFinance giới thiệu góc nhìn của ông xung quanh vấn đề này.

"Tính đến hết ngày 31/8/2018, cả nước có khoảng 600.000 DNNVV đang hoạt động, chiếm khoảng 97,5% số DN đăng ký. Với tổng số vốn đăng ký chiếm 30% trong tổng số vốn của DN. chỉ riêng trong năm 2018 cả nước đã có 87.450 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng (tăng 2,4% về số lượng và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2017). Vốn đăng ký bình quân đạt khoảng 10 tỷ đồng/DN.

Mục tiêu của chúng ta từ nay đến năm 2030 là xây dựng một nước Việt Nam công nghiệp hoá theo hướng hiện đại, tức là sẽ phải xoá dần ranh giới ngay từ khâu truyền thông về DN tư nhân và DNNN, chỉ còn là DN Việt Nam và DN nước ngoài. Lúc này Nhà nước trở thành Nhà nước kiến tạo, Nhà nước phục vụ, Nhà nước không quản lý trực tiếp DN. Mô hình Nhà nước của chúng ta sẽ linh hoạt hơn, nhường quyền quyết định về kinh tế vi mô cho DN để có những phản ứng kịp thời, hợp lý hơn với những diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế, chứ không phải bằng các quyết định hành chính.

Cùng với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển DNNN, các đạo luật đề ra những giải pháp khuyến khích kinh tế tư nhân mua cổ phần, góp vốn vào DNNN để dần thay thế DNNN, thay thế phần vốn Nhà nước trong DN hoạt động tại những ngành, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể đảm nhận được. Mục tiêu là phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng cao của khu vực này, đồng thời gắn với nâng cao năng suất lao động và ứng dựng khoa học công nghệ.

Luật đã mở ra những hướng ưu đãi cho các DN không kể thành phần kinh tế khi tiếp nhận các tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới áp dụng vào Việt Nam. Đặc biệt Luật có những điều khoản nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các DN nhỏ và vừa khi tham gia tìm hiểu thị trường giấy phép công nghệ thế giới để có thể mua được những công nghệ phù hợp với năng lực, trình độ quản lý và sử dụng, nhưng đồng thời bảo đảm bảo vệ môi trường làm việc và môi trường sống.

Để tạo lập và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp toàn thể các DN Việt Nam và ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV. Bằng cả các biện pháp hành chính và biện pháp xây dựng thể chế, các cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động vào cuộc.

Điều đó chứng tỏ sự chuẩn bị và phối hợp kịp thời, nhuần nhuyễn giữa cơ quan ban hành chính sách và các cơ quan tổ chức thực hiện, trên cơ sở thống nhất về hiện trạng để cùng nhau đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Sau hơn 3 thập niên đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa có nhiều đột phá. Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, có nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều DN Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định của DN, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực.

Không ít DN Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn.

Một vấn đề đặt ra không kém phần bức xúc là hiện nay dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối DN tư nhân. Tới nay vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.

Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ, trong Liên hoan phim tại Đà Nẵng tháng 11/2017 vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa “tại liên hoan có 30 phim của DN tư nhân, không có một phim nào của DNNN”, mà chưa đổi thành “phim của DN Việt Nam” và “phim của DN có vốn đầu tư nước ngoài”. Có nghĩa là từ trong nhận thức một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt DN dựa trên hình thức sở hữu.

Phải thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh ưu thế là giải quyết việc làm so với DNNN và DN FDI thì đóng góp của khối DN tư nhân trong nguồn thu ngân sách vẫn còn hạn chế. Rất ít các DN thuộc loại tỷ đô của Việt Nam đi lên từ ứng dụng khoa học công nghệ mà chủ yếu là từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc có gắn với kinh doanh bất động sản.

Vấn đề xử lý mối quan hệ giữa DN và các vấn đề xã hội không được đặt thành chiến lược lâu dài của đội ngũ doanh nhân, mà chỉ coi đó là các tình huống xử lý điểm nóng, sự vụ. Nhiều DN chưa đặt vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền lợi cho người lao động là những yếu tố cấu thành quan trọng giúp cho DN phát triển bền vững. Tỷ lệ các DN tư nhân chưa thực hiện tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa chăm lo tốt cho người lao động thông qua việc mua bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội luôn chiếm tỷ trọng cao so với các loại hình DN khác.

Để giải quyết tốt mối quan hệ của tam giác phát triển gồm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường, đòi hỏi cả từ 2 phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nhântư nhân phải có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững.

Đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt ra cho khu vực DN tư nhân, bao gồm cả tư nhân trong nước và tư nhân nước ngoài hoạt động trên đất nước Việt Nam. Điều này đòi hỏi xây dựng một đội ngũ doanh nhân vừa có năng lực quản trị tiên tiến, tiếp thu được thành quả của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới, nhưng đồng thời phải hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của DN, doanh nhân.

Thời gian ban hành Nghị quyết đến nay chưa dài, mới được gần 2 năm, nhưng kết quả đạt được là đáng trân trọng. Hệ thống thể chế và điều kiện môi trường kinh doanh của kinh tế tư nhân đã bước đầuđượccải thiện và được các DN đón nhận, thể hiện trong việc đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân; đồng thời cũng yêu cầu khối kinh tế tư nhân tự nâng cao năng lực quản trị DN, và trách nhiệm đối với xã hội và người lao động để trong vòng 15-20 năm nữa chúng ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức thu nhập trung bình cao".

Cùng chuyên mục
Tin khác