Mối duyên đặc biệt với nghề báo

Hoài Thương - 21/06/2024 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Quãng thời gian công tác tại Báo Biên phòng đã cho tôi nhiều cơ hội tiếp xúc, gắn bó với cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh và bà con dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Đặc biệt, tôi có rất nhiều kỷ niệm với cán bộ chiến sỹ Bộ đội biên phòng và người dân vùng biên Hà Tĩnh khi về thường trú tại đây.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí & Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi có cơ duyên về công tác tại Báo Biên phòng - cơ quan ngôn luận của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng.

Gắn bó với Báo Biên phòng, tôi dần quen với những chuyến đi cơ sở, được đặt chân lên những dải biên cương hùng vĩ của Tổ quốc, tận mắt nhìn thấy những công việc giản dị mà cao đẹp của những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang từng ngày, từng giờ giữ gìn chủ quyền an ninh biên giới, cùng ăn, cùng ở, cùng hòa mình với nhịp đập cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa… “Người thầy” đầu tiên của tôi trên con đường làm báo chuyên nghiệp cũng là một người lính quân hàm xanh – Thiếu tá Nguyễn Viết Lam, phóng viên Báo biên phòng.

Phóng viên Hoài Thương tham gia gói bánh chưng đón Tết với cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh và bà con dân tộc Chứt

Một trong những chuyến đi để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất là hành trình về với Đồn biên phòng Hương Quang, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh hồi tháng 8/2017. Đồn biên phòng Hương Quang (xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) chỉ cách trung tâm TP Hà Tĩnh hơn 50km nhưng để vào được đơn vị phải đi một chặng đường rất gian nan vất vả. Để vào được đến điểm đóng quân của các chiến sỹ biên phòng phải đi trên một con đường thủy độc đạo dài gần 30km giữa lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (công trình thuỷ điện lớn thứ ba cả nước, chỉ sau Dầu Tiếng và Cửa Đạt). Cả quãng đường không có bóng dáng bất kỳ một ngôi nhà dân nào.

Đại úy Trần Văn Hải, cán bộ giao liên của đồn đã trực tiếp lái chiếc xuống máy đưa tôi đi sâu vào khu vực lòng hồ. Anh chia sẻ: “Để phục vụ cho dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, từ tháng 7/2011, hơn 1.000 hộ dân thuộc xã Hương Quang và Hương Điền, huyện Vũ Quang đã di dời lên Khu tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ và Hói Trung, cách đơn vị 48km. Ngay cả Đồn biên phòng Hương Quang cũng phải dời vào sát biên giới, cách đồn cũ 18km”.

Anh thành thật: “Ở đơn vị, nhiều anh đã bước vào tuổi 35, nhưng vẫn chưa tìm được vợ, bởi vùng này tìm đâu ra con gái. Hiện tại, ai công tác tại đây cũng chịu “4 không”: không được sống gần dân, không có điện, không có sóng viễn thông, không có đường giao thông bộ. Thậm chí, vào mùa mưa lũ, đơn vị bị cô lập, chia cắt hoàn toàn mấy tuần liền”.

Chúng tôi mất hơn 1 giờ đồng hồ đi giữa lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang mênh mông sông nước và tiếp tục đi quãng đường bộ dài 12km nữa. Ngồi sau xe máy, thay vì được phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh núi rừng hùng vĩ thì tôi phải tập trung nhìn đường đi và bám thật chắc vào Đại úy Trần Văn Hải kẻo bị rơi khỏi xe. Vượt qua đoạn dốc, chúng tôi lại gặp con đường đất do mới mưa xong nên sình bùn, xe máy cũng không thể đi được. Hai anh em cũng chỉ biết động viên nhau đi chân đất, lội bùn cố gắng vượt qua đoạn đường này.

Mặc dù đường sá xa xôi, vất vả, nhưng nhìn thấy những nụ cười thân thiện, gần gũi của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hương Quang, tôi lại được tiếp thêm sức mạnh. Tôi nhanh chóng mở máy ảnh và cuốn sổ ghi chép, tác nghiệp ngay không bỏ lỡ một giây phút nào để ghi lại không khí tuần tra và tăng gia sản xuất hăng say của các cán bộ chiến sỹ ở đồn biên phòng “4 không”.

Khi về thường trú tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, tôi may mắn được thường xuyên đi cơ sở cùng với các anh làm công tác tuyên truyền ở Phòng Chính trị. Là “em út”, lại là đứa con gái duy nhất trong "team", tôi được Thiếu tá Lê Minh Toàn, Thiếu tá Hà Thanh Giang và Thiếu tá Nguyễn Thế Mạnh hỗ trợ rất nhiều. Mỗi lần đi công tác, biết tôi say xe các anh bao giờ cũng nhường ghế đầu, rồi mang giúp balo, máy ảnh, máy tính. Thỉnh thoảng vào bản, bà con dân tộc có mời chén rượu giao lưu, các anh cũng đỡ hộ cho con bé.

