TS Nguyễn Hữu Huân: 'Có thể hy sinh tăng trưởng để bình ổn giá'

Kỳ Thư - 02/08/2022 09:10 (GMT+7)

(VNF) - “Chúng ta có thể hy sinh một chút tăng trưởng để tập trung vào vấn đề bình ổn giá và an sinh xã hội. Khi giá cả đã được bình ổn thì sau đó phát triển kinh tế cũng chưa muộn’, TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.

VNF
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính (Đại học Kinh tế TP. HCM).

Việt Nam đã đi qua 6 tháng đầu năm 2022 với mức tăng trưởng GDP ấn tượng và kiểm soát lạm phát tương đối tốt. Nhưng thách thức cho các tháng cuối năm là rất lớn, nhất là khi áp lực lạm phát ngày càng nặng, ép mặt bằng lãi suất đi lên, trong khi nền kinh tế chưa kịp phục hồi nguyên khí sau 2 năm dịch bệnh. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính (Đại học Kinh tế TP. HCM) đã có những chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính về hướng đi trong bối cảnh này:

- Lạm phát 6 tháng ở mức 2,44%, được cho là thành công trong kiểm soát lạm phát. Nhưng con số này cũng bị nghi ngờ tính chính xác, mặc dù Tổng cục Thống kê (GSO) đã giải thích về nguyên nhân. Góc nhìn của ông đối với con số lạm phát 2,44% này?

TS Nguyễn Hữu Huân: Trong rổ hàng hóa tính CPI, giao thông chỉ chiếm chưa tới 10%. Vì thế, mặc dù chỉ số về giá cả giao thông tăng cao song điều này không ảnh hưởng quá lớn đến chỉ số CPI chung. Tuy nhiên, về cảm tính, chúng ta thấy giá cả các mặt hàng khác đã có sự gia tăng rất mạnh trên thực tế, đặc biệt là mặt hàng ăn uống và dịch vụ. Giá 1 tô phở ăn sáng hay giá cả thực phẩm chúng ta đi chợ hàng ngày đều tăng cao, trong khi theo báo cáo của GSO chỉ số này khá là thấp, chỉ xoay quanh 1%, mà chỉ số này lại đóng góp tỷ trọng rất lớn (đến 36%) trong tổng chỉ số CPI.

Không những vậy, do tác động của chi phí đẩy (giá xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành trong nền kinh tế tăng mạnh) và sự đứt gãy chuỗi cung ứng do hậu Covid-19 và chiến tranh, nên chúng ta thấy rõ sự khan hiếm và giá cả tăng cao ở hầu hết các mặt hàng trong nền kinh tế. Do đó sự nghi ngờ về tính chính xác của chỉ số này là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, do chúng ta không có đầy đủ thông tin nên cũng không thể kết luận là chỉ số CPI có chính xác hay không ở thời điểm hiện tại.

- Lạm phát ở mức 2,44% khiến lãi suất 6 tháng chưa phải chịu áp lực lớn để điều chỉnh. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có động thái điều chỉnh lãi suất điều hành. Nhưng thực tế lại cho thấy, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất rồi. Ông có thể lý giải về động thái của các ngân hàng thương mại? Và theo ông, thời gian tới, diễn biến lạm phát và lãi suất sẽ ra sao?

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa tăng các lãi suất điều hành nhưng cơ quan này cũng đã hút ròng mạnh tiền từ kênh thị trường mở và các kênh khác trong thời gian vừa qua. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt thanh khoản tại các ngân hàng thương mại và buộc các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất để huy động vốn nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống cũng như đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Theo tôi, hiện nay Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát hơn là tăng trưởng. Và điều này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt và tập trung ứng phó lạm phát toàn cầu. Chính vì thế, tôi cho rằng lạm phát nhiều khả năng sẽ đỡ căng thẳng hơn trong thời gian tới trước việc ưu tiên thắt chặt tiền tệ của chính phủ và nhất là giá dầu thế giới cũng đang có dầu hiệu hạ nhiệt do lo ngại về suy thoái toàn cầu dẫn đến nhu cầu về dầu mỏ giảm.

- Một số quan điểm cho rằng việc tăng lãi suất lúc này sẽ lợi bất cập hại, vì ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp cũng như tác động tới Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Ý kiến của ông về câu chuyện này?

