TS. Nguyễn Đình Cung: 'Thủ tướng phải đích thân xuống làm việc để tháo gỡ vướng mắc'

Kỳ Thư - 08/08/2023 23:20 (GMT+7)

(VNF) - TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất: 2 điểm nóng cần gỡ ngay, đó là hoàn thuế VAT và vấn đề phòng cháy chữa cháy. Và theo kinh nghiệm của ông Cung thì "Thủ tướng phải đích thân xuống làm việc để tháo gỡ vướng mắc".

VNF
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 ngày 8/8, TS. Nguyễn Đình Cung, cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm thì cải cách bên trong là yếu tố quyết định. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam thì mỗi lúc khó khăn bên ngoài thì bên trong có động lực mạnh mẽ để thay đổi”.

Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.  Thời gian gần đây không có những thứ như thế, thậm chí có những thứ tạo nên nhiều rủi ro, chi phí, bất định hơn.

Dẫn chứng về thực tế này được nêu ra là các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy động chạm đến tất cả các ngành trong nền kinh tế, làm tăng chi phí tuân thủ cực kỳ cao và mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng nhưng vẫn không thay đổi. Thực trạng này gây bức xúc không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

"2 điểm nóng cần gỡ ngay, đó là hoàn thuế VAT và vấn đề phòng cháy chữa cháy. Và theo kinh nghiệm của ông thì "Thủ tướng phải đích thân xuống làm việc để tháo gỡ vướng mắc", ông Cung đề xuất.

Bên cạnh đó, do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức khiến thủ tục hành chính kéo dài, làm tăng thêm chi phí.

Tuy nhiên, ông Cung cho rằng, mặc dù Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhưng trên thực tế, ông chưa thấy cải cách, thay đổi bên trong đủ bù đắp khó khăn từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, “Chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí đang tăng chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt thấp", ông Cung nói.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, bối cảnh hiện nay, cần tập trung thực hiện các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ. Cần thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT.

“Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu. Đây chưa phải là lúc bàn đến chuyện tăng thu cho ngân sách", TS. Cung thẳng thắn kiến nghị.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.