Nhắc lại những chuyến công tác lên biên giới là nhớ cái lạnh buốt thấu da thịt mỗi mùa đông đến, những cung đường đất gấp khúc, lổn nhổn đất đá, mùa hè thị bụi mù, mùa mưa thì trơn trượt, những con dốc cao uốn lượn ngoằn ngoèo trên đường lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo… nhưng nhớ nhất là tinh thần trách nhiệm và tình cảm gắn bó của người chiến sỹ Bộ đội biên phòng với bà con vùng biên.

Chính tình quân dân cá nước đó đã giúp hồi sinh tộc người Chứt tưởng như tuyệt chủng dưới chân núi Ka Đay. Năm 1991, trong lúc tuần tra biên giới, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện khoảng 20 người Chứt sống trong hang động trên dãy Trường Sơn thuộc vùng biên giới Việt - Lào nên đã vận động về sống định cư lập nên bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Nhằm hỗ trợ bà con dân tộc Chứt làm quen với cuộc sống định canh, định cư, lực lượng biên phòng Hà Tĩnh đã thành lập tổ công tác cắm bản cùng ăn, cùng ở với đồng bào. Các cán bộ chiến sỹ cầm tay chỉ việc, dạy bà con trồng lúa, trồng rau, dạy bà con biết đọc, biết viết, phát thuốc, khám bệnh miễn phí… Nhờ đó, cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều đổi thay.

Mùa hè năm 2017, trong chuyến công tác dài ngày đến với bản Rào Tre, tôi đã được tận mắt chứng kiến cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Bản Giàng và Đội công trình của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh trực tiếp xây dựng đồng loạt 6 căn nhà bê tông kiên cố cho bà con. Nhìn đôi tay thoăn thoắt và những giọt mồ hôi trên trán các anh, tôi cảm thấy mỗi viên gạch được xây nên đều chứa đựng tình cảm gắn bó son sắt của các chiến sĩ biên phòng.

Không chỉ vậy, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh còn phối hợp với cấp ủy chính quyền, các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động giao lưu kết nghĩa, phục dựng các lễ hội, văn hóa truyền thống; song song với xóa bỏ tập tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết cho người Chứt.

Những ngày “cắm bản”, tôi cũng được tham gia vào một đám cưới được xem là “đám cưới lịch sử” khi lần đầu tiên có một cô gái người dân tộc Chứt nên duyên với một chàng thanh niên người dân tộc Kinh. Mọi công tác chuẩn bị đều do các cán bộ, chiến sỹ biên phòng đảm trách, từ dựng rạp, chuẩn bị tiệc ngọt, xe đưa đón, chụp ảnh, quay phim… Ngoài ra, cô dâu chú rể còn được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh tặng thêm 20 triệu đồng nữa. Đó là những nỗ lực của cán bộ chiến sỹ biên phòng để kết nối thanh niên người Chứt với những thanh niên người Kinh, giúp đồng bào Chứt thoát khỏi hiểm họa từ hôn nhân cận huyết thống.

Trở về từ chuyến đi này, tôi đã viết loạt bài “Giúp đồng bào Chứt an cư” đăng trên báo Biên phòng và sau đó, tác phẩm này đã đạt giải trong cuộc thi Báo chí viết về Gương người tốt việc tốt và điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước năm 2016-2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Càng đi nhiều, càng tiếp xúc với các chiến sỹ Bộ đội biên phòng và đồng bào vùng biên, tôi lại càng cảm nhận cuộc sống của bản thân có nhiều ý nghĩa. Mỗi lần tác nghiệp là một cuộc gặp gỡ, một sự trải nghiệm quý báu. Để đến bây giờ, tôi càng có thêm nhiều kinh nghiệm và vốn sống, để tiếp tục dấn thân vào nghề báo tại Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance.

Nhà báo trong vai nhà đầu tư chứng khoán

Nhà báo trong vai nhà đầu tư chứng khoán

Diễn đàn
(VNF) - Giữa sự trong sạch tuyệt đối theo kiểu “nhà báo viết về mảng Chứng khoán không được đầu tư chứng khoán” và kiểu “nhà báo phải dấn thân vào đầu tư chứng khoán để tìm kiếm sự thật và đưa sự thật đó đến với độc giả”, cá nhân tôi chọn hướng tiếp cận thứ hai.
Làm báo thời TikTok

Làm báo thời TikTok

Diễn đàn
(VNF) - Từng bị “gắn nhãn” là kênh mạng xã hội dành cho giới trẻ với những đoạn video ngắn “vô thưởng vô phạt”, TikTok giờ đây lại trở thành kênh tin tức, nơi các nhà báo tìm đến để thu hút thế hệ trẻ.
Cú 'đổ đèo' của báo in

Cú 'đổ đèo' của báo in

Diễn đàn
(VNF) - Từng có thời kỳ, những tờ nhật báo hàng đầu Việt Nam phát hành được hơn nửa triệu bản/số. Còn ở hiện tại, phát hành được vài chục nghìn bản/số đã là "thành công".
Cùng chuyên mục
Tin khác