Điều hành vĩ mô luôn phải dung hòa giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế, nhất là khi kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng “đình lạm” như hiện nay (tức vừa đình đốn, tăng trưởng kinh tế giảm và vừa lạm phát). Đây là một tình huống rất khó xử lý trong kinh tế học cũng như trong thực tiễn của các nhà điều hành. Vì nếu như chúng ta ưu tiên kiểm soát lạm phát, hạn chế cung tiền, thắt chặt tài khóa thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Còn nếu như ưu tiên phát triển kinh tế thì lại phải chấp nhận mức lạm phát cao trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà điều hành vẫn phải lựa chọn để có động thái phù hợp. Và thực tế cho thấy các nhà điều hành kinh tế đang ưu tiên kiểm soát lạm phát hơn.

Theo tôi việc này là phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Chúng ta có thể hy sinh một chút tăng trưởng để tập trung vào vấn đề bình ổn giá và an sinh xã hội. Khi giá cả đã được bình ổn thì sau đó phát triển kinh tế cũng chưa muộn. Điều này cũng đang là xu hướng chung của các chính phủ trên toàn thế giới. Đương nhiên điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp hậu Covid-19 nhưng quả thật sẽ rất khó để tìm được một giải pháp có thể vừa kiểm soát lạm phát lại vừa có thể thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện tại.

- Nhưng với lạm phát chi phí đẩy, lãi suất không giải quyết được. Tài khóa nên là chính sách chống lạm phát chủ đạo. Song hiện nay, các giải pháp tài khóa chưa thực sự mạnh mẽ. Từ các quan sát của mình, ông có bình luận gì về điều hành tài khóa trong việc chống lạm phát thời gian qua? Khuyến nghị của ông về việc điều hành tài khóa trước áp lực lạm phát gia tăng trong 6 tháng tới?

Theo tôi, chính sách tài khóa luôn có độ trễ nhất định so với chính sách tiền tệ, do hệ thống thuế, thu chi ngân sách đều đã được lên kế hoạch từ kỳ tài khóa trước và sẽ mất thời gian để điều chỉnh cũng như thay đổi, do phải qua khá nhiều bước thủ tục và các cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, cũng nhìn nhận rằng chúng ta cũng đang khá chậm trong các vấn đề thay đổi để chống lạm phát chi phí đẩy như giảm thuế môi trường hay thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, và việc giảm này cũng khá nhỏ giọt (tính đến thời điểm chúng ta đang nói câu chuyện này) trong khi tỷ trọng các loại thuế phí này chiếm gần một nửa giá xăng dầu.

Chính vì thế, theo tôi, Chính phủ và Bộ Tài chính cần quyết liệt hơn để giảm giá xăng dầu, nguyên nhân chính gây ra lạm phát hiện nay và điều này sẽ góp phần kiểm soát được lạm phát trong thời gian tới.

- Nhìn rộng hơn câu chuyện tài khóa – tiền tệ, ông đánh giá thế nào về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2 quý tới? Đâu sẽ là động lực tăng trưởng chính? Kịch bản tăng trưởng khả thi mà ông đưa ra là gì?

Rất khó xác định một cách chính xác kịch bản kinh tế từ giờ cho đến cuối năm bởi có rất nhiều biến không dự báo được như chiến tranh Nga-Ukraine hay căng thẳng giữa Nga và các nước phương tây có còn tiếp diễn, hoặc các yếu tố về đứt gãy chuỗi cung ứng có thể được giải quyết trong thời gian tới hay không, đặc biệt là liệu Trung Quốc có từ bỏ chính sách “zero Covid”, hay các biến chúng mới vừa được phát hiện liệu có phải là mối đe dọa tiếp theo cho toàn cầu không.

Các yếu tố này lại có ảnh hưởng rất lớn đối với kinh tế Việt Nam trong hai quý tới. Do đó việc dự báo về kinh tế Việt Nam sẽ thực sự khó khăn. Nhưng theo quan điểm của tôi, sẽ có hai kịch bản chính cho kinh tế Việt Nam.

Kịch bản tốt là kinh tế Việt Nam sẽ vượt bão tốt và đạt được những thành tựu khả quan trong năm nay và tăng trưởng kinh tế có thể đạt trên 7%, lạm phát dưới 4% nếu như căng thẳng giữa Nga và phương Tây không có các dấu hiệu quá tiêu cực trong thời gian tới, Covid-19 dần bị loại bỏ và Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.

Kịch bản xấu là nếu như căng thẳng chiến tranh cao lên, đẩy giá dầu tăng đột biến trở lại và Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng cửa nền kinh tế do lo ngại Covid-19 hay các biến chủng mới trở thành mối đe dọa toàn cầu thì lạm phát có thể vượt so với mục tiêu đề ra và tăng trưởng sẽ quay trở lại dưới 5%, đồng thời áp lực lên tỷ giá, thị trường chứng khoán, lãi suất ngân hàng cũng sẽ rất lớn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác